'Sốt đất' về thủ phủ cà phê

Trong cơn 'sốt đất', nhiều buôn làng tại các xã ngoại ô và các huyện tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê, đã gặp nhiều hệ lụy buồn.

Hết đất thổ cư vì thiếu hiểu biết

Hiện nay có tình trạng người bán vì thiếu hiểu biết nên đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua đi làm thủ tục tách thửa rồi sang nhượng hết đất thổ cư. Phần đất còn lại của người bán là đất nông nghiệp ở xã Cư Suê (huyện Cư M'gar).

Ông Y Hoa Niê, Trưởng buôn Sut M'đưng, xã Cư Suê cho hay: "Buôn có 354 hộ dân, với 1.725 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khoảng hơn 1 năm qua, rất nhiều người dân bán bớt một phần đất để trang trải cuộc sống. Trong số họ có mấy trường hợp bị sang nhượng hết đất thổ cư khi bán cho người khác và rơi vào cảnh xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp".

Theo ông Y Hoa Niê, các hộ dân bị mất phần đất thổ cư là do thiếu hiểu biết, có trường hợp không biết chữ, khi mua bán không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về bán đất ở hay đất nông nghiệp, hoặc chỉ bán một phần đất ở và 1 phần đất nông nghiệp… "Nhiều lần họp buôn, tôi đã nhắc vấn đề này cho bà con nhưng có người không nghe, không để ý" - Trưởng buôn nói.

"Sốt đất" nhiều vùng quê ở Đắk Lắk.

Một số trường hợp bị sang nhượng hết đất thổ cư khi giao sổ đỏ cho người mua đi làm thủ tục ở Cư Suê như: Bà H'Ngung Êban; H'Na Êban…

Chiều tối 21/4, trao đổi với PV, ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) cho hay, dù tình hình "sốt đất" thời gian này đã tạm ổn hơn nhưng chính quyền vẫn tích cực tuyên truyền bằng cả loa phát thanh để bà con không chủ quan. Đất đai là phương tiện sản xuất, tư liệu sản xuất nên cần hết sức cảnh giác khi giao dịch.

"Sốt đất" thực hay ảo?

Thâm nhập vào thực tế trong vai người mua đất ở vùng ven Đắk Lắk, gặp nhiều môi giới bất động sản mới thấy, người mua đất để ở, sử dụng thực sự là không nhiều, chiếm chưa đầy 30% tổng số lượng người mua đất. Phần còn lại là đầu cơ, mua đi bán lại của "cò", nhà đầu tư bất động sản để kiếm lời và tạo nên "sốt đất".

Ở các thôn, buôn "cò" đất cũng về gây nên tình trạng "sốt đất".

Một môi giới bất động sản khá sành sỏi chia sẻ: "Giá đất cao hay thấp, giao dịch nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào môi giới. Khi môi giới đi đến vùng nào thì bất động sản sôi động đến đó, khi môi giới rút thì giao dịch chững lại ngay. Một ví dụ minh chứng cho thấy rõ điều này là khi người dân bán 1 sào đất (1000m2) đất tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kiun) với giá 1,1 tỷ đồng, sau chưa đầy 1 tháng đã mua lại với giá 1,5 tỷ đồng. Sau đó người này sang nhượng lại 1,9 tỷ đồng; thời gian sau người mua đã bán với giá 2,7 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong khoảng một năm đã tăng gần gấp 3 giá trị sau 4 lần giao dịch nhưng trên đất không hề có bất kỳ thay đổi gì so với ban đầu".

Nhiều loại đất đều được rao bán.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ktur (Cư Kiun) cho biết: "Xã tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nên việc giao dịch đất đai rất sôi động. Tất cả các thôn, buôn trong xã đều có người dân bán đất, người mua từ nhiều nơi khác đến. Giao dịch nhiều và cũng có những trường hợp do không thống nhất được việc mua bán nên đã khiếu nại, khởi kiện. UBND xã cũng đã giải quyết, hòa giải và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật".

Nhiều lãnh đạo địa phương khác cũng rất băn khoăn, nếu các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khi bán đất do thiếu hiểu biết, không thỏa thuận rõ ràng mà để người mua tách thửa sang tên hết phần đất ở sẽ dẫn đến bà con phải xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Nếu phải chuyển mục đích sử dụng đất thì lại mất tiền, phải bán thêm đất. Khi đó dẫn đến hệ lụy buồn là thiếu đất ở, đất sản xuất gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Xem thêm video được quan tâm

Lê Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//sot-dat-ve-thu-phu-ca-phe-169220421231258404.htm