Sống trong mồ- huyền thoại và đời thật của một nhà tình báo

Năm 1973, trong đời sống văn học nước ta xuất hiện một bản trường ca gây tiếng vang lớn, phát hành với số lượng hàng vạn bản. Đó là tập truyện thơ với tên gọi Sống trong mồ của tác giả lần đầu tiên 'lộ diện' trên văn đàn: Nguyễn Dân Trung (tức Nguyễn Minh Vân/Nguyễn Đình Quảng).

Ngay khi phát hành, truyện thơ “Sống trong mồ” đã gây chấn động dư luận cả trong nước cũng như báo chí nước ngoài bởi tính chân thực và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó khi trên chiến trường, cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Những câu thơ được tác giả Nguyễn Dân Trung sáng tác trong không gian khét tiếng bạo tàn như địa ngục và sự thiếu thốn cùng sự tra tấn của kẻ thù. Không giấy bút, ông phải lưu lại bằng trí nhớ nên đó không thể là những câu thơ hay, mang vẻ đẹp của thi ca nhưng đó là tiếng lòng kiên trung, bất khuất và đầy cảm xúc của người tù cộng sản. Nguyễn Dân Trung đã dùng từ rất chuẩn khi chọn ý niệm “sống trong mồ”-tệ hại hơn cả cái chết, làm chủ đề cho những vần thơ nối tiếp nhau của mình. Lần đầu tiên xuất bản, do hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, Sống trong mồ mới công bố 1.200 câu thơ của tác giả-người chiến sĩ cách mạng kiên trung với bí danh Nguyễn Dân Trung. Phải đến lần xuất bản tiếp theo vào năm 2002, tác giả Nguyễn Dân Trung mới tái bản truyện thơ này với bản in trọn vẹn 3.000 câu thơ do mình sáng tác trong những ngày tháng bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc.

 Chân dung Đại tá, Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân. Ảnh chụp lại

Chân dung Đại tá, Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân. Ảnh chụp lại

Khi cuốn sách Sống trong mồ đến với độc giả ở những bản in đầu tiên, thân thế của tác giả vẫn còn nhiều điều chưa mấy ai biết rõ, thậm chí không được tiết lộ. Lý do là vì ông, Nguyễn Dân Trung/ Nguyễn Minh Vân / Nguyễn Đình Quảng là một nhà tình báo quân sự...

Phải đến đầu tháng 12- 2019, trong lần xuất bản mới đây, cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của trường ca 3.000 câu lại nằm trọn vẹn trong cuốn sách có tên “Sống trong mồ - Huyền thoại và đời thật của Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân” do nhà nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Kim Thành dày công biên soạn, đã thực sự thỏa mãn nhu cầu thông tin của bạn đọc cả nước về tác giả đặc biệt - Đại tá, nhà tình báo Nguyễn Minh Vân. Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành chia sẻ: “Tôi được biết Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân từ khi viết cuốn sách "Chuyện chưa biết về người anh hùng" xuất bản lần đầu năm 2002. Sau này tôi có dịp đến thăm ông tại nhà riêng, tôi mới hiểu hơn về con người đặc biệt này, sau khi được nghe ông bà kể về gia đình, cuộc đời hoạt động tình báo, những năm tháng thăng trầm mà hai người đồng chí, cùng là bạn chiến đấu đã trải qua”.

Khi cuốn sách Sống trong mồ tái bản lần hai (năm 2002), Đại tá Minh Vân (lúc này đã trở thành thân thiết) trân trọng viết lời đề tặng khi trao cuốn sách của mình cho thạc sĩ Nguyễn Kim Thành. Khi lần đầu tiên đọc 3.000 câu thơ ấy, thạc sĩ Nguyễn Kim Thành lẫn lộn một cảm xúc: Phẫn nộ, tức giận, đớn đau, cảm phục, và sau hết là sự biết ơn. Từ đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Thành quyết tâm thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng để có thể biết thêm nhiều hơn về nhân vật hiếm có của ngành tình báo Việt Nam này.

Tác phẩm “Sống trong mồ - Huyền thoại và đời thật của Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân” do Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành chủ biên, phát hành tháng 12-2019. Ảnh: Tuấn Tú

5 năm sau khi Đại tá Nguyễn Minh Vân đi xa, với sự giúp đỡ của gia đình ông, Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành đã hoàn thành nội dung cuốn sách của mình và được Nhà xuất bản Thông tấn cho ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 12-2019). Cuốn sách “Sống trong mồ - Huyền thoại và đời thật của Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân” có nội dung phong phú, đa dạng, đa góc nhìn về Đại tá Nguyễn Minh Vân, qua lời kể của chính nhân vật, người thân, những đồng chí, đồng đội từng có thời gian công tác với ông trong ngành tình báo quân đội.

Đọc “Sống trong mồ - Huyền thoại và đời thật của Nhà tình báo Nguyễn Minh Vân”, độc giả được cung cấp thông tin chi tiết về tiểu sử, xuất thân gia đình và những chi tiết trong cuộc đời hoạt động của nhà tình báo cộng sản. Ông Nguyễn Minh Vân là con của một đại quan trong triều từ thời vua Khải Định đến Bảo Đại, là một trong “tứ kiệt” của đất Quảng Nam - cụ Nguyễn Đình Hiến. Cũng nhờ vị thế con nhà danh gia vọng tộc mà Nguyễn Minh Vân có cơ hội được tiếp xúc với những nhân vật danh giá của lịch sử như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hay ông Hoàng Hữu Nam, ông Hoàng Minh Đạo... để dẫn dắt một “ấm tử” dấn thân vào con đường cách mạng ở trên tuyến đầu của sự gian khổ và hy sinh là làm tình báo.

Không những thế, cuốn sách còn cho biết thêm về người vợ của ông cũng là con cái nhà tư sản đi theo cách mạng, hoạt động vùng địch hậu, bị bắt, chịu đựng mọi đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù và giữ vững khí tiết như chồng của mình.

“Riêng tôi, có một chi tiết nho nhỏ trong câu chuyện hoạt động của người nữ tình báo can trường này liên quan đến một cơ sở tình báo trong lòng Hà Nội tạm chiếm mà nhân vật ấy có tên là “bà Kíu”. Bà là bạn của mẹ tôi, cùng dân phố hàng Đường mà khi nhỏ tôi vẫn đến chơi và ngồi lòng người tôi gọi bằng “bác”, bà hơn mẹ tôi đôi ba tuổi. Sau này tôi cũng biết bà có hoạt động cho kháng chiến và là cơ sở tình báo thời tạm chiếm”, Nhà sử học Dương Trung Quốc viết trong lời giới thiệu.

Nhà sử học đặc biệt nhấn mạnh: “Có đọc kỹ văn bản cuốn sách, chúng ta càng nhận ra rằng những vần thơ, những câu chữ như gạn chắt từ xương máu và tâm can của Nguyễn Minh Vân không chỉ đem lại cho người đọc chúng ta hôm nay, nhất là với các bạn trẻ, nguồn cảm xúc mạnh mẽ về con người và thời đại của tác giả, mà phải chăng chính những sáng tác ấy đã nuôi sống nghị lực và tinh thần giúp tác giả vượt qua cái thử thách tưởng chừng không thể nào vượt qua bằng sức mạnh “đội mồ mà sống lại” tựa như Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng viết về dân tộc ta trong Cách mạng Tháng Tám 1945 “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”...

SONG THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/song-trong-mo-huyen-thoai-va-doi-that-cua-mot-nha-tinh-bao-605469