Stridsvagn 2000 - Xe tăng có hỏa lực đáng sợ nhất thế giới của Thụy Điển

Xe tăng Stridsvagn 2000 của Thụy Điển được thiết kế để mang pháo chính 140 mm kèm theo một khẩu 40 mm khác, khiến nó trở thành phương tiện chiến đấu mặt đất có hỏa lực vượt trội.

Dự án nghiên cứu chế tạo xe tăng Stridsvagn 2000 được Quân đội Thụy Điển đặt ra vào năm 1994, mục đích nhằm thay thế những chiếc Leopard 2 đang dần trở nên cũ kỹ.

Dự án nghiên cứu chế tạo xe tăng Stridsvagn 2000 được Quân đội Thụy Điển đặt ra vào năm 1994, mục đích nhằm thay thế những chiếc Leopard 2 đang dần trở nên cũ kỹ.

Những kinh nghiệm và công nghệ thu được từ dự án phát triển xe tăng hạng nhẹ UDES hồi thập niên 1970 đã được tận dụng để phát triển mẫu MBT mới, nó nhận yêu cầu phải có sức cơ động tốt và đặc biệt là hỏa lực vượt trội.

Ban đầu, các kỹ sư dự tính sử dụng pháo 120 mm chuẩn NATO để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển. Nhưng để có hỏa lực mạnh mẽ, đủ khả năng hạ gục bất cứ đối thủ tiềm tàng nào, pháo 140 mm được cho là sự lựa chọn tốt hơn.

Trong các lần thử nghiệm, khẩu pháo 140 mm này cho thấy tiềm năng rất lớn khi sức xuyên phá của nó mạnh hơn pháo 120 mm thế hệ cũ từ 25 - 50% tùy thuộc vào khoảng cách bắn.

Tuy nhiên việc trang bị pháo cỡ nòng lớn lại làm phát sinh một số vấn đề, do đạn pháo 140 mm lớn và nặng hơn khá nhiều so với đạn 120 mm, dẫn tới việc cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu sẽ giảm đi.

Hệ thống nạp đạn tự động là yêu cầu cấp thiết nếu muốn duy trì hiệu suất chiến đấu tốt. Để giải quyết vấn đề về cơ số đạn, các kỹ sư đã lắp cho Strv 2000 vũ khí phụ gồm pháo tự động Bofors cỡ 40 mm.

Pháo Bofors 40 mm sử dụng cho nhiệm vụ phòng không cũng như tiêu diệt các mục tiêu bọc giáp nhẹ nhằm tiết kiệm đạn pháo 140 mm. Hai súng máy Ksp cỡ 7,62 mm cũng được trang bị cho xe (1 đồng trục với pháo 40 mm và 1 trên tháp chỉ huy).

Thiết kế của Strv 2000 cho khả năng bảo vệ tốt, bộc lộ hồng ngoại thấp. Xe tăng còn được lắp thêm các tấm giáp phụ tăng cường bên ngoài giáp chính, chúng có thể dễ dàng thay thế khi hư hỏng. Phương án trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) cũng đã được đưa vào kế hoạch.

Động cơ của Strv 2000 bố trí phía trước nhằm tạo thêm lớp giáp tự nhiên. Khoang chứa đạn được thiết kế riêng biệt, trong trường hợp bị nổ sẽ tự tách ra để đảm bảo an toàn cho xe và kíp lái.

Sau thời gian chế thử, phiên bản xe tăng Strv 2000 hoàn thiện nhất, chiếc T140/40 đã sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt với pháo chính 140 mm, pháo tự động Bofors 40 mm, cùng 2 súng máy Ksp 7,62 mm.

Pháo 140 mm và 40 mm đều có hệ thống nạp đạn tự động với cơ số đạn lần lượt là 29 và 148 viên. Xe mang 2 ống phóng pháo sáng Lyran 71 mm trên tháp pháo phục vụ hỗ trợ tác chiến ban đêm.

Khi lắp thêm giáp phản ứng nổ, giáp trước của T140/40 có độ dày tương đương 1.200 mm thép đồng nhất (RHA) khi chống đạn xuyên lõm, và 800 mm đối với đạn xuyên động năng.

Trái tim của con "quái vật thép" này là động cơ diesel MTU 883 V12 công suất 1.500 mã lực, tỷ suất lực đẩy/trọng lượng đạt 28,84 mã lực/tấn. Tốc độ tối đa 70 km/h, phạm vi chiến đấu 500 km.

Đáng tiếc là sau khi so sánh tính năng, Strv 2000 bị cho là quá đắt đỏ, việc mua một mẫu xe tăng thiết kế bởi nước ngoài với giấy phép sản xuất trong nước được cho là phương án rẻ và tối ưu, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu đặt ra của mẫu MBT mới.

Năm 1991, Stockholm quyết định mua xe tăng Leopard 2 nâng cấp cùng giấy phép để sản xuất trong nước dưới cái tên Strv 121. Giấc mơ về một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hoàn toàn của người Thụy Điển với dàn hỏa lực đồ sộ trở thành dang dở.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/stridsvagn-2000-xe-tang-co-hoa-luc-dang-so-nhat-the-gioi-cua-thuy-dien-post529691.antd