Su-22M4 Việt Nam trở lại bầu trời

Theo báo PK-KQ, sáng 17/8, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 đã tổ chức ban bay cán bộ với chiến đấu cơ Su-22M4.

Theo dõi, chỉ đạo ban bay có Đại tá Phạm Trường Sơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370; thủ trưởng một số phòng, ban chức năng của các cơ quan Quân chủng và đại diện các cơ quan của Sư đoàn 370.

Đúng 6h10, chuyến bay trinh sát khí tượng do Thượng tá Lý Hải Lâm - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và Trung tá Lê Hồng Long - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn hạ cánh an toàn xuống sân bay, mở đầu cho ban bay cán bộ của Trung đoàn.

Su-22 chuẩn bị cất cánh.

Su-22 chuẩn bị cất cánh.

Tiếp đó, từ 6h50 đến 9h10, các chuyến bay liên tiếp cất cánh thực hiện nội dung bài bay theo kế hoạch. Do làm tốt công tác chuẩn bị, ban bay đã hoàn thành thắng lợi với 15 lần chuyến, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thành công của ban bay cán bộ góp phần củng cố niềm tin, xây dựng tinh thần quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 937 tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu năm 2018.

Đây là ban bay đầu tiên của Su-22M4 sau khi 1 chiếc Su-22 rơi tại Nghệ An vào trưa ngày 26/7 và quyết định dừng bay được đưa ra. Hiện nay, ngoài Trung đoàn Không quân 937 thì Trung đoàn Không quân 921 cũng sử dụng Su-22M4 làm nhiệm vụ thay thế cho tiêm kích MiG-21 đã cũ.

Điều đặc biệt trong thiết kế đưa Su-22M4 trở thành máy bay chiến đấu độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á đó chính là kiểu thiết kế cánh cụp cánh xòe. Với thiết kế này, cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Hiện không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sở hữu loại máy bay tương tự Su-22M4.

Su-22 hạ cánh an toàn sau chuyến bay.

Việc thiết kế cánh này giúp cho máy bay bay tầm thấp với tốc độ cao hoặc đạt tốc độ cao vượt âm thanh ở trần bay lớn.

Khi cánh xòe hết cỡ thì lực nâng của cánh tăng lên cho phép máy bay có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn.

Su-22M4 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.

Biến thể Su-22M4 của Không quân Việt nam là biến thể sản xuất cuối cùng với nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử gồm: hệ thống dẫn đường RSDN, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống đo khoảng cách bằng laser, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. Trên máy bay thiết kế thêm khe nạp không khí bổ sung để có thêm luồng không khí làm mát động cơ.

Những chiếc Su-22M4 của Việt Nam cũng được trang bị hệ thống phóng mồi bẫy nhiệt đánh lừa tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại. Su-22M4 thiết kế với với 2 pháo 30mm (tốc độ 80 phát/phút) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay).

Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22M4 của Việt Nam có thể mang vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-28, Kh-29 và bom có điều khiển bằng laser, quang học.

Su-22M4 còn có thể mang các loại bom nổ phá thường, bom chùm không điều khiển. Ngoài ra, Su-22M4 cũng có thể lắp các cụm ống phóng rocket từ cỡ nhỏ tới cỡ lớn.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/su-22m4-viet-nam-tro-lai-bau-troi-3363974/