Steven Dũng - ông chủ 30 tuổi của Luxstay : 'Tôi không giỏi nên luôn tìm cách thu hút người giỏi ở bên mình'

Tự nhận mình là 'phiên bản lỗi của gia đình', Steven Dũng - Nguyễn Văn Dũng đã gây bất ngờ ngay tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3 với màn gọi vốn 'khủng' nhất lịch sử. Tuy vậy, nhiều người cho rằng anh may mắn, đặc biệt may mắn vì được đích thân 'cá mập' cùng tên đứng ra gọi vốn hộ.

Shark Tank Vietnam - Thương vụ bạc tỷ mùa 3 đã có màn quay trở lại cực hoành tráng với màn gọi vốn "khủng" chưa từng thấy của startup mang tên Luxstay của Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyen).

Đến với chương trình, Steven Dũng tự nhận mình là "phiên bản lỗi của gia đình" khi bỏ thi đại học, khởi nghiệp từ năm 15 tuổi, 18 tuổi mở công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của chính mình.

Chính "phiên bản lỗi" đó đã khuấy động trường quay khi kêu gọi 600.000 USD cho 1% cổ phần (tỷ lệ phát hành tối đa 20%, tương đương 12 triệu USD ~ khoảng 279 tỷ đồng).

Thương vụ này được Shark Phạm Thanh Hưng gọi là deal (thỏa thuận) lớn nhất của Shark Tank Vietnam ít nhất cho đến thời điểm này, thời gian deal rất dài, quá nhiều đề nghị và quá phức tạp.

Tuy nhiên, kết thúc thương vụ thỏa thuận này, cả 3 Shark Hưng, Shark Việt và Shark Thủy cùng rót vốn mỗi Shark 2 triệu USD với nhiều điều khoản khác nhau.

Nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Dũng, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam không lấy làm lạ. Ngay từ năm 18 tuổi, ở cái tuổi nhiều thanh niên còn ăn chưa no, lo chưa tới thì Nguyễn Văn Dũng đã nắm trong tay Netlink, một trong những đối tác lớn nhất của Google tại Việt Nam.

Anh cũng là Chủ tịch Metub Network – mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) lớn nhất Việt Nam hiện nay, là Founder kiêm CEO của Luxstay.

Về Luxstay, Steven còn gây ấn tượng với 2 vòng gọi vốn trước khi đến với Shark Tank, kêu gọi thành công 168 tỷ cho mô hình du lịch kết hợp bất động sản & công nghệ khá mới mẻ ở Việt Nam.

Hậu Shark Tank, Nguyễn Văn Dũng bỗng nổi như cồn - không chỉ trong cộng đồng khởi nghiệp mà còn đối với hàng triệu người dân Việt Nam. Thành người nổi tiếng sau một đêm, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi ngắn với ông chủ 30 tuổi của Luxstay để tìm hiểu thêm câu chuyện về "phiên bản lỗi" hoàn hảo đằng sau màn gọi vốn trên truyền hình.

Anh chia sẻ rằng bắt đầu hứng thú với lập trình ngay từ hồi cấp 2. Thời điểm đó cụm từ “lập trình” cực kỳ mới mẻ nếu không muốn nói là lạ lẫm với lứa tuổi học sinh. Vậy vì sao anh lại đam mê lĩnh vực này đến vậy?

Thời điểm đó ngành lập trình chưa thịnh hành như bây giờ. Tuy nhiên, như một cơ duyên, từ cuốn sách chị gái tặng, tôi bỗng thấy vô cùng hứng thú với ngôn ngữ lập trình. Ở đó, mình có thể tự tay tạo ra các ứng dụng, phần mềm máy tính. Điều đó quả thực rất kỳ diệu! Chính từ những thứ tưởng chừng đơn giản ấy mà tôi ngày càng đam mê nghiên cứu, mày mò.

Trong Shark Tank, anh chia sẻ bị mọi người coi là “phiên bản lỗi của gia đình”. Vậy nhờ đâu mà “phiên bản lỗi” ấy có thành công như ngày hôm nay?

Chính vì mình cảm nhận bản thân như vậy nên càng có quyết tâm hơn. Tôi tự nhủ bản thân phải hành động và làm điều gì đó tốt nhất.

Tự tìm tòi về lập trình từ năm cấp 2 và thành lập công ty đầu tiên của mình từ năm 18 tuổi, có ai hỗ trợ và đồng hành cùng anh trên con đường đó không ?

Thú thực là khi thành lập công ty riêng năm 18 tuổi, tôi triển khai một mình. Sau này, tôi may mắn tìm được những người cộng sự và xây dựng đội nhóm đồng hành cùng với mình trên con đường khởi nghiệp.

Ghi điểm ấn tượng trong vòng gọi vốn tại Shark Tank nhưng thời gian gọi vốn quá dài, chiếm trọn 1 tập của phát sóng - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chương trình 3 năm qua. Anh có nghĩ rằng mình được ưu ái hay không?

Theo tôi, mỗi startup đến sân chơi này đều được đối xử công bằng. Không rõ là có sự ưu ái hay không nhưng tôi nghĩ đây là tính toán và biên tập của nhà sản xuất chương trình.

