'Sốt' đất qua, nhiều người khốn đốn

Cơn 'sốt' đất tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa… thời gian qua đã 'hạ nhiệt'. Trước đó không ít người bằng mọi giá liều lĩnh vay tiền đi mua bán đất bất chấp yếu tố pháp lý, đến khi giá đất chững lại hoặc không bán được đã gặp cảnh khốn đốn.

Nhân viên môi giới, “cò” đất vẫn hoạt động rầm rộ tại khu vực thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành.

Tại huyện Long Thành, không chỉ các xã ở khu vực xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà ở những khu vực lân cận giá đất cũng tăng nhanh từng ngày khiến phong trào đầu cơ đất nền thành cơn “sốt” với nhiều người. Vào các ngày cuối tuần, cảnh từng đoàn xe từ nơi khác đến nối đuôi nhau đi xem đất, mua đất không còn quá xa lạ với người dân địa phương.

* Ôm nợ vì đất

Ông T.V.Q. (ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành) cho biết, “ăn theo” đại dự án nói trên, vào đầu năm 2018 khi cơn “sốt” đất nền lên cao, ông thấy bạn bè đầu tư đất có lời nên cũng tập tành làm ăn. Chứng kiến cảnh mua đi bán lại đất đai quá dễ dàng, chỉ một thời gian ngắn đã có thể thu về số tiền lãi khá lớn càng hấp dẫn, lôi cuốn ông đầu tư vào đất.

Luật sư Lê Văn Nhân (Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, một số các tổ chức, cá nhân thường phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp không đảm bảo đủ điều kiện để xây dựng nhà ở. Phần lớn những giao dịch này được thực hiện bằng giấy viết tay, khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện bên mua dễ bị thiệt thòi. Do đó, người dân cần tỉnh táo trước các lời chào mời mua đất khi chưa tìm hiểu giá trị pháp lý của nó.

Cùng với số tiền tích cóp hơn 1 tỷ đồng nhờ làm vườn suốt mấy chục năm qua, vợ chồng ông quyết định thế chấp thêm căn nhà đang ở để vay tiền ngân hàng. Có tiền trong tay, ông Q. nhanh chóng đi gom đất ở các xã đang “nóng” về việc chuẩn bị xây sân bay, sau đó tìm mối bán lại.

Được những người trong nghề chỉ dạy, ông Q. mua lại 7 sào đất vườn trồng cao su của một hộ dân ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Dù thời điểm ông Q. đứng ra mua lại, giá trị miếng đất này bị người bán đẩy lên cao nhưng ông vẫn chấp nhận.

Có đất trong tay, ông Q. chờ thời với hy vọng bán được giá cao nhằm hưởng lợi chênh lệch. Tuy nhiên, ông Q. chưa kịp bán ra thì thị trường bất động sản đã rơi vào cảnh “đóng băng”, đến nay vẫn không thể “thoát” ra được trong khi tiền lãi ngân hàng phải trả đều đặn hằng tháng.

“Lúc mới mua đất xong, có người đã tới hỏi mua nhưng tiền lời không nhiều chẳng đủ để trả lãi ngân hàng nên tôi không bán. Từ hôm đó đến nay đã gần 5 tháng mà không thấy ai hỏi nữa. Bây giờ, tôi như ngồi trên đống lửa. Mỗi tháng trả lãi ngân hàng với khoản tiền không nhỏ khiến gia cảnh tôi thêm khốn đốn” - ông Q. bộc bạch.

Cũng gặp hoàn cảnh tương tự, ông Đ.N.H. (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) hiện đang có trong tay nhiều lô đất chưa bán được do chính sách siết phân lô bán nền của chính quyền địa phương. Hậu quả của việc “lướt sóng” đất đai là ông đang phải ôm số tiền nợ cả lãi lẫn gốc cao mà không có cách nào thanh toán, giải quyết.

Cách đây mấy tháng, ông hùn tiền với người bà con mua mấy sào đất về phân lô bán nền dù chưa được phép tách thửa. Sau khi địa phương siết chặt việc phân lô bán nền để tránh tình trạng mua bán, sang nhượng đất trái phép diễn ra tràn lan thì toàn bộ diện tích đất ông vừa mua lâm cảnh khó bán. Thậm chí, ông H. đã giảm giá bán đến 1/3 so với trước đây nhưng vẫn không có ai hỏi mua do lo sợ việc xây dựng nhà ở sau này sẽ khó khăn.

“Nhiều người có tiền vẫn kiên nhẫn giữ đất, nhưng tài chính của tôi eo hẹp, không bán đất được là đồng nghĩa với ôm nợ. Tôi đã vay mượn khắp nơi nhằm trả bớt số tiền nợ, nhưng vẫn không kham nổi do số tiền nợ ngân hàng quá lớn, vượt khả năng chi trả” - ông H. nói trong lo lắng.

* Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Tình trạng mua đi, bán lại nhà đất hiện vẫn khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Để tạo sự chú ý, hàng trăm tấm quảng cáo được treo đầy trên các cột điện, chưa kể đội ngũ “cò” đất đông đảo còn chặn xe rồi dí vào tay người qua đường những tờ rơi, lời chào mời hấp dẫn, hoặc liên tục gửi tin nhắn, gọi điện mời chào mua bán đất qua điện thoại, email, mạng xã hội. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang”.

Bảng rao bán đất tràn lan trên quốc lộ 51 đoạn qua huyện Long Thành.

Không chỉ những người mua đất đầu cơ gặp cảnh khốn đốn mà không ít người mua đất xây nhà ở đã nghe theo lời tư vấn ngọt ngào, vội vàng bung tiền mua vì sợ mất cơ hội, trong đó đất chủ yếu được mua đi bán lại, không đảm bảo yếu tố pháp lý rõ ràng để rồi nhận trái đắng khi cơn sốt đi qua.

Hơn nửa năm nay, bà N.B.T. (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đứng ngồi không yên vì bỏ số tiền gần 200 triệu đồng mua lô đất của Công ty địa ốc T.N tại cánh đồng Cây Khô thuộc ấp 2, xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất).

Sau khi mua xong, bà mới biết đây là đất lúa chưa qua chuyển đổi mục đích, không được phép xây dựng nhà ở. Riêng công ty địa ốc trên, sau khi bị phát hiện “xẻ” đất lúa trái phép đã “bỏ của chạy lấy người”. Những ai đã bỏ tiền mua đất của công ty này đều gặp tình cảnh tương tự.

Chủ tịch UBND xã Lộ 25 Nguyễn Văn Chín nhấn mạnh, về nguyên tắc đất trồng lúa không thể tiến hành phân lô, bán nền được. Địa phương cũng chưa cho phép bất cứ ai đứng ra xây dựng nhà ở trên đó. Mới đây, khi phát hiện san lấp mặt bằng làm dự án trên đất trồng lúa tại khu vực cánh đồng Cây Khô, chính quyền xã Lộ 25 đã tiến hành cắm biển khuyến cáo người dân không nên mua đất nền ở đây.

“Mua bán, chuyển nhượng đất khi chưa đủ điều kiện mà không có một cơ quan có thẩm quyền hay tổ chức công chứng nào xác nhận thì sẽ gặp rủi ro rất lớn. Do vậy, người dân cần tỉnh táo trước những lời chào mời hấp dẫn, khi có nhu cầu mua bán đất tại các khu dân cư hãy liên hệ trực tiếp với xã, huyện nơi có dự án để biết rõ các thông tin về pháp lý để tránh bị lừa” - ông Chín khuyến cáo.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/201811/sot-dat-qua-nhieu-nguoi-khon-don-2918538/