Sống trên miệng hà bá, tính mạng người dân như ngàn cân treo sợi tóc

Chỉ khoảng 10 km sông Nậm Nơn (Tương Dương, Nghệ An) nhưng có đến 2 nhà máy thủy điện đang hoạt động. Gần chục năm nay, những hộ dân sống dọc dòng sông này thấp thỏm, lo âu vì không thuộc diện di dời, tái định cư nhưng đất đai bị sạt lở, tường nhà, nền nhà nứt toác.

Hà bá “viếng thăm” lúc nửa đêm

Ngã ba Cửa Rào (xã Xá Lượng) là nơi hợp lưu của hai dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ trước khi đổ về dòng sông Lam. Từ hàng chục năm trước, hai dòng sông này êm đềm chảy, mang theo nhiều tôm cá, nhiều loại thủy sản nước ngọt được xếp vào hàng đặc sản của miền Tây xứ Nghệ.

Ngã ba Cửa Rào, nơi hợp lưu của hai dòng trong-đục

Dân địa phương kể, tôm, cá nhiều đến nỗi, mùa nước cạn, chỉ cần đem rổ, rá ra sông xúc cũng đủ nuôi sống những hộ đồng bào dân tộc sống dọc dòng sông. Dòng sông trở thành nguồn sống của đồng bào, tưởng chừng không bao giờ vơi cạn.

Nhưng đó chỉ là ký ức. Ngã ba Cửa Rào ngày nay liên tục “thay áo”. Mọi dự báo, dự tính và kinh nghiệm về quy luật thời tiết đều trở nên xa vời. Khi những nhà máy thủy điện trên dòng Nậm Nơn hay Nậm Mộ xả nước để tạo ra dòng điện hòa vào điện lưới quốc gia, màu nước lại đục ngầu. Những cơn thịnh nộ của dòng sông cũng đã bất tuân quy luật.

Có lúc, dòng sông Lam tại ngã ba Cửa Rào là “cuộc chiến” không khoan nhượng giữa một bên là dòng nước đục và một bên là dòng nước trong xanh. Cá, tôm, chẳng biết chúng đã chết hết hay theo nhau trốn đi tìm nơi sinh tồn.

“Trước đây, ven sông đồng bào vẫn trồng trọt được, có cái ăn hằng ngày. Con tôm, con cá làm thức ăn thì dễ kiếm, không phải lo. Nhưng nay, khúc sông giữa nhà máy thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn lúc thì nước dâng đầy, lúc lại xả cạn. Cá, tôm không sống được đã đi trốn hết rồi. Đất canh tác cũng ngập dưới lòng hồ. Cuộc sống dân bản vô cùng khó khăn” – người dẫn đường rầu rĩ nói với chúng tôi.

Dân nghèo phải đánh đổi cái giá quá đắt khi nhà máy thủy điện mọc lên như nấm

Năm 2011, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn khởi công xây dựng trên địa bàn bản Lả, xã Lượng Minh. Trước đó, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn cũng hòa lưới điện. Đồng bào Lượng Minh bị kẹp giữa hai nhà máy, hoạt động theo quy luật liên hồ chứa. Dù chỉ có 4-5 hộ dân phải di dời tái định cư, nhưng có trên 200 hộ dân tại 4/10 bản của xã Lượng Minh phải nhường đất sản xuất để để thực hiện dự án.

Từ đó, những khoảnh rừng màu mỡ dọc bờ sông Nậm Nơn nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện bị thu hồi, cuộc sống người dân càng thêm chật vật. Tiếc đất, tiếc của nhưng vì niềm vui chung của cả đất nước, nghĩ mình cũng có chút đóng góp vào lợi ích quốc gia, nhiều gia đình đã đồng tình với chủ trương nhường đất cho thủy điện. Thế nhưng, cái mà người dân nhận được là một cuộc sống khốn khó, trăm bề vất vả.

Người đi, khổ đã đành nhưng người ở lại cũng chẳng được yên thân, họ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ, không biết do hà bá hay chính con người tạo ra. Ông Nguyễn Na Ly, một người dân bản Lả còn nhớ mãi ký ức kinh hoàng: “Khoảng 1-2 giờ sáng một ngày tháng 10/2012, khi cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng đất đá ầm ầm đổ xuống sông Nậm Nơn. Tiếng kêu la của người vang lên thất thanh, chó gà nhao nhác tứ phía. Cả bản vừa chạy ra khỏi nhà thì 7-8 ngôi nhà cũng nghiêng hết xuống bờ sông. Đất đai sụt lún khiến những ngôi nhà không thể đứng vững. Xã phải điều động lực lượng dân quân tự về và người dân những bản khác đến cứu người, cứu của. May là không có người chết, nhà cửa được đưa lên núi an toàn. Riêng ngôi nhà sàn của ta bị trôi mất, nay phải dời về vùng trung tâm xã xin đất dựng lên ở”.

Sau lần đó, 7 hộ dân không còn dám sống ven sông nữa mà phải tìm đất mới dựng lại nhà. Họ khẳng định, việc xả nước bất thường của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ là nguyên nhân khiến nước dâng lên nhanh, gây sạt lở.

