'Sống treo' trên di sản thế giới

Do lịch sử để lại, hiện có khoảng 3.800 hộ dân đang sinh sống trên khu vực di tích Kinh thành Huế.

Kinh thành Huế đang bị xâm hại bởi cuộc sống tạm bợ của hàng nghìn hộ dân.

Đa phần các hộ này đều sống trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp, môi trường ô nhiễm. Việc dân sống ở đây đã ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị cũng như việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Huế. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ông Phan Ngọc Thọ đã tới hiện trường để khảo sát, nắm tình hình; chính quyền địa phương đã lên Đề án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư với kinh phí khoảng 2.002 tỷ đồng.

Dự án liên quan 3.800 hộ dân

Từ năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo Luật Di sản, các khu Eo Bầu, Thượng Thành cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho thấy, ở đây có khoảng 3.800 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 1.000 hộ dân ở khu Eo Bầu, Thượng Thành. Đa số những hộ này là lao động nghèo định cư sau năm 1975, sau này nhiều hộ dân vạn đò chạy lũ lịch sử năm 1999 cũng lên làm nhà tại đây.

Để sớm thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế, mới đây, ngày 8/9/2018, ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế các khu dân cư tại khu vực này.

Đây là lần đầu tiên, ông Thọ trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6/2018 đến nay - PV) trực tiếp đi thị sát để có cái nhìn thấu đáo, hiểu kỹ hơn về cuộc sống khó khăn cũng như tâm tư, nguyện vọng của hàng ngàn hộ dân đang sống “treo” quanh di sản thế giới.

Ông Phan Ngọc Thọ (người giơ tay) đi khảo sát thực tế về cuộc sống của người dân sống xung quanh kinh thành.

Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đi khảo sát tại các điểm: Hộ thành hào đường Trần Huy Liệu, khu vực Eo Bầu, Thượng Thành thuộc các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc và phường Thuận Lộc. Đây là các điểm thuộc khu vực I di tích Kinh Thành Huế, hiện có khoảng 3.800 hộ dân đang sinh sống. Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều thuộc diện di dời, giải tỏa, đang sống trong những ngôi nhà ở dột nát, xuống cấp, môi trường không đảm bảo. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chật chội, cũ nát.

Ông Thọ đã động viên, chia sẻ với những khó khăn mà các hộ dân sinh sống tại khu vực này đang gặp phải. Ông cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, những chính sách để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn.

Ông cũng đã đề nghị các sở, ngành liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND TP Huế sớm rà soát lại các thủ tục liên quan, thẩm định thật chính xác, cụ thể đảm bảo tính pháp lý, hoàn thiện Đề án, khung chính sách, cơ chế giải phóng mặt bằng để di dời. Ông cũng mong muốn khi Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giải tỏa để khoanh vùng bảo vệ di tích, di dời người dân đến một nơi ở tốt hơn, rất mong người dân hưởng ứng, đồng thời vận động những người có cùng cảnh ủng hộ.

Được biết, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/01/2018. Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang được giao xây dựng đề án di dời dân cư, giải phóng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Ô nhiễm, nhếch nhác

Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Công trình được triều đại nhà Nguyễn quy hoạch và xây dựng trong thời gian 30 năm (từ năm 1803 đến năm 1832), rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: Hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài và mười cổng thành. Trong thành có 4 phường là: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp gồm Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận.

Sáng 11/9, PLVN đã đi nhiều vòng quanh Kinh thành Huế, nhận thấy đập vào mắt là những bức tường rêu phong, trên thành có nơi người dân dùng để trồng rau màu, nơi khác thì dân ở. Những ngôi nhà nơi đây đều tạm bợ, chật hẹp, được che bằng tôn, cảnh tượng nhếch nhác.

Những ngôi nhà tạm bắc cầu thang sắt làm lối đi lên.

Muốn vào nhà, người dân nơi đây phải trèo lên chiếc thang đã được bắc sẵn dựa vào tường thành. Xe máy thì không thể vào nhà được. Nước sinh hoạt đều thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì ở đây không có cống thoát nước. Do vậy, khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi nồng nặc, chuột chạy quanh nhà là chuyện thường.

