Su-35 chuẩn bị giao chiến với F-22 và F-35

Cách nhập hai 'Flanker' thành một 'Superflanker'

Xin giới thiệu tiếp một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế tên lửa TSNIIMASH Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên báo “Svobodnaia Pressa” ngày 27/9/2020:

Tiêm kích Su-35S (Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Tiêm kích Su-35S (Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Tạp chí chuyên ngành quân sự Mỹ “Military Watch” vừa quyết định đưa ra một số dự báo về sự phát triển của Không quân tiêm kích Nga trong giai đoạn sau khi Chương trình Vũ khí Quốc gia (Nga)-2027 kết thúc.

Cách tư duy và những dự đoán mà Military Watch đưa ra rất có lý, thêm nữa- những dự báo này được đúc rút căn cứ vào những nguyên tắc xây dựng lực lượng không quân chiến thuật Mỹ.

Và điểm cốt lõi của những nguyên tắc này của Mỹ- đó là quy chuẩn hóa- một đường lối xây dựng lực lượng không quân nói chung rất ưu việt. Và không phải chỉ có một, mà có nhiều điểm ưu việt.

Với việc giảm số lượng các kiểu máy bay tiêm kích khác nhau, việc khai thác của chúng trở nên ít tốn kém hơn. Các khoản kinh phí không còn phải dàn trải chia cho rất nhiều nhà máy để sản xuất nhiều kiểu máy bay tiêm kích khác nhau nữa.

Công tác huấn luyện- đào tạo không chỉ phi công mà ngay cả nhân viên kỹ thuật phục vụ trên mặt đất cũng đang được đơn giản hóa đi rất nhiều.

Military Watch đặc biệt chú ý đến tình hình khá nghiêm trọng hiện nay của Không quân tiêm kích Nga, tuy cách diễn đạt khá nhẹ nhàng.

Mặc dù, nếu nói một cách thực sự thẳng thắn, thì tình hình như hiện nay trong lực lượng không quân chiến thuật (Nga) là hậu quả của việc từ hơn hai thập kỷ trước mọi thứ đều bị Phòng Thiết kế- Thử nghiệm Sukhoi khống chế.

Theo dự báo của tạp chí Mỹ nói trên thì sau năm 2027, số lượng máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 5 Su-57 xuất xưởng sẽ tăng rất đáng kể.

Nhu cầu về máy bay đánh chặn MiG-41 cũng sẽ tăng lên, và nhu cầu này cũng sẽ được ngành công nghiệp chế tạo máy bay Nga thỏa mãn. Rất rõ ràng, MiG-41 cũng sẽ là máy bay thế hệ 5.

Tuy nhiên, hiện vẫn hoàn toàn chưa rõ rằng ở một số điểm- thứ nhất là liệu chiếc máy bay này (MiG-41) có xuất hiện được ngay trong tương lai gần hay không.

Bởi vì đến giờ vẫn tuyệt đối chưa có một chút thông tin gì về những công việc liên quan đến việc thiết kế- chế tạo nó (MiG-41) từ công ty MiG (vừa mới hợp nhất với công ty Sukhoi).

Trong khi từ trước đến nay bất kỳ một động thái nào của bất kỳ một công ty nào trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đều ngay lập tức được tuyên truyền quảng cáo ầm ỹ.

Và thứ hai, liệu bây giờ có còn cần một máy bay đánh chặn nữa không? Các công trình sư thiết kế máy bay tiêm kích hiện đại đã không còn coi tốc độ cực cao là một ưu thế tuyệt đối nữa.

Do đó, những kẻ vi phạm biên giới đường không thường bay với tốc độ chỉ cao hơn 2.000 km / h một chút. Để đánh chặn, chỉ cần điều Su-27 và Su-30 là quá đủ. Có nghĩa là, không nhất thiết cứ phải phải huy động MiG-31BM siêu nhanh đi xua đuổi những kẻ vi phạm.

Ngoài ra, trong hai thập kỷ vừa qua, sự phát triển của các phương tiện phòng không Nga đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển của các máy bay tiêm kích NATO.

