Sống trong tình nghĩa của bản làng

Nữ bác sĩ Hàn Thị Lê Vân cho biết nếu được chọn lại nơi công tác, chị vẫn chọn về với vùng núi cao này. Bà con cảm ơn chị nhưng chị phải hàm ơn bà con dân bản

Từng biết tiếng về nữ bác sĩ Hàn Thị Lê Vân, tôi lên huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) để được một lần gặp người thật - việc thật.

Thấy thương bà con

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Quảng Trị năm 2005 khi mới 21 tuổi, Hàn Thị Lê Vân có cơ hội làm việc ở ngay TP Đông Hà - một khởi đầu thuận lợi mà nhiều người mơ ước. Nhưng sau khi cân nhắc, chị lại lựa chọn lên vùng cao Hướng Hóa, nơi được nhiều người ví là khó khăn "nhiều như lá rừng".

Bác sĩ Hàn Thị Lê Vân thực hành kỹ thuật cao tại Bệnh viện Trung ương Huế

Bác sĩ Hàn Thị Lê Vân thực hành kỹ thuật cao tại Bệnh viện Trung ương Huế

Lãng mạn tuổi thanh xuân chăng? Hay muốn khác người? Nhiều suy đoán có vẻ không chính xác. Chị trả lời thật giản dị: "Thực ra, để bỏ qua cơ hội làm việc ở Đông Hà là đấu tranh nội tâm không dễ. Nhưng khi còn là y sinh, tôi đi thực tập ở vùng cao Hướng Linh (Hướng Hóa), thấy đời sống bà con dân tộc Vân Kiều còn nhiều vất vả, việc chăm sóc y tế cũng còn vô vàn khó khăn. Tôi thấy thương bà con, nghĩ ở những nơi này cần những người như mình, còn TP Đông Hà là đô thị tỉnh lỵ rồi, thiếu chi người. Vậy là tôi xung phong lên miền núi và công tác ở vùng sâu, vùng xa là xã Hướng Sơn, cách thị trấn Khe Sanh hơn 40 km".

Nhưng sau đó, chị từng có lúc ân hận vì quyết định của mình.

Ngày đầu nhận công tác, chị một mình chạy xe máy từ thị trấn Khe Sanh vào xã Hướng Sơn. Đường lúc đầu còn dễ đi nhưng càng đi càng hiểm trở. Một bên núi cao dựng đứng, một bên vực sâu hun hút. "Ổ gà", "ổ voi" rải đầy. Nhiều lúc xe phi như ngựa. Tay lái mỏi nhừ. Dừng xe lưng chừng dốc để thở, không dám đi tiếp, nước mắt tự dưng rơi xuống. Lại tiếp tục phải qua một cầu treo lắt lẻo. Lối đi hẹp chỉ một người qua. Xe máy muốn qua, rất khó.

Chị bèn để xe lại, vác hành lý qua cầu. Nhưng đến giữa cầu thì choáng vì cầu đu đưa, phải dừng lại trấn tĩnh một lúc lâu mà không hết run. Nỗi ân hận thoáng qua trong đầu. Chị nhớ lại: "Lúc đó, tôi tự trách mình lựa chọn vội vàng. Cũng muốn quay lại nhưng rồi không hiểu sao chân vẫn cứ đi tiếp vào tận Hướng Sơn".

Lạ lẫm ở vùng đất mới

Buổi đầu bỡ ngỡ nhiều thứ giữa bốn bề rừng núi. Trạm y tế lúc ấy quá đơn sơ. Không có nhà công vụ. Không chỗ ở, chị phải ở nhờ phòng của các anh chị giáo viên lên trước, rồi bắt tay vào việc chăm sóc sức khỏe bà con khi vẫn còn lạ lẫm nhiều điều ở vùng đất mới, tiếng Vân Kiều cũng chưa biết nói. Rồi dần dà cũng quen, chị tới từng nhà vận động bà con ăn chín uống sôi, ngủ phải dùng màn, đau ốm phải ra trạm xá...