Sống trong căn nhà 20m2, mái tôn xiêu vẹo, bà Nguyễn Thị Cúc (52 tuổi, bán quán nước, ngụ tổ 1, khu vực 2, phường Thuận Thành) cho biết: “Tôi sống trên tường thành này đã 15 năm, được người thân nhượng lại. Trời mưa khổ lắm, ai cũng sống thấp thỏm vì sợ nhà sập, vì thế cứ mưa là chúng tôi di dời đến nơi an toàn. Có nhiều lúc tôi định mua tôn về sửa lại nhưng không dám, vì lo không biết bao giờ sẽ được di dời. Chật hẹp, thiếu thốn, ô nhiễm. Nhưng biết làm sao, muốn ở nơi khác thì phải có tiền mua đất, xây nhà”.

Có mặt tại khu vực bờ thành phường Thuận Lộc, cạnh cống Lương Y, PV chứng kiến những ngôi nhà tạm nằm san sát, chen chúc, có ngôi chỉ rộng 5m2. Đằng trước, rác, nilon, lá cây rất nhiều làm mất mỹ quan của một thành phố du lịch như Huế.

Mong muốn di dời

Tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân ở đây đều muốn sớm được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, có điều kiện để con cái học tập, phát triển, an cư lạc nghiệp.

Ông Trần Lượng: “Tôi mong muốn được di dời càng sớm càng tốt để ổn định cuộc sống”.

Ông Trần Lượng (77 tuổi, ngụ tổ dân phố 14, phường Thuận Lộc) kể, ông quê ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, lên TP Huế bán bánh mì. Đến năm 1967, ông lấy vợ rồi lên khu thượng thành này ở. “Cách đây chừng 10 năm, chính quyền có nói sẽ di dời chúng tôi qua khu tái định cư nhưng ngóng mãi vẫn không thấy. Mới đây, nghe Chủ tịch UBND tỉnh nhắc đến chuyện này, tôi rất mừng.

Dù ở đây cạnh chợ Xép, các con tôi đều buôn bán ổn định, nếu đi nơi khác nguy cơ sẽ thất nghiệp; nhưng nếu có chủ trương tôi chấp hành liền chứ ở đây môi trường ô nhiễm, thiếu thốn đủ bề. Ở đây, do nằm trong khu vực giải tỏa nên nước sạch không kéo lên được. Nhà thì chật chội, những đứa trẻ lớn lên cũng tội lắm”. Ông Lượng dừng lại một hồi, rồi tiếp tục: “Nói vậy, nhưng liệu lần này Nhà nước có làm thật không các cô chú hè?”.

Tương tự ông Lượng, nhà của bà Lê Thị Vân (số 145, đường Trần Huy Liệu) chỉ rộng khoảng 5m2 nhưng là nơi ăn ở sinh hoạt của 7 người. “Vốn liếng không, công việc không, cũng không phải là hộ nghèo nên mọi chi tiêu trong nhà đều may rủi nhờ vào những chuyến xe thồ của chồng tôi. Bây giờ chỉ trông có được nơi ở đàng hoàng hơn một chút để yên ổn khi về già là mừng lắm rồi”, bà Vân tâm sự.

Theo bà Phan Thị Cúc (Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc), địa bàn có chừng 400 hộ sống khu vực Thượng Thành, Eo Bầu. Dân ở đây đa phần làm nghề lao động phổ thông như xích lô, xe thồ và buôn bán. “Cả phường có 92 hộ nghèo thì phần lớn đều thuộc những đối tượng này, riêng tổ 14 đã có tới 29 hộ nghèo. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời nhằm an cư lạc nghiệp nhưng đây là một vấn đề dai dẳng”, bà Cúc nói.

Các nhà dân dựng tạm bợ, nhếch nhác trên di tích Thượng thành.

Trao đổi với PLVN, Tiến sĩ Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô) cho biết: “Số dân sống trên Thượng Thành, Eo Bầu khá lớn, cuộc sống hàng ngày của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của di tích, gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản như tường thành, Hộ thành hào, hồ Tịnh Tâm, hồ Ngọc Hải, Khâm Thiên Giám…

Rất nhiều đoạn kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ, sụt lún khá nặng nề. Vì vậy, việc di dời dân là điều cấp thiết. Về phía trung tâm, chúng tôi đang cố gắng hết sức để huy động các nguồn vốn, từ đó mới có đủ lực để giải quyết được”.

Đề án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư với kinh phí khoảng 2.002 tỷ đồng là quá lớn, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ để sớm di dời dân ra khỏi hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Lê Tám Bảy

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/song-treo-tren-di-san-the-gioi-d77544.html