Stress, khổ sở vì rụng tóc

Rụng tóc là nỗi ám ảnh không riêng ở đàn ông mà cả phụ nữ. Bác sĩ cho rằng có nhiều nguyên nhân rụng tóc nhưng rụng tóc do hoóc-môn là nguyên nhân khó chữa nhất.

Mặc cảm vì tóc rụng

Chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1990, Hà Nội) lúc nào cũng được bạn bè khen xinh đẹp, trẻ trung. Tuy nhiên, nhìn lên tóc của chị Hà thì ai cũng phải thốt lên “sao mỏng thế”.

Ở trên đỉnh đầu hầu như không có tóc, chị dùng mọi biện pháp chăm sóc nhưng tóc cứ rụng dần. Ban đầu, chị Hà cho rằng mình giống mẹ nên cũng kệ nhưng khi đi làm thấy đầu lúc nào cũng trong tình trạng “tóc gió thôi bay” nên tìm mọi biện pháp điều trị.

Stress, khổ sở vì càng chăm tóc càng rụng (Ảnh minh họa)

Stress, khổ sở vì càng chăm tóc càng rụng (Ảnh minh họa)

Chị tìm đến bác sĩ chẩn đoán rụng tóc hói đầu nữ và sử dụng thuốc nhưng không cải thiện. Hà tìm đủ các loại thực phẩm chức năng bổ sung kích thích tóc mọc nhưng lượng tóc mọc cũng không bù lại số tóc rụng mỗi ngày.

Hay như trường hợp của chị Vũ Thúy Nhàn (42 tuổi, Thái Bình). Hai năm nay, chị Nhàn rụng tóc nhiều quá và lúc nào cũng ám ảnh mình bị ung thư nên tóc rụng. Sợ tóc rụng, sợ ung thư, chị Nhàn như người rơi vào trạng thái trầm cảm.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD tại Hoa Kỳ cho biết rụng tóc nhiều lo bị ung thư hoàn toàn không đúng. Ung thư có thể gây rụng tóc nhưng rụng tóc không phải là ung thư. Khi bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn hoặc hóa trị làm cho nang tóc yếu đi. Nang tóc là nơi nhạy cảm nhất với hóa chất nên tóc rụng đi và điều này cần tìm hiểu kỹ, không phải rụng tóc là ung thư.

Khi nào được xem là rụng tóc

Bác sĩ Wynn cho biết mỗi ngày phụ nữ rụng khoảng 50 -100 sợi tóc. Tuy nhiên mỗi ngày cũng có số lượng này tóc mọc lại. Vì vậy, nếu rụng vượt quá 100 sợi 1 ngày được coi là rụng tóc.

Theo bác sĩ Wynn tóc mọc theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn tăng trưởng - giai đoạn nang tóc phát triển, giai đoạn này kéo dài tới khi nào tóc dài tới tối đa thì dừng lại. Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 6 năm ở phụ nữ, còn ở nam giới 2 đến 4 năm. Giai đoạn này chiếm 90 % tóc trên đầu. Lúc này mạch máu gắn vào nang tóc để nuôi tóc.

Giai đoạn 2 là giai đoạn ngưng và thoái hóa có thể chiếm 1- 2% tổng số tóc.

Giai đoạn 3 là thoái trào là thời điểm nang tóc 'nghỉ ngơi'. Giai đoạn này mạch máu không gắn vào nang tóc nên tóc rụng đi.

Ở phụ nữ nguyên nhân rụng tóc đó là tác dụng của thuốc do các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, thận, bệnh do hệ miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm nấm, dinh dưỡng, bệnh tâm thần.

Đặc biệt, rụng tóc do hooc-môn, đây là nguyên nhân gây rụng tóc cả nam nữ đều bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở phụ nữ càng lớn tuổi càng bị rụng tóc. Ở phụ nữ sau thời gian mãn kinh thì càng rụng tóc nhanh hơn. Ở thời điểm này hooc môn mất đi cân đối, nên ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngoài ra, ở phụ nữ thời mãn kinh cũng rụng tóc nhiều hơn do nóng lạnh, da khô, thay đổi tâm lý. Bác sĩ Wynn cho biết rụng tóc loại này cũng là một trong những loại rụng tóc khó chữa nhất.

Thời kỳ này, nang tóc cũng nhỏ lại, hooc môn này cũng làm cho giai đoạn tăng trưởng chậm lại, không sản sinh thêm tóc. Tóc thì rụng dần còn tăng trưởng không có gây nên hiện tượng hói đầu.

Khi bị rụng tóc, chị em phụ nữ cũng nên chú ý. Nếu tóc rụng toàn đầu là do hooc môn thay đổi. Nếu chỉ rụng tóc một mảng trên đầu trong thời điểm đó thì có thể do viêm nhiễm do nấm, mụn, stress… đây là những lý do nhìn vào cách rụng tóc để điều trị.

Cách trị rụng tóc, theo bác sĩ Wynn để điều trị rụng tóc cần kiên nhẫn và cần một thời gian dài. Không thể có chuyện chữa trị vài tuần là tóc mọc lại. Thời gian trung bình trị rụng tóc có thể từ 6 tháng đến 1 năm.

Trị liệu rụng tóc cần kết hợp với các cách trị liệu khác. Nếu stress, đái tháo đường… cần chữa đồng thời thì mới có hiệu quả. Nếu bác sĩ chữa rụng tóc nhưng bản thân người bệnh vẫn stress thì tóc vẫn rụng.

Cách tốt nhất khi rụng tóc cần tìm hiểu nguyên nhân và cần kiên nhẫn điều trị sẽ có kết quả khả quan hơn – BS Wynn nhấn mạnh.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/stress-kho-so-vi-cang-cham-toc-cang-rung-269125.html