Thuốc men hạn chế nên khi nào tiện ra thị trấn Khe Sanh, chị lại dùng tiền lương để mua những thứ cần thiết nhất đem vào phục vụ dân bản. Dân bản dần dà quý mến nữ cán bộ y tế vui vẻ, tận tâm, miệng nói tay làm. Nhiều người coi chị như người nhà. Có trái bắp, củ sắn, quả cà, nắm ớt... hay gạo mới là mang đến biếu. Chị sống trong sự bao bọc tình nghĩa của bản làng. Mộc mạc mà đậm đà. Đến khi bén duyên với đồng nghiệp ở trạm y tế, bụng mang dạ chửa đứa con đầu lòng, chị vẫn không thấy thiếu thốn gì "vì đã có dân bản chăm chút".

Hạnh phúc không thể đo đếm

Vùng sâu, vùng xa ban ngày đã heo hút, đêm đến càng vắng vẻ. Phụ nữ trực một mình ở trạm xá, nhiều khi nơm nớp thót tim.

Có một đêm, chị đang ngủ thì có người đập cửa lúc khoảng 2 giờ sáng. Giật mình, chị hỏi: "Ai đấy, có việc gì không?". Một giọng đàn ông gấp gáp trong tiếng thở hổn hển: "Vợ tao đẻ nhưng con không chịu ra. Máu chảy nhiều lắm. Cán bộ mau giúp với". Chị vội dắt xe ra, vai đeo túi thuốc. Chợt một người nữa xuất hiện, thoắt cái đã đến sau lưng khiến chị lạnh gáy, vội nói: "Xe tôi đây, các anh cứ lấy, trong trạm cũng không có gì đáng giá. Các anh lấy xe nhưng để tôi được sống". Người đàn ông vội nói: "Không. Không. Miềng đến dắt xe giúp bác sĩ mà".

Vậy là hoàn hồn, biết không gặp kẻ xấu nên chị cùng họ xuyên đêm đến nhà sản phụ. May là đến kịp, xoay xở một lúc thì công việc hoàn tất. Mẹ tròn con vuông. Mừng rơi nước mắt. Thầy thuốc và sản phụ nhìn nhau vỡ òa hạnh phúc. Sản phụ là vợ của trưởng thôn Upli 2, ở xã Thuận gần đó.

Còn một dạo, sốt rét bùng phát, bà con theo phong tục nên chỉ biết cúng Giàng (Trời). Chị nhận được tin dân báo có một người đàn ông tên Hồ Pả Bông sốt đã 5 ngày không khỏi, dù cúng bái nhiều lần. Chị vội chạy đến. Bệnh nhân sốt 41 độ C, thần trí lơ mơ, sợ ánh sáng, nước tiểu có huyết cầu tố. Khám lâm sàng, chị chẩn đoán bị sốt rét ác tính.

Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân bằng thuốc sốt rét và hạ sốt, chị thuyết phục người nhà chở bệnh nhân ra trung tâm y tế huyện rồi chuyển tiếp về bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau 14 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe mạnh trở lại với gia đình 8 nhân khẩu. Từ đó, hễ bà con sốt rét hay ốm đau là tìm đến trạm xá, có gì thắc mắc cứ hỏi bác sĩ Vân. Chị bảo với chị, "đó là hạnh phúc không thể đo đếm".

Bác sĩ Hàn Thị Lê Vân (thứ ba từ phải qua) trong một lần về lại với bà con dân bản ở xã Hướng Sơn

Khi biết tin chị phải rời Hướng Sơn, chuyển công tác sang xã Thuận theo yêu cầu của cấp trên, bà con nhiều người buồn lắm. Ông Hồ Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Sơn, mời chị đến, giọng tha thiết: "Nếu cháu ra ngoài ấy mà thuận lợi hơn thì bác và bà con cũng không dám giữ, dù rất muốn thế. Nhưng nếu ở lại thì xã sẽ cấp đất, bà con sẽ dựng cho vợ chồng cháu một căn nhà. Vì bà con ở đây đã coi cháu như người nhà rồi...". Chị rơi nước mắt.

