Sốt sắng hòa giải, Hàn Quốc khiến Triều Tiên khó chịu

Việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ trích gay gắt Hàn Quốc trong lúc ông giám sát vụ phóng tên lửa vừa qua làm dấy lên câu hỏi về vai trò của Hàn Quốc trong việc điều phối một thỏa thuận hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ, các nhà phân tích nhận định.

Hình ảnh Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 25/7ảnh: KCNA

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lâu nay là một trong những người ủng hộ tích cực nhất cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên qua con đường ngoại giao. Ông tận dụng Thế vận hội mùa Đông năm ngoái để đón đoàn Triều Tiên và đã gặp ông Kim tại những cuộc gặp thượng đỉnh ngập tràn nụ cười, bắt tay nồng nhiệt và không khí thân thiện.

Nhưng ông Moon vẫn không thể thuyết phục Washington nới lỏng trừng phạt và cho phép Triều Tiên - Hàn Quốc hợp tác kinh tế, cũng như không thể thuyết phục ông Kim chấp nhận những bước đi lớn nhằm tiến tới từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Hôm qua, Triều Tiên gọi vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo trong ngày 25/7 là lời cảnh cáo đối với “những kẻ muốn chiến tranh” ở Hàn Quốc hãy dừng nhập khẩu vũ khí và tập trận chung.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói rằng vụ phóng lần này được đích thân nhà lãnh đạo Kim sắp xếp nhằm gửi “cảnh báo nghiêm khắc” đến Hàn Quốc. KCNA nói rằng ông Kim coi chuyện Hàn Quốc tập trận chung với Mỹ là “hành động tự sát”, giống như “phóng ngư lôi” vào tiến triển ngoại giao gần đây giữa hai nước. Ông Kim cũng cảnh báo ông Moon “chú ý cảnh cáo từ Bình Nhưỡng”.

Có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên đang mất kiên nhẫn với điều mà họ cho là “hứa nhiều làm ít” của Hàn Quốc, Reuters dẫn đánh giá của bà Jenny Town, thư ký tòa soạn của 38 North, một dự án đặt tại Mỹ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên. “Triều Tiên đưa ra nhiều tuyên bố thách thức ông Moon tiến về phía trước, nhưng rõ ràng tình hình khiến Seoul không thể làm như vậy”, bà Town nói.

Về phần mình, ông Moon nói rằng “cho đến nay đã có nhiều tiến triển trong quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ - Triều, nhưng chúng ta vẫn còn đường dài phải đi”. “Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là thống nhất đất nước”, ông Moon hôm qua nói trước một nhóm lãnh đạo Phật giáo ở Seoul.

Chừa không gian cho hợp tác

Những phát biểu của ông Kim cho thấy Triều Tiên hoài nghi như thế nào về vai trò của Hàn Quốc trong tiến trình đối thoại Mỹ - Triều, ông Shin Beom - chul, công tác tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, đánh giá.

“Đối với họ, chính phủ Hàn Quốc chỉ gây phiền toái. Vì thế thông điệp của họ là: “Hãy thuyết phục Mỹ” hoặc “Đứng sang một bên”, ông Shin nói.

Giám sát vụ thử vũ khí hôm 25/7, ông Kim nói rằng những tên lửa mới này được phát triển để vô hiệu hóa các vũ khí Hàn Quốc mua và biến chúng thành “đống sắt vụn”. Việc Hàn Quốc mua lô máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ sẽ buộc láng giềng của họ phải phát triển và thử nghiệm “những vũ khí đặc biệt” để phá hủy máy bay, Triều Tiên nói trong cảnh báo đưa ra giữa tháng này.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo hôm 17/7 rằng họ đã nhận được 2 chiếc F-35A từ Mỹ. Seoul hiện có 4 chiếc F-35, và có kế hoạch mua 40 chiếc vào năm 2021. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng rất lo ngại việc Hàn Quốc mua F-35, phương tiện có thể vượt qua hệ thống radar của Triều Tiên.

Trong khi cần xử lý những mối quan ngại trong nước về an ninh quốc gia, ông Moon phải thực hiện các kế hoạch nhằm hiện đại hóa và đầu tư nhiều hơn vào quân đội Hàn Quốc. Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới thêm 270,7 nghìn tỷ won (228 tỷ USD).

Dẫu vậy, một số nhà quan sát tin rằng ông Kim Jong Un vẫn để dư địa cho hợp tác vì công kích của ông chỉ nhằm vào quân đội Hàn Quốc.

“Các bản tin của truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn sẵn sàng duy trì quan hệ liên Triều, vì họ chỉ tấn công vào lực lượng quân sự chứ không phải cả chính phủ”, Reuters dẫn lời ông Kim Dong-yup, giáo sư công tác tại Viện Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul.

Một quan chức Nhà Xanh nói sẽ không bình luận về thông tin trên báo chí Triều Tiên, nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn cam kết nỗ lực làm sống lại động lực cho đàm phán hạt nhân.

Quan hệ không tốt giữa hai miền gần đây còn được thể hiện trong việc Bình Nhưỡng từ chối nhận 50.000 tấn gạo mà Hàn Quốc muốn hỗ trợ. Một quan chức Hàn Quốc nói rằng Seoul đã bàn vấn đề này với Chương trình Lương thực thế giới, nhưng Bình Nhưỡng thể hiện thái độ “tiêu cực”, dẫn ra lý do là các cuộc tập trận chung. Nỗ lực để thảo luận vấn đề 2 thủy thủ Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt giữ cũng không nhận được câu trả lời, vị quan chức cho biết.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/sot-sang-hoa-giai-han-quoc-khien-trieu-tien-kho-chiu-1445345.tpo