Tạp chí Military Watch Mỹ cũng khẳng định rằng ngoài Su-57 ra, Nga còn có một số máy bay quan trọng khác nữa mà Không quân nước này sẽ quyết không chịu từ bỏ. Đó là các máy bay tiêm kích thế hệ 4+ và 4 ++ Su-30, Su-35, MiG-35, cũng như máy bay tiêm kích-ném bom Su-34.

Su-30

(Chúng tôi (tức tác giả V.Tuchkov) xin mở ngoặc để ghi chú là trên thực tế, Bộ Quốc phòng Nga quả là không tỏ ra mặn mà gì lắm với MiG-35, mặc dù xét về các tính năng kỹ- chiến thuật, ngoại trừ tải trọng tác chiến kiểu máy bay này không hề thua kém Su-35 vốn lâu nay được ca ngợi hết lời.

(Bộ Quốc phòng Nga) đã tỏ ý là công ty “MiG” nên định hướng đưa MiG-35 ra thị trường bên ngoài, chứ không phải là thị trường nội địa (Nga)).

MiG-35

Tất cả các máy bay của (Phòng Thiết kế) Sukhoi được liệt kê ở trên đều thuộc một dòng máy bay xuất phát từ tiêm kích Su-27 được thiết kế chuyên để chiếm ưu thế trên không.

Nói cho đúng, nó (Su-27) vẫn còn có tính năng quá "một chiều" như vậy trong thời đại của những máy bay tiêm kích đa năng. Ngoại trừ một số máy bay đã được hiện đại hóa và nâng cấp là Su-27SM được trang bị vũ khí là tên lửa “không đối đất”.

NATO đặt tên cho Su-27 là "Flanker", hiểu một cách nôm na là "tấn công từ bên sườn". Và tất cả các "hậu duệ" sau này của Su-27 cũng được NATO gọi là "Flanker"- chỉ thêm các chữ cái đứng sau- B, C, D, E.

Tạp chí trên của Mỹ nhận định rằng việc sản xuất song song các máy bay Su-30 và Su-35 với các tính năng và chức năng gần tương đương nhau là một việc làm quá lãng phí. Và sẽ là hợp lý hơn nhiều nếu kết hợp chúng (Su-30 và Su-35) thành một kiểu máy bay duy nhất.

Vì thế chỉ cần sản xuất tại một nhà máy. Hiện nay Su-35 đang được sản xuất tại Nhà máy Hàng không Komsomolsk-na-Amur mang tên V.I. Gagarin, Còn Su-30- tại nhà máy sản xuất máy bay Irkutsk.

Cùng với đó, Su-30 phải được nâng cấp lên gần ngang với Su-35- một kiểu máy bay mới hơn và hiện đại hơn nó. Quả đúng vậy, Su-35 được lắp động cơ AL-41F-1S mạnh hơn, có lực đẩy lớn hơn cả ở chế độ bay bình thường và cả ở chế độ bay tăng tốc.

Trang thiết bị điện tử của Su-35 cũng hiệu quả hơn nhiều. Cụ thể, radar “Irbis” có "tầm nhìn" xa nhất, xa hơn cả “tầm nhìn” của F-22 và F-35 Mỹ. Được như vậy là nhờ “Irbis” có công suất bức xạ kỷ lục- kỷ lục không thể với tới đối với máy bay có radar mảng pha chủ động trang bị cho các máy bay tiêm kích thế hệ 5.

Radar “Irbis của Su-35 có khả năng phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ radar hiệu dụng (RCS) là 0,01 mét vuông ở cự ly 100 km, RCS bằng 0,1 mét vuông - ở khoảng cách 160 km, RCS- 1 mét vuông - ở cự ly tới 270 km.

Và hệ thống điện tử hàng không của nó không khác gì nhiều so với hệ thống điện tử hàng không của các máy bay thế hệ 5.