Có nhiều ý kiến cho rằng màn gọi vốn của anh thành công phần lớn nhờ "cá mập" Dzung, thực sự dấu ấn của anh chỉ tập trung ở khoảng nửa đầu cuộc thương lượng. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Có sao đâu, tôi cũng nghĩ như vậy mà. Shark Dzung là nhà đầu tư, người đồng hành, người truyền cảm hứng cho chúng tôi. Quan trọng hơn là kết quả. Anh Dzung có thể "đẹp trai" hơn khi đứng cạnh tôi, còn tôi gọi được vốn cho công ty (Cười).

Tôi không nghĩ mình giỏi nên luôn tìm cách thu hút người giỏi hơn mình ở bên cạnh.

Theo anh, điều gì ở Luxstay khiến các nhà đầu tư hứng thú? Sau thành công tại Shark Tank, Luxstay sẽ sử dụng số vốn gọi được ra sao?

Theo anh, điều gì ở Luxstay khiến các nhà đầu tư hứng thú? Sau thành công tại Shark Tank, Luxstay sẽ sử dụng số vốn gọi được ra sao?

Mỗi nhà đầu tư sẽ có nhận định riêng, nhưng tôi nghĩ họ cảm nhận được tiềm năng về mặt đầu tư và quyết tâm chinh phục thị trường của chúng tôi.

Số tiền kêu gọi tại Shark Tank mới chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch xây dựng nguồn vốn cho Luxstay. Về kế hoạch trong tương lai, chúng tôi định hướng sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ và tạo ra các giải pháp tốt hơn cho các khách hàng và những người kinh doanh.

Các mùa Shark Tank trước, các startup thường chỉ tập trung vào profile của mình và đi thẳng vào vấn đề. Trong khi đó ngay từ đầu anh đã khiến các “cá mập” và khán giả vô cùng tò mò và rồi bị cuốn hút vào câu chuyện khởi nghiệp của mình. Hẳn anh đã nghiên cứu và dành rất nhiều tâm huyết vào thương vụ gọi vốn này?

Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ là một show truyền hình có quá nhiều khác biệt, khác từ không gian cho tới thời gian. Thậm chí nhà sản xuất không cho tôi sử dụng slide thuyết trình, tất cả phải trình bày miệng và thuyết phục nhà đầu tư ngay tại trường quay. Từ những đặc thù đó, tôi đương nhiên phải lựa chọn cách riêng và tập trung vào những thông điệp cần thiết nhất.

Chỉ mất 30 phút để gọi vốn từ Genesia Ventures (Nhật Bản), lần này là chưa đến 40 phút để kêu gọi đầu tư 6 triệu USD. Kinh nghiệm của anh khi kêu gọi đầu tư vốn là gì?

Kinh nghiệm thì không có gì đặc biệt, tôi chỉ chia sẻ đúng những gì mình làm và kế hoạch thực hiện thôi. Nhà đầu tư có kinh nghiệm nên mới quyết định nhanh đấy chứ.

Tham vọng của Luxstay không chỉ dừng ở phạm vi trong nước mà còn muốn vươn ra toàn cầu. Nhưng so với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ thành công của các startup Việt rất thấp, dù khát vọng đều rất lớn. Có khi nào anh thấy mình lạc lõng trong giới startup Việt?

Đương nhiên là sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tôi tự nhắc bản thân càng thế lại càng quyết tâm phải làm. Trong kinh doanh nói chung, nếu mình nghĩ quá nhiều tới khó khăn thì sẽ không thể bắt đầu.

Từng chia sẻ muốn trở thành một unicorn (kỳ lân) ở Việt Nam và quả thực sau 3 năm Luxstay đã gặt hái được rất nhiều thành công. Tuy nhiên trong mảng du lịch trực tuyến, đặc biệt là home-sharing, cái tên Airbnb lại chiếm ưu thế hơn ở số phòng, cụ thể là gấp hơn 4 lần của Luxstay. Vậy, anh đã có định hướng gì để hiện thực hóa mục tiêu đó?

Số lượng chỗ ở cũng quan trọng nhưng không phải tất cả. Có một thuận lợi lớn là thị trường home-sharing tại Việt Nam mới đang hình thành và phát triển, có thể nói là còn sơ khai.

Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào từng địa phương để có giải pháp tối ưu nhất. Một mặt giúp những người tham gia kinh doanh đạt được hiệu quả, khách hàng thì được sử dụng chất lượng dịch vụ tốt hơn, nâng cao sự an toàn.

Để xây dựng bất kể thị trường, một ngành công nghiệp mới nào đều cần phải giải quyết rất nhiều bài toán. Thay vì lo sợ, chúng tôi tập trung vào giải quyết những bài toán đó.

Cảm ơn anh về buổi chia sẻ!

Thực hiện: Sơn Ca

Đồ họa: Hoàng Yến

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/steven-dung-ong-chu-30-tuoi-cua-luxstay-toi-khong-gioi-nen-luon-tim-cach-thu-hut-nguoi-gioi-o-ben-minh-a444204.html