Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trên toàn cầu trong năm 2024

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 1-2024 đã có hơn nửa triệu ca sốt xuất huyết (SXH) và hơn 100 ca tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu, tăng 189% so với cùng kỳ năm 2023. Cần tập trung nguồn lực, phối hợp đa ngành để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này trong thời gian tới.

Số ca mắc tiếp tục gia tăng

SXH đã trở thành mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng với khoảng 4 tỷ người ở 130 quốc gia được xác định có nguy cơ nhiễm trùng. Tỷ lệ mắc SXH toàn cầu đã tăng rõ rệt trong hai thập kỷ qua, đặt ra thách thức đáng kể về sức khỏe cộng đồng. Từ năm 2000 đến năm 2019, WHO đã ghi nhận số ca được báo cáo trên toàn thế giới tăng gấp 10 lần, từ 500.000 ca lên 5,2 triệu ca. Năm 2019 đánh dấu một đỉnh cao chưa từng có, với các trường hợp được báo cáo lan rộng khắp 129 quốc gia.

Sau khi số ca mắc SXH giảm nhẹ trong giai đoạn 2020 - 2022 do đại dịch Covid-19 và tỷ lệ báo cáo thấp hơn. Kể từ đầu năm 2023, thế giới đã phải đối mặt với sự gia tăng các ca SXH và tử vong được báo cáo ở các vùng lưu hành bệnh, với sự lây lan sâu hơn sang các khu vực trước đây không có bệnh SXH. Hơn 5 triệu ca SXH và hơn 5.000 ca tử vong liên quan đến SXH đã được ghi nhận trên tất cả 6 khu vực của WHO.

Sự lây truyền SXH có tính chu kỳ và có thể xảy ra các đợt bùng phát lớn sau 3 - 4 năm. Trong đại dịch Covid-19, WHO ghi nhận mức độ lây truyền bệnh SXH ở mức độ vừa phải ở một số vùng và mức độ lây truyền thấp ở những vùng khác dẫn đến sự tích lũy của những người không có miễn dịch với một số loại huyết thanh vi rút SXH. Tuy nhiên, dữ liệu về các tuýp huyết thanh SXH lưu hành còn hạn chế.

Vào tháng 1-2024, hơn nửa triệu ca SXH và hơn 100 ca tử vong liên quan đến SXH đã được báo cáo trên toàn cầu. Hầu hết các trường hợp được báo cáo ở khu vực châu Mỹ của WHO, với con số tích lũy là 550.277 trường hợp nghi ngờ được báo cáo trong 4 tuần đầu năm 2024, cho thấy mức tăng 189% so với cùng kỳ năm 2023, theo bản tin dịch tễ học ngày 8-2. Sự gia tăng các ca bệnh đã được báo cáo ở Brazil, nơi có cả 4 loại huyết thanh SXH đang lưu hành.

Gia tăng các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có liên quan đến nguy cơ lây lan ngày càng tăng của dịch SXH bao gồm sự thay đổi phân bố của các véc-tơ, chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus, đặc biệt là ở các quốc gia chưa từng mắc bệnh SXH trước đây; hậu quả của hiện tượng El Nino năm 2023 và biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa, độ ẩm cao; hệ thống y tế mong manh giữa đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị và tài chính ở các quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo phức tạp và sự di chuyển dân số cao.

Những yếu tố này cũng thách thức khả năng ứng phó với dịch bệnh và nguy cơ lây lan thêm sang các quốc gia khác. Sự yếu kém trong hệ thống giám sát ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng có thể dẫn đến việc báo cáo và phản hồi chậm trễ cũng như bỏ sót việc xác định các triệu chứng, góp phần làm tăng hậu quả nghiêm trọng của bệnh SXH.

Khuyến cáo của WHO

WHO đã đánh giá rủi ro ở cấp độ toàn cầu là cao khi xem xét nguy cơ lây truyền ngày càng tăng, sự gia tăng các ca bệnh, tử vong và đã thống nhất về các biện pháp can thiệp ưu tiên cần thực hiện, bao gồm:

Phối hợp đa ngành, đa quốc gia

Phòng chống SXH và ứng phó với dịch bệnh ngoài sự tham gia của một số cơ quan trong ngành Y tế công cộng cần giải quyết những thách thức hiện nay. Việc này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp đa ngành, đặc biệt là ở cấp quốc gia để đạt được mục tiêu giảm tác động đến sức khỏe cộng đồng. Sự căng thẳng về năng lực ứng phó với dịch bệnh do các đợt bùng phát, đồng thời cùng với khủng hoảng chính trị làm nổi bật sự cần thiết của các cơ chế ứng phó khẩn cấp mạnh mẽ và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

Việc thiếu nguồn lực toàn cầu, bao gồm thiếu bộ dụng cụ chẩn đoán SXH chất lượng tốt để phát hiện sớm, thiếu nhân viên lâm sàng và kiểm soát véc-tơ được đào tạo, cũng như nhận thức của cộng đồng vẫn là trở ngại quan trọng đối với phản ứng hiệu quả. Trong khi các nỗ lực phối hợp với các tổ chức y tế toàn cầu như WHO và các đối tác khác cố gắng đặt ra các ưu tiên và phân tích chung thì nhu cầu hỗ trợ liên tục cho các quốc gia bị ảnh hưởng và tăng cường hợp tác là bắt buộc.

