Stress - kẻ 'giết người thầm lặng'

Không chỉ gây rối loạn tâm thần, stress còn được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng' bởi có thể gây kích thích hay ức chế thần kinh, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục và nhiều bệnh lý khác.

Không chỉ gây nên rối loạn tâm thần, stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi có thể gây ra nhiều bệnh lý khác (Ảnh minh họa)

10-15% phụ nữ sau sinh mắc trầm cảm vì stress

Câu chuyện về người mẹ trẻ ở Thạch Thất đang tâm dìm chết con trai mới 33 ngày tuổi trong chậu nước tắm vào nửa đêm, rồi lại thản nhiên lên giường nằm ngủ đã từng khiến dư luận xã hội kinh hãi. Tuy nhiên, nguồn cơn của hành động này lại bắt nguồn từ chính căn bệnh trầm cảm sau sinh mà người mẹ mắc phải. Trên thực tế, không ít bà mẹ ra tay tàn độc nhẫn tâm sát hại con ruột hay thậm chí bỏ đói chính mình chỉ vì mắc căn bệnh này.

Khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu như: Buồn, phiền muộn, lo lắng kéo dài, liên tục… người bệnh nên đi đến thăm khám tại chuyên khoa Thần kinh tại các bệnh viện đa khoa hoặc các bệnh viện chuyên khoa về Tâm thần như Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, BV Tâm thần T.Ư nhằm tránh diễn tiến bệnh phức tạp hơn.

Lý giải cho hiện tượng này, GS. TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, hầu hết phụ nữ sau sinh, nhất là những tuần đầu thường buồn mà người ta thường gọi là trầm buồn sau sinh (baby blues). Nguyên nhân do thay đổi nội tiết, mệt mỏi cơ thể, do suy nghĩ phải chăm sóc con và đủ sữa cho con… Nặng hơn là các đối tượng sau sinh bị trầm cảm có tỷ lệ 10-15%. “Chúng tôi đã gặp nhiều bà mẹ trầm cảm sau sinh, hoang tưởng, ảo giác và tự sát. Thậm chí là tự sát mở rộng với chính đứa con của họ. Theo thống kê, nữ dễ bị stress nhiều hơn nam, có thể do đặc điểm sinh lý, công việc, phụ nữ yếu ớt, dễ xúc động hơn nam giới”, ông Đức cho hay..

Còn theo BS. Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa khám Tự nguyện II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khái niệm trầm cảm sau sinh mới có gần đây, trước kia gọi là hậu sản. Trầm cảm sau sinh có nhiều cấp độ, ví như nhẹ thì buồn phiền, lo lắng, trầm tính... thường thoáng qua và ít được để ý. Nếu không lưu ý chăm sóc sẽ chuyển dần sang trầm cảm, suy nhược cơ thể, ăn ít, không muốn bế con, lo lắng, ám ảnh về cân nặng, mùi, bệnh tật... Thậm chí, nhiều chị em trở nên lãnh cảm tình dục sau sinh khiến cuộc sống vợ chồng rạn nứt mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ trầm cảm sau sinh không được can thiệp kịp thời. Theo thống kê mới nhất của Bệnh viện Từ Dũ, có 14,7% trường hợp phụ nữ sau sinh bị trầm cảm.

“Vì tự bệnh nhân sau sinh không giải quyết được nên đặc biệt người chồng, gia đình phải chăm sóc tốt, tạo khoảng nghỉ cho bà mẹ sau sinh. Còn các sản phụ nên học lớp trước sinh (tiền sản) để chuẩn bị tâm lý tốt, cách chăm sóc bé, chăm sóc mẹ, cách tập luyện... chủ động ứng phó với những thay đổi bất thường về tâm lý sau sinh”, BS. Thủy lưu ý.

Stress - nguồn cơn của nhiều bệnh lý

Theo BS. Cao Tiến Đức, căng thẳng thần kinh hay vẫn gọi là stress đang ngày trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại. Riêng Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

“Thông báo tại Viện Sức khỏe tâm thần có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo tôi, đây là con số chưa thực sự đầy đủ vì mới chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Nguyên nhân nhiều người cho rằng mình không mắc bệnh, hoặc do bệnh không quá quan trọng, không quan tâm. Nhiều người thì cho rằng nói ra sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ và người ta giấu bệnh… nên tỷ lệ đi khám thấp”, ông Đức chia sẻ.

Theo ông Đức, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, mỗi cá thể trong xã hội phải chịu nhiều tác động của nhiều loại stress. Ví như, điều kiện vật chất khó khăn; làm việc quá tải và căng thẳng; thất vọng trong sự nghiệp; mâu thuẫn vợ chồng, con cái, đồng nghiệp; người thân yêu qua đời; thất vọng chuyện tình cảm; mắc bệnh nan y…

Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi có thể gây kích thích hay ức chế thần kinh, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục, gây trầm cảm; đặc biệt, nó có thể gây ra một số bệnh: tâm thần, rối loạn giấc ngủ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, basedow, tiểu đường, viêm loét dạ dày, hội chứng đau nửa đầu, tai biến. Chính hậu quả của những căn bệnh trên tác động ngược lại làm stress trầm trọng hơn.

“Điều đáng lưu tâm là số ít các trường hợp mắc bệnh thay vì đi khám đúng chuyên khoa tâm thần, tâm lý nhiều người lại đi khám các chuyên khoa khác do biểu hiện bệnh khá phức tạp. Và như vậy số bệnh nhân được khám đúng chuyên khoa tâm thần tâm lý rất ít, khiến hiệu quả điều trị còn hạn chế”, ông Đức nhận định.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/stress--ke-giet-nguoi-tham-lang-d271775.html