Su-30MKI Ấn Độ gặp nguy khi JF-17 Pakistan đã có tên lửa tầm siêu xa PL-15

Khi Không quân Pakistan chính thức sở hữu tên lửa không đối không tầm siêu xa PL-15 do Trung Quốc sản xuất thì ưu thế của tiêm kích hạng nặng Su-30MKI Ấn Độ đã gần như bị triệt tiêu.

Trong trận không chiến diễn ra hôm 27/2 giữa chiến đấu cơ Không quân Ấn Độ (IAF) và Không quân Pakistan (PAF) tại khu vực sát đường phân giới LoC, tiêm kích JF-17 của PAF được ghi nhận đã bắn rơi MiG-21 Bison của IAF.

Trước tình hình trên, trong nội bộ giới quân sự Ấn Độ đã có ý kiến cho rằng nên khẩn trương đưa Su-30MKI lên sát khu vực giao tranh, bởi vì chiếc chiến đấu cơ này có năng lực tác chiến ngoài tầm nhìn, vượt trội so với JF-17.

Tuy nhiên sự tự tin của Không quân Ấn Độ về khả năng thấy trước và bắn trước JF-17 Pakistan chắc chắn đã suy giảm rất nhiều, khi mới đây PAF đã công bố bức ảnh tiêm kích Thunder của mình mang tên lửa PL-15.

Hiện chưa rõ tên lửa không đối không tầm siêu xa PL-15 đã được Trung Quốc cung cấp cho Pakistan từ khi nào, nhưng với vũ khí này thì ưu thế của Su-30MKI Ấn Độ trong tác chiến ngoài tầm nhìn đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Tên lửa không đối không PL-15 do Viện 607 (Viện nghiên cứu Tên lửa không đối không) của Trung Quốc thiết kế, nó lần đầu tiên được phóng thử nghiệm vào giữa tháng 9/2015.

Hai loại tên lửa PL-15 và PL-10 dự định sẽ được dùng để thay thế tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-12 (tầm bắn 100 km) và PL-8 (trong tầm nhìn) hiện nay của Trung Quốc.

So với tên lửa PL-12 thì đầu tự dẫn radar chủ động của PL-15 mạnh hơn. Ngoài ra nó còn được tăng cường khả năng kháng nhiễu, trang bị động cơ mới tăng tầm bắn và có khả năng kiểm soát vector luồng phụt.

Các nguồn tin nội bộ cho biết, tên lửa PL-15 có chiều dài 3,8 m; đường kính thân 210 mm; sải cánh 403 mm; trọng lượng phóng 180 - 230 kg, có khả năng tác chiến mọi phương vị, mọi điều kiện thời tiết cùng với chức năng “phóng và quên”.

Tầm bắn tối đa của tên lửa PL-15 chưa được thống nhất, khi có nguồn cho rằng nó đạt tới cự ly 300 km, trong khi nguồn khác lại cho rằng nó vươn tới được khoảng cách 400 km.

Động cơ của tên lửa PL-15 là loại sử dụng nhiên liệu rắn, cho vận tốc tối đa Mach 4, kết cấu của quả đạn khả năng chịu quá tải cao khiến tiêm kích đối phương khó có cơ may lẩn tránh.

Khi được biết Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa PL-15, Tư lệnh không quân Thái Bình Dương Mỹ tại thời điểm đó Hawk Carlisle cho rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng cho các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ.

PL-15 không chỉ tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu giống như F-35, mà còn uy hiếp trực tiếp các máy bay ném bom và máy bay tiếp dầu của Không lực Hoa Kỳ.

Khi đã sở hữu tên lửa không đối không tầm siêu xa cùng máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không, tiêm kích JF-17 của Pakistan được nhận định là đủ khả năng khai thác tên lửa PL-15 tại tầm bắn tối đa.

Viễn cảnh trên đang khiến cho Không quân Ấn Độ cảm thấy vô cùng lo lắng, bởi vì các tiêm kích Su-30MKI của họ có thể bị bắn hạ từ ngoài vùng phát hiện ra JF-17 của Pakistan.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su30mki-an-do-gap-nguy-khi-jf17-pakistan-da-co-ten-lua-tam-sieu-xa-pl15/802978.antd