Sống 'treo' trên di tích cố đô Huế

Điều này không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.

Sống “treo” trên di sản là cụm từ để chỉ một bộ phận dân cư ở các phường nội thành như Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc, Phú Thuận nằm bao bọc xung quanh khu vực kinh thành và đại nội Huế.

Nhiều thế hệ sống trên di sản

Khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, khu vực Thượng Thành-Eo Bầu (phường Thuận Lộc) trở thành khu vực I bảo vệ di tích.

Sau năm 1975, vì nhu cầu về đất ở, hàng chục hộ dân tại TP Huế đã tự ý di chuyển lên sinh sống trên Thượng Thành với những ngôi nhà tạm bợ. Sau hơn 40 năm, số lượng người sống trên Thượng Thành đã tăng lên hơn 1.200 hộ với hàng ngàn nhân khẩu.

PV Pháp Luật TP.HCM đã tiếp cận với những hộ dân sống trên Thượng Thành, điểm chung của họ là sống trong những ngôi nhà chật hẹp, che chắn tạm bợ. Đường sá không được nâng cấp, không có hệ thống thoát nước nên môi trường sống trở nên chật chội và nhếch nhác.

Một nhà dân ở khu vực Thượng Thành, muốn vào nhà người dân phải bắc thang cao hơn 1 mét. Ảnh: N.DO

Một trong những người lên sinh sống đầu tiên trên Thượng Thành, bà Nguyễn Thị Gái, 72 tuổi, trú tổ 14, phường Thuận Lộc, cho biết gia đình bà hiện có ba thế hệ cùng sinh sống tại đây. Vì nằm trong vùng I bảo vệ di tích nên ngôi nhà của bà Gái không được phép xây dựng kiên cố. Vào mùa mưa bão, những hộ dân được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn vì sợ nhà sập. “Chúng tôi nghe việc di dời tái định cư đã lâu rồi, cách đây cả chục năm nhưng hiện nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhưng đa phần người dân rất sợ phải di dời sang ở những chung cư tái định cư vì đông đúc, nhà nhanh chóng xuống cấp…” - bà Gái nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, cho hay người dân ở đây đa phần là dân lao động phổ thông như đạp xích lô, xe thồ và buôn bán nhỏ. Việc di dời quá chậm khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời nhằm an cư lạc nghiệp.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện có khoảng 6.000 hộ dân với hơn 20.000 nhân khẩu đang sống tạm bợ trong khu vực cần bảo vệ các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Chậm di dời là do… dân

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từng phê duyệt dự án “Đầu tư, tu bổ và tôn tạo kinh thành Huế” với tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến 2015. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, UBND TP Huế chỉ mới di dời được gần 170 hộ dân ở mặt Nam của kinh thành Huế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay: “Việc bồi thường giải tỏa di dời dân thuộc thẩm quyền của UBND TP. Về kinh phí bồi thường giải tỏa, tái định cư thì trung tâm cũng đã chuyển cho TP, giờ chúng tôi đang chờ giải tỏa, di dời dân để tiến hành phương án trùng tu lại ở khu vực Thượng Thành”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho rằng vấn đề dẫn đến việc chậm giải tỏa, tái định cư là do có một số hộ dân ở mặt Nam kinh thành Huế chưa chịu di dời. “Hiện địa phương đang vận động và đưa ra các giải pháp nhằm nhanh chóng di dời những hộ dân này. Đồng thời sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để nỗ lực tìm cách giải tỏa cư dân còn lại ở khu vực Thượng Thành” - ông Thạnh nói.

Phải cấp bách di dời dân

Ngày 30-3, tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng việc di dời các hộ dân sống tạm trên kinh thành là việc làm cấp bách để trùng tu, bảo vệ di sản của Huế. Theo Bộ trưởng Thiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần phải sớm di dời dân khỏi Thượng Thành, nếu bây giờ không nhanh chóng thực hiện thì càng để về sau càng khó giải quyết hơn.

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/song-treo-tren-di-tich-co-do-hue-763127.html