Ngoài ra, vật liệu composite được sử dụng tối đa trong khung thân máy bay Su-35, giúp giảm được trọng lượng và tăng độ bền. Cũng cần phải nói thêm rằng các công trình sư thiết kế Su-35 đã ứng dụng một số thủ pháp nhất định để “tàng hình” nhiệt và “tàng hình” radar cho nó.

Tất nhiên,không thể so sánh Su-35 với "người vô hình" (máy bay tàng hình) được, nhưng nếu “gặp” các máy bay thế hệ 4, nó sẽ có một số lợi thế khi thực hiện "trò chơi trốn tìm".

Tạp chí Mỹ Military Watch cho rằng ngành công nghiệp chế tạo máy bay Nga trước sau gì cũng sẽ triển khai tiến trình “hợp nhất” hai máy bay thành một, - thành một kiểu máy bay mà NATO đã đặt tên trước là "Superflanker".

Phải thừa nhận rằng tạp chí Mỹ này cái gì cũng biết. Tiến trình “sát nhập” hai máy bay thành một đã được tiến hành. Và nó đã được bắt đầu với việc quy chuẩn hóa những hệ thống và các thiết bị quan trọng nhất.

Vào cuối năm nay sẽ xuất hiện một biến thể mới là SM-30SM2 lắp động cơ vectơ lực đẩy thay đổi đang được trang bị cho Su-35S- đó là động cơ AL-41F-1S (АЛ-41Ф-1С).

Nhưng đấy mới chỉ là bước đi đầu tiên. Hiện tại, PhòngThiết kế- thử nghiệm mang tên A. Lyulka thuộc Tập đoàn Chế tạo Động cơ thành phố Ufa đang thiết kế một kiểu động cơ đa năng có thể lắp cho cả các máy bay tiêm kích Su-27, Su-30 và Su-35 mà không cần phải xử lý lại khung thân máy bay.

Đây không phải là một sáng kiến tự thân của tập đoàn này, mọi chi phi cho công tác nghiên cứu- thiết kế được Bộ Quốc phòng Nga đảm nhiệm.

Theo tuyên bố của Giám đốc điều hành Tập đoàn chế tạo động cơ Yevgeny Semivelichenko thì động cơ đa năng mới này sẽ “kế thừa” một số chi tiết- bộ phận của động cơ AL-41F-1C và cả các chi tiết- linh kiện của một số động cơ đã được thiết kế trước đó.

Bây giờ thì chỉ còn chờ một tuyên bố tương tự như vậy được đưa ra từ một ai đó của Tập đoàn "Công nghệ vô tuyến điện tử" (KRET). Một hệ thống điện tử hàng không quy chuẩn cho “Superflanker” cũng là rất cần thiết.

Và cũng sẽ không gặp vấn đề gì lớn khi lắp hệ thống đó cho Su-30 và thậm chí là cả Su-27, vì khung thân của các máy bay này trên thực tế là giống nhau. Trước hết, như đã đề cập ở trên, radar “Irbis” sẽ được tích hợp vào hệ thống điện tử hàng không trên Su-30.

Và còn "mọi thứ khác" nữa- như hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống tự bảo vệ, điều khiển vũ khí, thông tin liên lạc, tổ hợp dẫn đường ...

Tuy nhiên, không hiểu tại sao lại không thực hiện phương án chỉ sản xuất máy bay tiêm kích Su-35, bỏ hẳn Su-30, bởi vì về cơ bản chúng sẽ không khác gì nhau.

Nhưng tất nhiên, hợp lý hơn cả vẫn là trong khi vẫn tiếp tục “nâng tầm” để Su-30 càng tiệm cận với Su-35 về tính năng càng tốt, nhưng vẫn để lại một khoảng cách nhất định nào đó giữa chúng với nhau.

Để vừa có được một "Superflanker anh" và vừa có một " Superflanker em". Và điều này sẽ được thể hiện ngay trên giá bán của "đàn em", một chi tiết cũng không hề kém phần quan trọng.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-35-chuan-bi-giao-chien-voi-f-22-va-f-35-3419684/