Sony đã khiến fan Người Nhện phẫn nộ như thế nào

'Sức mạnh càng cao, trách nhiệm càng lớn'. Câu nói nổi tiếng trong loạt phim 'Spider-Man' là điều mà Sony đang cần phải làm quen.

Theo CNBC, hàng chục triệu người hâm mộ Spidey (biệt danh của Người Nhện) cảm thấy không hài lòng khi CEO Tony Vinciquerra của Sony lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige.

“Chúng tôi đã thảo luận xem nên phát triển Spider-Man như thế nào. Những con người của Marvel Studios thật tuyệt vời. Nhưng mặt khác, nhân viên của chúng tôi cũng không hề kém cạnh. Và Kevin Feige không phải là người đã làm mọi thứ”, ông Vinciquerra nhấn mạnh khi phỏng vấn với Variety.

Thêm vào đó, CEO Sony còn cho rằng Kevin Feige đã không thực sự hiệu quả trong việc sáp nhập những siêu anh hùng Marvel trong thương vụ Disney mua lại Fox vào đầu năm nay.

Người hâm mộ dễ nhạy cảm với ngôn từ

Ngay lập tức, đông đảo người hâm mộ đã tấn công những câu nhận xét của Tony Vinciquerra. Sony từ chối bình luận về vấn đề này.

“Các fan Người Nhện đang rất phẫn nộ. Đối với họ, phải biết sử dụng từ ngữ sao cho đúng. Người hâm mộ nghĩ rằng Vinciquerra đã ngầm phê bình đội ngũ Marvel Studios”, CNBC dẫn lời Paul Dergarabedian, chuyên gia phân tích truyền thông tại Comscore, đánh giá.

Người hâm mộ bày tỏ sự thất vọng khi Sony và Disney "chia tay". Ảnh: Getty.

Rõ ràng một mình Kevin Feige không tự làm nên mọi thành công của Spider-Man. Nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của ông trong việc xây dựng nền móng để 23 bộ phim siêu anh hùng Marvel có sự liên kết và tương tác với nhau.

Người hâm mộ vốn giận dữ vì việc chàng Peter Parker (tên thật của Người Nhện) rời khỏi Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Do đó, những câu nhận xét từ CEO Sony bị cho là đổ dầu vào lửa.

Không những thế, với việc giúp Marvel Studios trở thành một trong các thương hiệu điện ảnh hoành tráng nhất mọi thời đại, "ông trùm" Kevin Feige nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả trong 10 năm nay.

“Kevin Feige phải nhận được sự tôn trọng vốn có. Những gì ông ấy đóng góp cho Spider-Man là không thể chối cãi”, Dergarabedian nhận định.

Kiếm lại niềm tin từ công chúng

Trở ngại lớn nhất của Sony lúc này là kiếm lại niềm tin nơi khán giả. Hai phần phim đầu tiên trong loạt phim Spider-Man vào những năm 2000 đã thành công, giúp định nghĩa lại về thể loại siêu anh hùng. Tuy nhiên, Spider-Man 3 và 2 bộ phim The Amazing Spider-Man bị giới phê bình chê bai.

The Amazing Spider-Man, ra mắt vào năm 2012, nhận được điểm số 72% trên Rotten Tomatoes. Nhưng đến phần tiếp theo thì con số đó giảm thảm hại, chỉ còn 52%. Mỗi phim cũng chỉ kiếm được hơn 200 triệu USD tại phòng vé Mỹ.

Sony đã thành công trong việc đem về dàn diễn viên tài năng, danh tiếng như Andrew Garfield, Emma Stone hay Sally Field, The Amazing Spider-Man vẫn không thể vượt qua được cái bóng của 3 phim trước đó do Sam Raimi đạo diễn.

Một cảnh phim trong The Amazing Spider-Man 2. Ảnh: Marvel.

Theo CNBC, Sony bị chê là đã lặp lại câu chuyện cuộc đời Peter Parker một cách không cần thiết trong 2 phần The Amazing Spider-Man, và xây dựng quá nhiều nhân vật phản diện đến nỗi thừa thãi, không có liên kết mạch lạc.

Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng đánh giá cốt truyện trong The Amazing Spider-Man quá lộn xộn, không được tập trung.

Nhưng kể từ khi có sự hợp tác với Disney, cụ thể là Marvel Studios, tình trạng của thương hiệu Người Nhện đã được cải thiện đáng kể. Spider-Man: Homecoming nhận được điểm 92% trên Rotten Tomatoes và 880 triệu USD doanh thu toàn cầu, bao gồm gần 350 triệu USD tại riêng thị trường Mỹ.

Spider-Man: Far From Home được công chiếu vào tháng 7/2019 đã đem lại tổng doanh thu 1,1 tỷ USD, con số cao nhất trong lịch sử Sony. Nhiều người khẳng định Sony chẳng thể nào đạt được kỳ tích đó nếu không có sự giúp đỡ từ phía Marvel Studios.

Cảnh Người Nhện lần đầu xuất hiện trong MCU. Ảnh: Marvel.

Công ty của Kevin Feige đã lược bỏ một số chi tiết không cần thiết ở quá khứ của nhân vật Peter Parker, nói ngắn gọn về cái chết của người chú Ben Parker, và đưa nam diễn viên trẻ trung Tom Holland đảm nhận vai này.

Xuất hiện lần đầu trong Captain America: Civil War, Peter Parker của Tom Holland đầy năng động, vui tính và đôi chút vụng về. Tính cách đáng yêu đó tiếp tục được Holland thể hiện trong các phim khác của MCU.

Người Nhện sẽ như thế nào khi rời khỏi MCU?

Phiên bản Người Nhện mới nhanh chóng trở thành hình mẫu Peter Parker được đông đảo công chúng yêu thích. Và đó cũng chính là lý do khiến họ rất thất vọng, gây ra làn sóng đòi tẩy chay các phim Spider-Man độc lập trong tương lai của Sony.

Sony sẽ đối mặt với thực tế rằng Người Nhện của họ sẽ không còn được kết nối với dòng thời gian mà Marvel Studios đã xây dựng trong hơn một thập kỷ. Nghĩa là chàng Peter Parker mới không có mối quan hệ nào với Người Sắt Tony Stark, không có chuyện tình giữa dì May và "ông chú' Happy, và dĩ nhiên không hề có mối liên kết với nhóm Avengers.

Người hâm mộ thậm chí còn lo lắng rằng Sony sẽ một lần nữa "xào" lại cái chết của chú Ben.

Tom Holland trong chiến dịch quảng bá cho bộ phim Spider-Man: Homecoming năm 2017. Ảnh: Sony.

Sự ràng buộc giữa nhân vật Người Nhện trong Spider-Man: Homecoming cũng như Spider-Man: Far From Home với MCU vô cùng lớn. Anh thừa hưởng những bộ giáp, công nghệ do tỷ phú Tony Stark sáng chế. Các nút thắt của phim cũng có sự xuất hiện của nhân vật Nick Furry.

Ngay cả những tên phản diện như Vulture hay Mysterio cũng được hình thành do mâu thuẫn với Người Sắt trong quá khứ.

Sony có thể chọn phương án đưa Người Nhện vào các bộ phim của nhân vật Venom để dần tạo nên một thế giới siêu anh hùng mới. Tuy nhiên, Peter Parker đã không xuất hiện trong phim Venom (2018) nên quá trình này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Có lẽ điều thông minh nhất mà Sony nên làm là từ bỏ hoàn toàn nhân vật Peter Parker. Người Nhện đã được đóng bởi 3 diễn viên trong gần 20 năm qua, và hình tượng này đã trở nên gắn bó với MCU hơn bao hết”, Shawn Robbins, chuyên gia phân tích tại Boxoffice.com nhận định.

Minh Đức
Theo CNBC

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sony-da-khien-fan-nguoi-nhen-phan-no-nhu-the-nao-post988101.html