“Nhà cửa phải di dời, những lồng cá trên sông cũng bị cuốn trôi. Nhưng Thủy điện Bản Vẽ chỉ hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng để nấu cơm cho dân bản đến dựng lại nhà. UBND huyện thì hỗ trợ thêm 7 triệu đồng/hộ để sửa sang nhà, di dời. Dân bản cũng chẳng biết bấu víu vào đâu, đành chịu khổ thôi” – ông Ly cho biết thêm.

“Đánh đu” trên miệng hà bá

Theo thống kê của UBND xã Lượng Minh, toàn xã hiện có 34 hộ, thuộc 4 bản sống ven sông Nậm Nơn nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Thế nhưng, đến nay, khi nhà cửa vườn tược đã sắp đi theo hà bá, tính mạng người dân như ngàn cần treo sợi tóc thì họ vẫn phải cam chịu.

“Lý do để trước đây họ không được di dời tái định cư (TĐC) là vì nằm trên cốt ngập thủy điện. Sau nhiều năm tích- xả nước, đất nhũn ra, sụt lún, sạt lở khiến nhiều ngôi nhà nứt toác, không thể không di dời. Nhưng muốn di dời phải có đất, có tiền trong khi đồng bào ở đây nghèo lắm!” – một cán bộ xã Lượng Minh cho biết.

Người dân bản Lả “đánh đu” trên miệng hà bá

Bà Lương Thị Mai, bản Minh Phương, xã Lượng Minh cho biết, gia đình bà làm nhà kiên cố ở đây từ năm 2001. Lúc đó, nhà bà là một trong những hộ làm ăn giỏi, cất được ngôi nhà sàn khang trang, đẹp nhất xã. Dưới nhà sàn là tầng 1 bê tông kiên cố. Căn nhà hướng ra dòng Nậm Nơn để tiện giao thương, buôn bán với những người qua lại bằng đường thủy. Thế nhưng, từ vài năm nay, gia đình bà không còn dám sinh hoạt ở tầng hầm, hướng nhà cũng phải mở lên phía núi, phòng khi mưa gió còn kịp thoát thân.

Thềm nhà bị sụt lún dần xuống dòng sông

Có nơi đến gần nửa mét

“Tường rào bao quanh bị đổ; đất, móng nhà bị sạt lở hết rồi. Tường nhà, nền nhà cũng nứt toác. Nhà ta có 8 người, có cả người già và trẻ em, hễ mưa gió là phải ôm quần áo chạy lên nhà bố mẹ cách đây nửa ngọn núi để ở. Không có tiền, không có đất làm nhà mới đành ở đây, không biết sống chết khi nào? Cũng tại nhà máy thủy điện mọc lên nhiều nên dân bản mới khổ sở thế này. Chỉ mong nhà nước hỗ trợ, tìm nơi mới để ổn định cuộc sống thôi”.

Bước vào căn nhà sàn tầng 2 của bà Mai, điều dễ nhận thấy nhất là một vết nứt kéo ngang từ đầu đến cuối nhà, lên tận tường xây. Vết nứt rộng chừng 3-4 cm đủ cho thấy nền tầng hầm đã bị sụt lún rất nhiều.

Nền nhà bà Lương Thị Mai bị nứt toác

Theo chân bà Mai chúng tôi xuống tầng hầm. Đây là tầng được gia đình bà Mai đổ khung trụ, bê tông cốt thép nhưng ở đây, một cảnh tượng khá rùng rợn. Vết nứt trên nền bê tông kéo ngang trước hiên nhà, nhiều chỗ rộng trên 30 cm. Chúng không ngừng rộng thêm sau những trận mưa hoặc sau những đợt tích – xả nước.

Bà Lương Thị Hằng, một người dân ở bản Lả, nơi có 28 hộ dân cần di dời khẩn cấp cho biết, không chỉ nhà ở phía bên này sông mà những ngôi nhà sát mép bên kia sông cũng đang thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ về.

“Sống gần nguồn nước là tập tục của người Thái từ ngàn đời nay rồi. Sống gần sông mong có nước sinh hoạt dồi dào, kiếm con cá, con tôm. Nay sạt lở hết rồi, người dân phải lo tính mạng trước đã. Nhưng lấy đâu ra đất và tiền của để di dời nhà? Thủy điện thì không chịu đền bù vì những hộ dân này không bị ngập nước. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi họp bàn đề kiến nghị lên cấp trên, mỏi mòn trông chờ gần chục năm nay nhưng vô vọng”.

Trước thực trạng người dân một số bản của xã Lượng Minh nằm trong diện phải di dời khẩn cấp, mới đây UBND huyện Tương Dương đã có tờ trình lên cấp trên xin kinh phí tái định cư. Tuy nhiên, dân bản vẫn hết sức lo lắng bởi mùa mưa đã đến gần nhưng dự án vẫn chưa được triển khai.

Boox. Ở Nghệ An, các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tác động xấu đến môi trường. Trong các cuộc tiếp xúc đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, cử tri các huyện miền núi phía Tây Nghệ An liên tục kiến nghị ngừng cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện. Thế nhưng, người dân và chính quyền địa phương các huyện miền núi vẫn phải gồng mình gánh chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trút xuống.

VĂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/song-tren-mieng-ha-ba-tinh-mang-nguoi-dan-nhu-ngan-can-treo-soi-toc-post219129.html