Sông trên khắp thế giới đang nhiễm kháng sinh cao gấp 300 lần

Các con sông trên thế giới đang nhiễm kháng sinh với nồng độ được ghi nhận cao gấp 300 lần so với mức an toàn đối với môi trường.

Từ sông Thames cho tới sông Tigris ở, nồng độ kháng sinh ở các con sông đang ở mức báo động, dẫn tới nguy cơ vi khuẩn ở môi trường này phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm.

Theo nghiên cứu được công bố tại một hội thảo về môi trường diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) vào ngày 27/5, các nhà khoa học đã lấy mẫu nước tại 711 địa điểm ở 72 quốc gia và phát hiện sự tồn dư của một hoặc nhiều loại kháng sinh trong 2/3 số mẫu nước trên.

Điều này đồng nghĩa hàng trăm con sông trên khắp thế giới có nồng độ kháng sinh rất cao. Đáng báo động hơn đây đều là những loại kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị các loại bệnh nhiễm trùng.

Ciprofloxacin, kháng sinh chuyên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ruột và đường tiết niệu, được ghi nhận vượt ngưỡng an toàn tại 51 trong tổng số địa điểm được xét nghiệm. Dù được xem là một trong những con sông trong sạch nhất châu Âu, song sông Thames của Anh cũng bị nhiễm tới 5 loại kháng sinh. Mẫu nước trên con sông này chưa chất Ciprofloxacin có nồng độ cao gấp 3 lần cho phép.

Các mẫu nước từ sông Danube ở Áo - con sông lớn thứ hai ở châu Âu - chứa đến 7 loại kháng sinh, trong đó có thuốc Clarithromycin - thường dùng để chữa bệnh viêm phổi và bệnh liên quan tới phế cầu khuẩn. Nồng độ kháng sinh trong nước sông này cao gấp 4 lần mức an toàn.

Trong khi đó, sông ngòi ở các nước đang phát triển thường được ghi nhận có nồng độ kháng sinh cao hơn, đặc biệt tại châu Á và châu Phi. Các nước có sông ngòi bị ô nhiễm kháng sinh nặng nhất là Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan và Nigeria. Tại một địa điểm ở Bangladesh, nồng độ thuốc kháng sinh Metrodinazole ở trong nước sông được ghi nhận cao hơn 300 lần ngưỡng an toàn.

Ông Alistair Boxall - nhà khoa học thuộc Viện Môi trường Bền vững York (Anh)- đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu, nhận định những kết quả trên là "đáng lo ngại" khi phản ánh một thực trạng ô nhiễm kháng sinh đang diễn ra đối với hệ thống sông ngòi trên khắp thế giới. Sự hiện diện tràn lan của thuốc kháng sinh không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống hoang dã, mà còn có thể tăng nguy cơ nhờn kháng sinh.

Việc xử lý nước thải và chất thải không hợp lý rồi đổ thẳng xuống sông, như được phát hiện tại một địa điểm ở Kenya, cũng dẫn tới nồng độ kháng sinh cao gấp 100 lần mức an toàn. Bà Helen Hamilton (Hê-len Ha-min-tơn), chuyên gia phân tích y tế và vệ sinh thuộc tổ chức WaterAid có trụ sở ở Anh, cho rằng việc nâng cao khả năng quản lý an toàn các dịch vụ y tế và vệ sinh ở các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống thảm họa kháng kháng sinh.

Kể từ khi nhà khoa học Alexander Fleming phát hiện penicillin vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước, kháng sinh đã có vai trò hết sức quan trọng trong y học. Nhờ có kháng sinh mà nhiều căn bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi hay viêm màng não được điều trị hiệu quả và các phẫu thuật có thể được thực hiện vì ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, hàng trăm triệu người trên thế giới đã được cứu sống.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang trở thành "cơn ác mộng" của nhân loại. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh và sử dụng sai thuốc kháng sinh không tuân theo chỉ định là hai nguyên nhân gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm kháng sinh trong môi trường cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo thế giới đang cạn kiệt nguồn kháng sinh, đồng thời kêu gọi ngành bào chế dược phẩm và các chính phủ nhanh chóng phát triển các loại kháng sinh thế hệ mới để có thể đối phó với tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng nhanh chóng của các loại vi khuẩn./.

Phương Oanh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/song-tren-khap-the-gioi-dang-nhiem-khang-sinh-cao-gap-300-lan/123660.html