Hàm ơn dân bản

Ngày rời Hướng Sơn, chị không dám ngoái nhìn lại, sợ chạm phải những đôi mắt đỏ hoe của bà con thương mến chốn đại ngàn.

Từ ngày về Hướng Hóa nhận công tác, chị Vân vừa làm việc vừa tranh thủ học xong chương trình bác sĩ đa khoa. Tưởng như vậy là quá đủ cho một thầy thuốc ở trung tâm y tế huyện miền núi Hướng Hóa. Nhiều người nghĩ thế. Nhưng không, chị tiếp tục học bác sĩ chuyên khoa I, Khoa Chẩn đoán hình ảnh ở Đại học Y Dược Huế.

Cháu bé Hồ Thị Vắc được bác sĩ Hàn Thị Lê Vân cứu sống trong ca sinh nở mà chị nhớ nhất trong thời gian công tác ở xã Hướng Sơn

Tôi hỏi: "Nếu chọn lại thì chị có thay đổi quyết định của mình hay không?". Nữ bác sĩ cười: "Tôi sẽ vẫn thế. Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều bắt đầu từ cơ sở, trưởng thành từ cơ sở, trong đó có Hướng Sơn, xã Thuận... Bà con cảm ơn tôi nhưng tôi cũng hàm ơn bà con dân bản. Họ đã yêu thương và chăm sóc gia đình tôi. Điều đó quý giá lắm. Tôi ngẫm lại, thấy mình cứ trải lòng mà sống, hết mình vì công việc thì rồi mọi cái sẽ đến. Cho đến nay, tôi vẫn liên hệ với bà con khi có dịp, gửi cho bà con ít cá khô hay chút quà trong những ngày lũ lụt. Bà con cũng luôn nhớ đến tôi. Họ thường gửi lời thăm hay điện thoại hỏi han chuyện con cái".

"Con gái đầu của tôi năm nay học lớp 9. Trước đó, nhiều lần cháu bảo sẽ không theo nghề bố mẹ, vì thấy quá bận rộn và vất vả. Nhưng vừa rồi, cháu đổi ý và khẳng định sẽ học nghề thầy thuốc vì thấy ai gặp bố mẹ cũng vui vẻ và quý trọng thực lòng. Con rất tự hào. Con muốn được như thế và con cũng sẽ như thế!" - chị không giấu nổi niềm vui ánh lên trong đôi mắt.

Từ khi ra trường đến nay, bác sĩ Hàn Thị Lê Vân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị từng 3 năm liền là chiến sĩ thi đua, 3 năm liền có đề tài nghiên cứu cấp sở, 2 năm liền có đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và được hội đồng khoa học đánh giá cao. Một số đề tài về cộng đồng, dinh dưỡng và thiếu máu thai kỳ, dinh dưỡng trẻ em và có thai vị thành niên… được đánh giá có tính thực tiễn, có thể ứng dụng tốt vào thực tế.

Làm tròn thiên chức của mình

Bác sĩ Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, nhận xét: "Những thầy thuốc như bác sĩ Hàn Thị Lê Vân ở tuyến huyện và cơ sở, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị, đã cố gắng rất nhiều để vượt qua khó khăn, làm tròn thiên chức của mình, chăm lo sức khỏe tốt cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người. Trong cơn đại dịch lần này họ cũng đã nỗ lực vượt bậc bằng tình yêu nghề nghiệp và lương tâm của người thầy thuốc".

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Bài và ảnh: Phạm Xuân Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/song-trong-tinh-nghia-cua-ban-lang-2021101321271477.htm