SpaceX có thể mang vũ khí lên vũ trụ

Công ty SpaceX của Mỹ không loại trừ việc đưa vũ khí Mỹ vào không gian.

Trang thông tin Defense One hôm 18/9 dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SpaceX - bà Gwynn Schottwell cho biết, công ty này không loại trừ trường hợp đưa vũ khí của Mỹ lên không gian.

Theo đó, khi nhận được câu hỏi: "SpaceX sẽ đưa vũ khí quân sự vào không gian chứ?", bà Schottwell đã nói rằng, đây là câu hỏi gây ngạc nhiên và thừa nhận là chưa bao giờ nhận được yêu cầu này.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SpaceX - bà Gwynn Schottwell

Song bà Schottwell vẫn trả lời: "Nếu cần bảo vệ đất nước, tôi nghĩ chúng tôi có thể [đưa vũ khí vào quỹ đạo]. SpaceX đã đầu tư nhiều thời gian để củng cố mối quan hệ với lực lượng không quân và bây giờ chúng tôi đang ở một vị trí tốt".

Căn phòng họp có nhiều thành viên thuộc lực lượng Không quân Mỹ và các nhà thầu quân sự khi đó đã vỗ tay nhiệt liệt.

Khi được hỏi liệu có quan ngại về các mối đe dọa an ninh quốc gia từ không gian liên quan đến Nga và Trung Quốc hay không, bà Schottwell đã nói rằng: "Là Chủ tịch của SpaceX, chúng tôi lo ngại về sự cạnh tranh của các nhà thầu Trung Quốc và Nga vì họ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Chính phủ. Là một công dân Mỹ, tôi lo lắng về Trung Quốc hơn Nga.

Năm nay Trung Quốc sẽ cố gắng để có được đến 40 vụ phóng và không có khách hàng thương mại. Vậy họ đang làm cái quái gì thế? Trong khi đó, SpaceX mới hoàn thành 16 và đặt mục tiêu hoàn thành 22-24 vụ phóng trong năm nay. Thực tế là con số 40 của Trung Quốc phải khiến chúng ta lo lắng. Việc chúng tôi không đánh bại họ là một sự xấu hổ!".

Trang Defense One cũng lưu ý rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang tìm kiếm các công nghệ mới có thể giúp phát triển tên lửa từ Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Với tuyên bố mới nhất, SpaceX chắc chắn sẽ tăng thêm sự tự tin và cống hiến với Chính phủ Mỹ trong các hợp đồng thầu quân sự trong tương lai.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã công bố dự định thành lập Bộ Không quân vào năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã đặt ra nhiệm vụ tách lực lượng không gian thành loại quân biệt lập và kêu gọi quân sự hóa khu vực này. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ hướng tới thống lĩnh trong không gian vũ trụ và không có ý định "lê bước" theo sau Nga và Trung Quốc.

Điều này ngụ ý về việc Mỹ sẽ triển khai các thiết bị phát hiện phóng tên lửa trong vũ trụ. Nếu được thành lập, Lực lượng Vũ trụ Mỹ sẽ chịu trách nhiệm về một loạt năng lực của quân đội Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, từ vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho tới các thiết bị cảm ứng theo dõi các vụ phóng tên lửa.

Trong khả năng SpaceX có hợp đồng vận chuyển quân sự, đây thực chất là việc hoán chuyển dân sự sang quân sự trên vũ trụ của Washington.

Giới quan sát cho rằng, Washington vẫn không từ bỏ âm mưu làm bá chủ thế giới của mình và lần này lại là trên vũ trụ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis còn nhấn mạnh rằng, Washington cần sử dụng vũ trụ như một “chiến trường mới”.

Mỹ trước đó đã nhắc đến Nga và Trung Quốc như hai đối thủ tiềm tàng thúc đẩy sự ganh đua trên vũ trụ, bày tỏ quan ngại về những vệ tinh bí mật của Nga trên quỹ đạo.

Vệ tinh trinh sát chiến thuật TacSat-3 hiện đại nhất của Mỹ

Nhưng trước đó hai năm, Nga cũng đã dọa sẽ tung hết các số liệu quỹ đạo của các vệ tinh quân sự vũ trụ Mỹ nhằm minh bạch việc sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình của mình.

Ông Viktor Shilin - thành viên phái đoàn Nga tại phiên họp 59 của Ủy ban Liên hợp quốc về sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình đã tuyên bố về việc Nga sẽ tung công khai các thông tin vệ tinh mà Bộ Chỉ huy Quốc phòng Mỹ (US SPACECOM) không công bố.

Tuyên bố gây chấn động của phái đoàn Nga tại LHQ nhằm thúc đẩy đề xuất thành lập một danh sách chung tất cả các thiết bị cận mặt đất của thế giới, mang mối nguy tiềm tàng đối với thiết bị trên vũ trụ cũng như trên mặt đất.

Sáng kiến của Nga được Trung Quốc ủng hộ song dễ hiểu khi Mỹ cực lực phản đối – NATO muốn giữ nguyên thế độc quyền của “nhà điều khiển các vận động” trong không gian gần Trái Đất.

Nhà quan sát quân sự thuộc tạp chí Komsomolskaya Pravda của Nga, chuyên gia Viktor Nikolaevich Baranets cho rằng, chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ không "ngồi nhìn" Mỹ "chi phối các hoạt động quân sự vào không gian". Nếu sự cạnh tranh ở mức cao hơn, điều này sẽ biến thành thảm họa.

"Nga và Trung Quốc là những nước cũng có khả năng quân sự hóa vũ trụ, nhưng họ kêu gọi các nước khác không triển khai vũ khí lên vũ trụ. Bởi đó sẽ là một thế giới khác, trong đó sẽ xảy ra các cuộc chiến tranh vũ trụ mà có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Kéo theo sau việc triển khai các hệ thống chiến đấu thông thường là việc triển khai các vũ khí hạt nhân trên vũ trụ. Điều đó cũng đặt thế giới tới ranh giới mong manh của các thảm họa vũ trụ - quân sự, còn việc tính toán những hậu quả của các hoạt động quân sự trên vũ trụ thực tế là hoàn toàn không thể" - chuyên gia Nga nhận định.

Nếu người Mỹ thực hiện những bước đi đầu tiên trong quân sự hóa vũ trụ thì sẽ kéo theo sau đó là hàng loạt các nước khác cũng nỗ lực để sở hữu các công nghệ này. Tất nhiên Nga, Trung Quốc sẽ là các quốc gia đi đầu trong số đó.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/spacex-co-the-mang-vu-khi-len-vu-tru-3365828/