'Startup' hết hấp dẫn

Giờ giải lao của các lớp MBA trước đây thường rất sôi động: bàn tán gì cũng quay về tìm ý tưởng để khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thường được nhắc tới dưới một tấm nhãn hấp dẫn 'startup'. Thế nhưng gần đây, khái niệm 'startup' không còn sức lôi cuốn như cũ; giới trẻ quay về tập trung vào công việc đang làm thuê vì nhiều lý do.

Theo một phân tích của tờ Wall Street Journal, sử dụng dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, tỷ lệ giới trẻ dưới 30 tuổi làm chủ doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong mấy chục năm qua. Một khảo sát 1.200 thanh niên do Economic Innovation Group thực hiện cho thấy đa phần tin rằng làm cho một công ty rồi tiến thân trên các bực thang doanh nghiệp có cơ may thành công hơn là đứng ra thành lập doanh nghiệp.

Theo tờ Atlantic, nói đến “startup” người ta thường liên tưởng đến hình ảnh rất kích thích của những đống tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng rót vào, giúp người khởi nghiệp có thể trở thành triệu phú sau một đêm. Thế nhưng trong thực tế, đa phần các startup phải xoay xở bằng vốn tự có hay vay của bạn bè, gia đình. Với tình hình kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định, giới trẻ hiện nay khó tìm ra nguồn vốn khởi nghiệp.

Ngay cả giới đầu tư mạo hiểm cũng không còn mặn mà lắm về cơ hội do các startup đem lại vì tỷ lệ thành công quá thấp. Trước đây, ngay sau khủng hoảng tài chính, chính quyền các nước bơm tiền để kích thích nền kinh tế nên dòng vốn giá rẻ tràn ngập. Nay dòng vốn này đã cạn dần. Giới đầu tư mạo hiểm cũng thường tập trung vào một số vùng như Silicon Valley nên cơ hội càng khép lại ở các nơi khác.

Riêng với giới startup ở Mỹ, họ còn phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt về ý tưởng, nguồn vốn, thị trường... từ giới startup Trung Quốc, có sự hậu thuẫn rất mạnh của chính quyền nước này. Theo Wall Street Journal, năm 2017 số vốn mà các nhà đầu tư châu Á bỏ vào các startup ở khu vực này bằng số vốn nhà đầu tư Mỹ rót cho giới khởi nghiệp ở Mỹ. Ba trong số năm thương vụ rót vốn nhiều nhất cho startup năm 2017 là các doanh nghiệp Trung Quốc: Didi (ứng dụng đi xe chung), Meituan-Dianping (thương mại điện tử) và Toutiao (ứng dụng đọc tin).

Trong khi đó, ý tưởng khởi nghiệp quanh đi quẩn lại cũng dựa vào nền tảng có sẵn như iOS của Apple hay Android của Google. Làm ứng dụng trên hai nền tảng này có thể thành công nhưng không thể tạo ra các đột phá mà giới đầu tư mạo hiểm mong đợi. Chính vì thế họ thường rót vốn cho các ý tưởng trong lĩnh vực y tế nơi vẫn còn cơ hội đột phá. Dự án Outcome Health, đề xuất lắp các màn hình video ở phòng khám bác sĩ để bán không gian quảng cáo cho các hãng dược phẩm muốn đưa sản phẩm đến ngay bệnh nhân đã thu hút được vốn đầu tư mạo hiểm. Vì thế cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ vừa tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào là ngày càng hiếm.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282822/startup-het-hap-dan.html