Các biện pháp kiểm soát véc-tơ hiệu quả

Kiểm soát véc-tơ hiệu quả là chìa khóa để phòng ngừa và kiểm soát Dengue. Các hoạt động kiểm soát véc-tơ nên nhắm vào tất cả các khu vực có nguy cơ tiếp xúc giữa người và véc-tơ như khu dân cư, nơi làm việc, trường học và bệnh viện. WHO thúc đẩy Quản lý véc tơ để kiểm soát các loài Aedes bao gồm việc loại bỏ các địa điểm có khả năng sinh sản, giảm quần thể véc-tơ và giảm thiểu phơi nhiễm cá thể. Điều này sẽ liên quan đến các chiến lược kiểm soát véc-tơ cho ấu trùng và trưởng thành như quản lý môi trường và giảm thiểu nguồn, đặc biệt là giám sát các biện pháp trữ nước, xả và làm sạch các thùng chứa nước trong gia đình hằng tuần, diệt ấu trùng trong nước không uống được bằng cách sử dụng thuốc diệt bọ gậy đã được WHO khuyến cáo với liều lượng chính xác. Phân phối màn tẩm hóa chất diệt côn trùng cho bệnh nhân sốt/SXH nội trú nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút từ các cơ sở y tế. Việc phun thuốc trong không gian trong nhà để diệt muỗi nhanh chóng nhiễm bệnh SXH có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện ở các khu vực đông dân cư.

Sáng kiến Arbovirus toàn cầu thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác giữa các đối tác đa ngành, cách tiếp cận quản lý véc-tơ tổng hợp và các biện pháp kiểm soát bền vững ở tất cả các cấp. Nguyên tắc hướng dẫn của nó là hài hòa việc phòng ngừa, giám sát côn trùng và dịch tễ học; quản lý ca bệnh với các hệ thống y tế hiện có, sao cho chúng bền vững, hiệu quả về mặt chi phí và thân thiện với môi trường.

Các biện pháp bảo vệ cá nhân

Các biện pháp bảo vệ cá nhân trong các hoạt động ngoài trời bao gồm bôi thuốc bôi lên vùng da hở hoặc xử lý quần áo và sử dụng áo sơ mi và quần dài tay. Ngoài ra, việc bảo vệ trong nhà có thể bao gồm việc sử dụng các sản phẩm xịt diệt côn trùng trong gia đình hoặc nhang muỗi vào ban ngày. Màn chắn cửa sổ và cửa ra vào có thể làm giảm khả năng muỗi xâm nhập vào nhà. Màn được xử lý bằng hóa chất mang lại sự bảo vệ tốt cho người dân khỏi bị muỗi đốt khi ngủ vào ban ngày. Các biện pháp bảo vệ cá nhân và kiểm soát muỗi cũng nên áp dụng ở nơi làm việc và trường học vì các vật trung gian truyền bệnh là muỗi đốt ban ngày.

Giám sát côn trùng

Cần tiến hành giám sát côn trùng để đánh giá khả năng sinh sản của muỗi Aedes trong các thùng chứa và theo dõi khả năng kháng thuốc diệt côn trùng để giúp lựa chọn các biện pháp can thiệp dựa trên thuốc diệt côn trùng hiệu quả nhất.

Quản lý ca bệnh và điều trị kịp thời

Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh SXH. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp để quản lý ca bệnh có thể làm giảm tỷ lệ tử vong, cũng như có thể phát hiện nhanh các trường hợp SXH nặng và chuyển tuyến kịp thời đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe chuyên khoa.

Tăng cường giám sát ca bệnh

Giám sát ca bệnh cần được tăng cường ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng và trên toàn cầu. Cần phân bổ nguồn lực để tăng cường giám sát nhằm xác định gánh nặng SXH tổng thể, bao gồm cả các trường hợp ngoại trú các trường hợp nặng và tử vong cũng như để xác nhận và phân týp vi rút Dengue.

Nghiên cứu hoạt động và học hỏi từ các giải pháp thành công

Các quốc gia phải học hỏi và áp dụng các giải pháp thành công về quản lý ca bệnh, phòng ngừa, gắn kết cộng đồng kiểm soát véc-tơ SXH và các loại arbovirus khác thông qua các dự án nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt dựa trên các khuyến nghị gần đây của WHO về thử nghiệm lâm sàng.

Bộ Y tế và chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể nên xem xét chặt chẽ các biện pháp can thiệp tại địa phương để người dân chấp nhận. Khuyến nghị áp dụng các chương trình y tế công cộng sớm thích ứng nhằm giảm tác động ngày càng tăng của bệnh SXH đối với sức khỏe người dân.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

(Cập nhật tài liệu của WHO)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202403/sot-xuat-huyet-tiep-tuc-gia-tang-tren-toan-cau-trong-nam-2024-1004733/