Stephen Hawking phát hiện ra Hố đen vũ trụ thế nào?

Trước khi hố đen vũ trụ được tìm thấy, nhà khoa học thiên tài Stephen Hawking đã có những nghiên cứu mang tính phát hiện và cách mạng về vấn đề này.

Nhà khoa học thiên tài Stephen Hawking.

Nhà khoa học thiên tài Stephen Hawking.

Sự kiện gây chấn động giới khoa học thế giới vừa diễn ra khi các nhà nghiên cứu đã thực sự chứng minh được hố đen trong vũ trụ tồn tại bằng việc chụp được hình ảnh thật, chân thực nhất về hố đen vũ trụ và công bố nó vào ngày 10/4.

Nhiều năm trước, nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking nhận ra rằng vũ trụ chẳng qua là một vũ trụ hố đen, thay bằng việc vật chất bị nén vào một điểm vô định, vũ trụ hình thành khi một điểm nào đó được mở rộng ra để tạo nên vạn vật mà chúng ta nhìn thấy ngày nay - từ những vì sao đến những hành tinh và con người.

Hố đen vũ trụ vừa được tìm thấy

Hawking nhận thấy để có thể hiểu được vũ trụ một cách thấu đáo, ông và các cộng sự là các nhà vật lý hàng đầu lúc đương thời, đã tham gia vào một cuộc thám hiểm tri thức kỳ bí nhằm làm sáng tỏ những bí mật của hố đen.

Thời kỳ từ đầu những năm 70 đến đầu những năm 80 được biết đến là "thời hoàng kim" của những nghiên cứu về hố đen. Dần dần, các nhà vật lý đi đến hiểu rõ hơn về tự nhiên.

Nhưng Hawking cho rằng vẫn còn thiếu một cái gì đó cho bức tranh toàn cảnh. Tất cả những nghiên cứu về hố đen đến khi này đã sử dụng lý thuyết vật lý về vũ trụ. Sau nhiều tháng nghiên cứu, Hawking đã có một phát hiện tuyệt vời. Những đẳng thức toán học cho ông thấy có một cái gì đó đã nảy ra từ hố đen.

Điều này tưởng chừng không thể xảy ra - bởi tất cả mọi người đều cho rằng đối với các hố đen, chỉ có vật rơi vào đó, chứ không thể có gì lại từ đó đi ra, kể cả ánh sáng.

Càng kiểm tra, Hawking càng tin rằng ông đã đúng. Ông có thể thấy có bức xạ tỏa ra từ hố đen. Bức xạ này về sau được gọi là bức xạ Hawking. Điều này đưa ông đến kết luận rằng những bức xạ này sẽ làm hố đen bay hơi và cuối cùng sẽ biến mất.

Mặc dù lý thuyết của Hawking về hố đen mang tính cách mạng, nhưng chúng cũng nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi.

Sau này, các chuyên gia trong dự án Event Horizon Telescope (EHT - Kính thiên văn chân trời sự kiện) đã quan sát khu vực "chân trời sự kiện" - event horizon - ranh giới trước khi một vật chất bị hố đen hút gọn và không thể quay trở lại được nữa.

Để lấy được hình ảnh của 2 hố đen này cũng khó ngang ngửa việc bạn từ mặt đất mà muốn chụp ảnh quả bóng tennis nằm trên cung trăng. Quả bóng ấy còn bị vùi dưới một lớp bụi dày.

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, các hố đen không thể nhìn thấy được vì không ánh sáng nào có thể thoát được lực hút của nó. Không chỉ ánh sáng mà mọi dạng vật chất khác đều không thể thoát được lực hút của hố đen, kể cả sóng điện từ. Do đó không thể nhìn thấy được hố đen bằng các loại kính thiên văn.

Dù không nhìn thấy được hố đen nhưng có thể nhìn thấy bóng của nó, thông qua quan sát “chân trời sự kiện”. Cụm từ này chỉ ranh giới trước khi các dạng vật chất bị hút vào. Và các hình ảnh ghi lại thời khắc này được gọi là cái bóng của hố đen.

Thành quả ngày hôm nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ năng khoa học và còn phải kể đến sự may mắn của thời tiết cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 8 nhóm đài thiên văn ở các địa điểm cách xa nhau.

Stephen William Hawking (sinh ngày 8/1/1942 , mất ngày 14/3/2018) là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh, nguyên Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge.

Trong số những công trình khoa học quan trọng của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking).

Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/stephen-hawking-tung-phat-hien-ra-ho-den-vu-tru-the-nao-75140.html