'Sốt' thương mại điện tử ở Campuchia

Các yếu tố như công nghệ, người dùng Internet, đại dịch Covid-19, hiệp định thương mại tự do… góp phần tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng của thương mại điện tử ở Campuchia.

Nhân viên làm việc tại chợ trực tuyến Smile Shop ở Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Nhân viên làm việc tại chợ trực tuyến Smile Shop ở Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo số liệu được công bố trên Bản tin Thương mại điện tử (iTrade Bulletin) của Bộ Thương mại Campuchia, giá trị thị trường thương mại điện tử của nước này đạt mức 970 triệu USD trong năm 2021, tăng 19% so với năm 2020 (813 triệu USD).

Đứng đầu bảng trong các lĩnh vực mang lại doanh thu thương mại điện tử tại Campuchia là thời trang với 263,3 triệu USD, tiếp theo là các thiết bị điện tử với 254,4 triệu USD, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cá nhân và hộ gia đình với 230,5 triệu USD; các sản phẩm như đồ chơi, đồ tự chế DIY với 63 triệu USD; thực phẩm và đồ uống với 101,5 triệu USD; đồ nội thất với 46,3 triệu USD và phương tiện truyền thông với 11 triệu USD.

Khoảng 55% số đơn đặt hàng thương mại điện tử được thực hiện thông qua máy tính để bàn có kết nối Internet, trong khi số còn lại được thực hiện thông qua máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.

Theo Bộ Thương mại Campuchia, đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử ở đất nước Đông Nam Á dự kiến đạt 1,78 tỷ USD.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu dịch

Thứ trưởng Bộ Thương mại Penn Sovicheat đánh giá, động lực của sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Campuchia những năm gần đây là tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự gia tăng người dùng Internet và đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với Tân Hoa xã, ông Penn Sovicheat nói: “Chúng tôi nhìn nhận thương mại điện tử là một lĩnh vực tiềm năng để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng và không nghi ngờ rằng sự tăng trưởng này sẽ tiếp diễn trong những năm tới”.

Chung quan điểm với ông Sovicheat, ông Jack Lee, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên mạng lưới Smile Shop ở Campuchia cho rằng, việc siết chặt đi lại do lây lan dịch Covid-19 là một trong những lý do chính đằng sau sự phát triển thương mại điện tử ở Campuchia. Mọi người đặt mua thực phẩm, gia vị, đồ dùng... trên mạng xã hội Facebook, Instagram và diễn đàn thương mại điện tử khác.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của thương mại điện tử, Campuchia đã thông qua Luật Thương mại điện tử và Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào năm 2019, tiếp đó là Luật Cạnh tranh vào năm 2021, cũng như đưa ra chiến lược thương mại điện tử vào năm 2020.

Theo Cơ quan quản lý viễn thông Campuchia, nước này hiện có khoảng 17,7 triệu thuê bao Internet, phần lớn đều truy cập các nền tảng trực tuyến thông qua điện thoại thông minh.

Ở góc độ khác, theo ông Hong Vannak, nhà nghiên cứu kinh tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia, thương mại điện tử rất tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho người tiêu dùng nhờ sự gia tăng của việc sử dụng Internet và thanh toán di động.

“Thương mại điện tử ở Campuchia đã bắt đầu phát triển theo cấp số nhân từ năm 2018 và đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021”. (Nhà nghiên cứu kinh tế Hong Vannak)

Ông Vannak cho hay, “giới trẻ có kiến thức tốt hơn về công nghệ và họ muốn sử dụng các phương pháp hiện đại hơn để mua hàng và thanh toán trực tuyến”.

Một báo cáo của Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho thấy, có tổng cộng 13,6 triệu người dùng thanh toán di động ở nước này vào năm 2021, tăng 42% so với 9,56 triệu vào năm 2020.

Chuyên gia Vannak dự đoán rằng lĩnh vực thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới khi người dân nông thôn tiếp cận tốt hơn với Internet và công nghệ, đồng thời cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần được mở rộng hơn nữa.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến cho đơn đặt hàng gia tăng khi mọi người chuyển sang mua sắm trực tuyến và hạn chế di chuyển để ngăn chặn bệnh lây lan. (Nguồn: UNDP)

Sức sống mới từ RCEP và CCFTA

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Penn Sovicheat, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Campuchia và Trung Quốc (CCFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng tạo động lực mới cho phát triển thương mại theo hệ thống điện tử ở Campuchia.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng để giúp thúc đẩy kinh tế Campuchia trong và hậu dịch Covid-19 và sự phát triển nhanh của thương mại điện tử Trung Quốc có thể là mô hình tốt cho Campuchia học hỏi.

Theo ông Jack Lee, thương mại điện tử ở Campuchia đã giúp các công ty Campuchia giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đưa hàng hóa của họ đến tay khách hàng Campuchia. Các sản phẩm chính từ Trung Quốc vào Campuchia thông qua thương mại điện tử là các thiết bị điện tử, quần áo và đồ dân dụng khác.

Nhà kinh tế cao cấp Ki Sereyvuth, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhất trí rằng, RCEP và CCKFTA đã tiếp theo sức sống mới cho sự phát triển thương mại điện tử của Campuchia.

Theo đó, đất nước chùa tháp "có thể trở thành trung tâm trong phân phối hàng hóa từ Trung Quốc sang khu vực ASEAN".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và thuế Campuchia, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Campuchia đạt 11,37 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa trị giá 15,86 tỷ USD, tăng 11,9%.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 54%, tiếp theo là Việt Nam đạt 1,17 tỷ USD, tăng 3,4%.

Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Campuchia, với hàng hóa trị giá hơn 5,3 tỷ USD, tăng 24,2%, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với gần 2,1 tỷ USD và hơn 2 tỷ USD.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sot-thuong-mai-dien-tu-o-campuchia-191162.html