Sốt ruột chờ đột phá về tiền lương

Gửi gắm nguyện vọng đến kỳ họp kế tiếp của Quốc hội khóa XIII, nhiều cử tri mong mỏi “tiền lương phải phù hợp thực tế để giảm thiểu nhiều hệ lụy phát sinh...”.

Tiếp tục nghiên cứu thực trạng lương

Mặc dù kỳ họp lần này có tiếp tục mổ xẻ về tiền lương nhưng rồi vấn đề cũng chưa đi đến đâu. Có lẽ vì chúng ta chưa có những quyết sách đột phá để người lao động có thể sống được bằng lương.

Không quá khó để nhận diện những tiêu cực phát sinh do lương thấp. Nào là ngành giáo dục phải dạy thêm, học thêm; ngành y không tận tâm khám, chữa bệnh nếu không có phong bì; nhiều công nhân phải ngừng việc tập thể; nhiều người dân bị cán bộ, công chức sách nhiễu… Thế nhưng quyết sách nào để thay đổi căn cơ việc này thì chúng ta vẫn chưa nghĩ ra.

Trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Dự kiến tháng 5-2012, lương tối thiểu tiếp tục tăng 1,05 triệu đồng/tháng. Thoạt nghe cũng thấy vui nhưng xem lại mới thấy lương mới này vẫn không đuổi kịp giá và nhiều gia đình vẫn cứ canh cánh nỗi lo về cơm áo gạo tiền.

Cụ thể, nhà tôi có hai đứa con đang tuổi ăn học. Nếu tính theo mức lương mới thì hai vợ chồng được hưởng gần 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cuộc sống của cả nhà tôi.

Trên thực tế, lương tối thiểu tăng vẫn không đuổi kịp vật giá. Ảnh: HTD

Theo tôi, Bộ LĐ-TB&XH cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc về thực trạng tiền lương mà từ lâu đã có nhiều bất cập. Quốc hội cũng cần có quyết sách đúng đắn về việc này để người lao động yên tâm làm việc, góp phần chấn chỉnh nhiều biểu hiện lệch lạc trong xã hội.

NGÔ TẤN ĐẠT (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận 6, TP.HCM)

Lương công chức thấp hơn lương thợ hồ

Cả hai vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ đến TP.HCM học tập rồi may mắn xin được việc ở hai cơ quan nhà nước. Tuy đã đi làm được gần năm năm nhưng tổng thu nhập hằng tháng của cả hai cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng. Đồng lương ít nên dù chắt bóp hết cỡ, chúng tôi cũng chỉ đủ lo cho sinh hoạt hằng ngày của hai vợ chồng và một con nhỏ. Nếu tháng nào có đám cưới hay tiệc tùng đột xuất là lại phải lo chống chọi với bài toán thâm hụt trong chi tiêu.

Đã bao nhiêu lần chúng tôi nặn óc suy nghĩ nhưng vẫn chưa có hướng ra mà sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ. Con nhỏ lớn dần đồng nghĩa với chi phí cho học hành cho con ngày một nhiều hơn. Miếng ăn hằng ngày còn lo chưa xong nói đâu tới việc ổn định nhà cửa.

Lần đó có dịp trò chuyện với một số thợ xây dựng, tôi giật mình khi biết thu nhập của những người lao động phổ thông này còn cao hơn… giới công chức. Hiện thợ xây chính thường được chủ thầu trả 250.000 đồng/ngày, mỗi tháng trung bình làm 26 ngày thì thu nhập được 6,5 triệu đồng. Thấp hơn một chút, phụ hồ được trả công 180.000 đồng/ngày, nếu cũng tính 26 ngày công thì mỗi tháng phụ hồ kiếm được trên 4,5 triệu đồng.

Vẫn biết những người thợ đó sẽ không còn thêm quyền lợi gì khác ngoài số tiền được nhận nói trên nhưng rõ ràng quy định về tiền lương của mình vẫn còn nhiều nghịch lý, nhất là đối với các lao động có chất xám.

Nếu các ĐBQH đã thấy và chưa thể thay đổi được nhiều ở kỳ họp lần hai thì các công chức như chúng tôi có thể chờ kết quả khả quan ở kỳ họp lần sau?

ĐÀO THỊ TRANG (Khu phố 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức)

Phải có chiến lược cải cách tiền lương

Về nguyên tắc, lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí cho biết sau lần điều chỉnh mới nhất, mức lương mới chỉ đáp ứng được 65% mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. So với thị trường, lương của cán bộ, công chức có xu hướng ngày càng thấp. Đáng nói là mỗi lần nâng lương là giá cả tăng theo khiến việc điều chỉnh lương không hiệu quả, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Tôi rất không hài lòng với việc chính quyền làm không tốt công tác quản lý đô thị. Cứ mỗi lần dân kêu nạn lấn chiếm đường để buôn bán còn tràn lan, nhiều tệ nạn xã hội (hút chích, cờ bạc…) vẫn còn tồn tại, thậm chí đang “bành trướng” ở nhiều khu dân cư… thì chính quyền liên tục đổ lỗi “nhân sự ít”. Thế nhưng cứ mỗi lần điều chỉnh lương từng chút một (thay vì phải tính đúng, tính đủ) thì Nhà nước lại đổ lỗi “cán bộ, công chức rất đông” nên ngân sách không kham nổi. Kiểu nào cũng nói được là sao?

Theo dõi rất kỹ kỳ họp vừa qua, tôi nhớ rõ có ĐBQH đã đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu đưa chỉ số giá tiêu dùng vào làm căn cứ để xác định mức lương tối thiểu. ĐBQH khác lưu ý “nên quy định cụ thể khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên bao nhiêu phần trăm, thời gian tăng bao lâu thì Chính phủ phải kịp thời điều chỉnh mức lương tối thiểu”.

Tôi tán thành tất cả các góp ý tích cực này và mong rằng tới đây sẽ có chiến lược cải cách tiền lương chứ không chỉ là điều chỉnh từng chút một, không mang lại hiệu quả cao.

nguyenngoctram…@yahoo.com

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111126101140273p1027c1098/sot-ruot-cho-dot-pha-ve-tien-luong.htm