Startup Apeel Sciences: Phá giải 'trò giải cứu' nông sản

Những quả bơ của startup Apeel Sciences không có đặc tính khác biệt so với những quả bơ khác trên thị trường: chúng có thời hạn sử dụng gấp đôi.

Là một ứng viên tiến sĩ về khoa học vật liệu tại UC Santa Barbara, James Rogers từng nghĩ nhiều về chất thải thực phẩm. Nhưng khi anh nói với mẹ mình về việc muốn ứng dụng những gì đã học vào ngành công nghiệp sản xuất, bà bác bỏ ý tưởng. “Mẹ tôi nói ‘Nghe thì hay, nhưng con không biết gì về trái cây và rau quả’,” Rogers kể lại. Tuy nhiên, anh không nghe lời cảnh báo.

Thay vào đó, Rogers thành lập Apeel Sciences với sự hỗ trợ của Andreessen Horowitz và Bill Gates, và nhiều người khác. Mục tiêu của công ty rất đơn giản: giảm chất thải thực phẩm bằng cách kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây và rau quả. Nhưng khoa học để làm điều đó thì rất phức tạp.

Apeel sử dụng nguyên liệu thực vật như vỏ trái cây và rau quả để tạo ra lớp phủ vô hình, tự nhiên. Lớp phủ mỏng, vô hình, không có hương vị và được FDA công nhận. Nó trông như một loại bột, được trộn với nước để nhúng rau củ trái cây. Kết quả, hình thành nên lớp màng làm chậm tốc độ mất nước và quá trình oxy hóa, kéo dài tuổi thọ của các loại trái cây và rau quả thêm nhiều tuần, và trong một số trường hợp, tăng gấp đôi thời hạn sử dụng, và gấp bốn lần trong phòng thí nghiệm. Điều đó giúp cho thực phẩm kéo dài thời gian bị “lão hóa”, tức thời hạn sử dụng lâu hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, môi trường và ngành công nghiệp thực phẩm.

Katlin Svik, Giám đốc các thị trường mới nổi của Apeel.

Ảnh: Apeel Sciences

Trái cây tươi và rau quả chiếm hơn 40% thực phẩm lãng phí ở Mỹ, khoảng 50% thực phẩm bị các siêu thị ở Na Uy vứt đi. Và tính trên toàn cầu, mỗi năm một phần ba thực phẩm sản xuất ra trở thành rác, tương đương khoảng 1,6 tỷ tấn, tương ứng giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD. Ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ còn khủng khiếp hơn: 2,6 nghìn tỷ thực phẩm bị thải loại trên toàn cầu. Điều đó đã thôi thúc các startup như Apeel nghiên cứu công nghệ có thể giúp cắt giảm những con số đó, cho phép phân phối đến những nơi xa với chi phí bảo quản thấp hơn, cải thiện chất lượng và giảm phát thải vào môi trường.

James Rogers, CEO của Apeel, cho biết: “Chúng tôi đã có thể mang bơ đến một số nơi từng khó tiếp cận với các sản phẩm chất lượng hàng đầu.”

Mất nước và oxy hóa là hai yếu tố hàng đầu gây ra sự hư hỏng từ lâu đã bị khống chế bằng nhiều cách, như lớp sáp, nhiệt độ đông lạnh, đóng hộp, song không phương pháp nào thực sự mang lại hiệu quả như ý mà không gây ra tác dụng phụ. Trong khi đó, công nghệ của Apeel thân thiện với môi trường, sức khỏe con người mà lại có kéo dài thời hạn sử dụng, giảm chi phí cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ và qua đó, người tiêu dùng không phải trả nhiều tiền cho sản phẩm.

Theo ReFED, mỗi năm Mỹ lãng phí khoảng 63 triệu tấn thực phẩm, 40% trong số đó ở các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng. ReFED ước tính rằng giảm lượng thải từ rau và trái cây sẽ là cơ hội đáng giá 18,2 tỷ USD cho các nhà bán lẻ. Và đó cũng là cơ hội cho những nước “chuyên giải cứu nông sản” như Việt Nam, thường xuyên phụ thuộc vào các nước lân cận do công nghệ bảo quản yếu kém, mà sử dụng hóa chất thì lại khó vượt qua hàng rào kiểm định khắt khe của các thị trường lớn.

Mở rộng thời hạn sử dụng cũng có thể giúp tránh lãng phí nước và phân bón vào thực phẩm mà người tiêu dùng không bao giờ đụng đến. Nó cũng có thể cải thiện việc lựa chọn các sản phẩm tươi sống hay giảm nhu cầu làm lạnh.

Apeel đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ Quỹ Bill và Melinda Gates để phát triển công nghệ tương tự với sắn, loại cây trồng chủ lực ở châu Phi, và cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Họ cũng đã thử nghiệm với xoài và chuối ở miền Đông Kenya. Những nơi như Kenya thiếu công nghệ đông lạnh đáng tin cậy, khiến họ mất đi một phần lớn thu hoạch. Apeel có thể "đóng góp rất lớn" để giảm những tổn thất này.

Ảnh: iStock

Apeel cũng hứa hẹn giúp nông dân vận chuyển các sản phẩm “yếu ớt” – chẳng hạn như chanh ngón tay (finger lime) - đến các thị trường xa và sinh lời hơn. Các chuyên gia cho rằng lời hứa của Apeel có tiềm năng, ngay cả khi còn quá sớm để đánh giá. Kathleen Merrigan, người đứng đầu Viện Thực phẩm tại Đại học George Washington, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, nói: Chúng ta còn phải chờ xem, nhưng ai cũng biết sự cần thiết phải tăng lượng trái cây và rau củ. Bất cứ điều gì giúp cho chuỗi cung ứng đó trở nên hiệu quả hơn và giảm chi phí đều đáng trân trọng.

James Rogers, CEO của startup Apeel Sciences

Hiện tại, Apeel đang tập trung vào bơ. Công ty cũng đã phát triển công nghệ với dâu tây, chuối, xoài, đào, lê, xuân đào, đậu xanh, trái cây họ cam quýt và măng tây. Công ty cũng đang thử nghiệm lên cà chua, một loại thực phẩm cần được lựa chọn cẩn thận và vận chuyển từ rất sớm trước khi chín để có thể tươi khi đến cửa hàng. Thời hạn sử dụng lâu hơn có nghĩa là chúng có thể chín cây, hấp thụ được nhiều hương vị và chất dinh dưỡng hơn nữa.

Nhà tư vấn công nghệ thực phẩm Carol Culhane nhìn nhận: Mở rộng thời hạn sử dụng thực phẩm đang trở thành phong trào. Hàng chục công ty khác cũng đang nỗ lực tìm ra “giải pháp mở rộng thời hạn sử dụng” - mặc dù không có một khoản tài trợ nào đáng kể như Apeel. Một sáng kiến đầy hứa hẹn gọi là FreshPaper đặt các tờ giấy đã xử lý vào trong thùng/túi rau củ để ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Một công ty Canada đã phát triển một loại thuốc xịt cho các nhà bán lẻ để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Về phần mình, Rogers khẳng định: “Chúng tôi không giải quyết vấn đề trong một khu vực nhỏ của thế giới. Chúng tôi suy nghĩ thực sự lớn.”

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/startup-apeel-sciences-pha-giai-tro-giai-cuu-nong-san-82306.html