Sự ân hận muộn màng của những học sinh giỏi

Nhìn các em, tôi lại nghĩ: 'Giá Hương, Lan và Hòa không đi vào sư phạm thì có lẽ bây giờ cuộc sống của các em ít nhất cũng không khốn khó như bây giờ'.

LTS: Từ câu chuyện thực tế của những học sinh cũ và nay cũng chính là đồng nghiệp của mình, tác giả Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ về việc nhiều học sinh giỏi không muốn vào ngành sư phạm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo mới trong tuyển sinh sư phạm. Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được dự thi vào ngành sư phạm đã gây khá nhiều tranh cãi.

Người cho rằng Bộ Giáo dục “đang mơ giữa ban ngày”. Người lại cho rằng, nhất quyết sẽ chẳng bao giờ thực hiện được vì hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp và chế độ lương, ưu đãi quá thấp.

Đã có khá nhiều bài viết chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được kể một câu chuyện có thật về sự ân hận, nuối tiếc của một số học sinh giỏi đã trót chọn cho mình cái nghề cao quý.

(Ảnh minh họa: vov.vn).

Giá mà thời gian quay trở lại

“Biết thế này, ngày đó…”, “Giá mà…”, “Nếu thời gian quay trở lại…” câu nói bỏ lửng của một số học trò cũ (nay đã là đồng nghiệp của tôi) làm đau lòng bất cứ ai nghe được. Dù không nói ra nhưng tôi vẫn hiểu những cô cậu học trò ấy muốn nói gì.

Các em chính là những học trò xuất sắc ở cả ba cấp. Ngày ấy, học sinh được khen thưởng được xếp hạng nhất, nhì ba. Lan, Hương, Hòa luôn nằm tốp đầu (hạng nhất nhì).

Vào cấp 2, cả ba em đã theo học trường chuyên của tỉnh. Lan học chuyên Sử, Hương vào chuyên Toán còn Hòa học chuyên Lý.

Ba em luôn là niềm tự hào của gia đình. Hàng năm, các em còn mang về khá nhiều giấy khen vì thành tích đạt được.

Nào giải học sinh giỏi truyền thống, giải ở kì thi Olympic miền nam, giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Mỗi lần đi họp phụ huynh, cha mẹ các em cũng nở mày nở mặt với những lời khen của thầy cô giáo.

Nhiều phụ huynh khác và bà con trong vùng cứ xuýt xoa “đẻ được con học giỏi như anh chị cũng sướng, sau này ra trường tha hồ mà nhờ nhé”.

Do đạt thành tích giải quốc gia nên các em được tiêu chuẩn tuyển thẳng vào trường đại học sư phạm.

Lan vui lòng nối nghiệp ba mẹ vào học khoa Sử Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Hương nhất quyết không muốn theo nghề của mẹ vì theo em “mẹ vốn là giáo sinh giỏi trước đây được chọn trường, đi dạy cũng đạt hết danh hiệu này đến danh hiệu khác nhưng dù dạy đã gần về hưu nhưng lương một tháng không đủ cho cả nhà đi một chuyến du lịch trong nước (chỉ là về vùng quê vãn cảnh).

Hương nói nếu không có bố làm kinh tế đỡ đần không biết gia đình mình sẽ sống ra sao?

Nhưng trước sức ép của mẹ “con gái cần có cuộc sống ổn định, lánh xa cuộc sống bon chen, đấu đá. Môi trường sư phạm hợp với con hơn cả”. Thế là, không muốn mẹ buồn, Hương đành đăng kí vào học khoa Toán.

Còn Hòa cũng dễ dàng học sư phạm khi được ba mẹ định hướng “bác con là trưởng phòng giáo dục lẽ nào không lo cho con được một xuất khi ra trường?

Người ta học xong còn vật vã, tốn kém hàng trăm triệu còn chưa xin được việc. Nay con đã có bác lo liệu nếu không chọn sư phạm thật là uổng phí”.

Thế là cả ba đã vào Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh như thế.

Sau 4 năm đèn sách, ngày ra trường, Lan và Hòa về quê may mắn có việc liền, Hương tuy lận đận vài năm cũng xin cho mình một chân dạy tại trường cấp 3 của huyện.

Với mức lương 2 triệu 300 ngàn đồng/tháng quả thật quá chật vật với các em. Có em cười chua chát “đi học còn giàu hơn đi dạy”.

Nghe ra cũng chẳng sai vì khi đi học, ba mẹ gửi cho một tháng 3 triệu đồng nhưng khi đi dạy chỉ nhận được 2 triệu 300 ngàn đồng.

Năm tháng trôi qua, các em cũng đã có gia đình. Do môi trường tiếp xúc hạn hẹp nên phần lớn giáo viên cũng đều có vợ hoặc chồng là thầy cô giáo.

Thế nên, với đồng lương của hai vợ chồng, cuộc sống đã vất vả lại càng túng bấn hơn khi gia đình có thêm thành viên mới.

Nhận lương về dù tằn tiện chi tiêu cũng chỉ được 20 ngày là hết.

Vay mượn để cầm cự tới kì lĩnh lương lần sau, có lương thì trả và lại hết tiền vào ngày 20 tháng sau.

Đó là chưa kể những lúc con ốm đau hay đi đám đình, trả nghĩa…

So với Lan và Hòa, cuộc sống của Hương có phần khá hơn vì ngoài mấy đồng lương ít ỏi, Hương có thêm thu nhập từ dạy thêm.

Có điều dân vùng này, cuộc sống còn khó khăn, việc học hành của các em cũng không được quan tâm nhiều.

Thế nên dù dạy giỏi có tiếng nhưng một tháng Hương cũng chỉ có thêm thu nhập khoảng vài ba triệu đồng.

Dù vậy, so với tiền lương hàng tháng cũng là một khoản đáng mơ ước của nhiều nhà giáo.

Nhiều khi Hương tâm sự “giá lương đủ sống cũng không muốn dạy thêm. Bởi kiếm được đồng tiền từ công việc này, đôi khi mình cũng chẳng còn là mình nữa”.

Chuyện ăn chưa đủ nhưng vẫn phải vay mượn tiền để mua mảnh đất, cất căn nhà còn có chỗ che mưa che nắng.

Món nợ này trả chưa xong lại đẻ ra món nợ khác khi con cái càng lớn học hành càng tốn kém hơn. Thế rồi, quanh năm suốt tháng các em cũng trở thành con nợ của các ngân hàng.

Những cuộc sống đối nghịch nhau

Buổi họp lớp của khóa học năm ấy quy tụ gần đủ những học sinh đã từng học một thời. Sân trường rộng rãi là thế bỗng trở nên chật hẹp vì những chiếc xe con đậu kín một khoảng sân.

Nếu không giới thiệu cặn kẽ chắc cũng khó nhận ra Nhật cọt, Minh ngố, Hoa còm nhom, Sĩ cao cổ hay Thủy điệu, Thúy lanh chanh…nhìn bạn nào bạn nấy vừa đẹp vừa sang trọng đài các bên những chiếc xe hơi bạc tỉ. Sự giàu sang càng tôn vinh vị thế của chủ nhân nó.

Cũng phải, khi địa vị thường đi kèm với tiền tài sẽ cho con người ta một phong thái chững chạc, tự tin và khác hẳn những người khác.

Nhìn đám học trò đi xe hơi, tôi thầm nghĩ có ai biết được những cô cậu học trò ấy ngày xưa học hành thua xa Hương, Lan và Hòa. Thế mà bây giờ…

Các em đã không đi theo nghề sư phạm, người vào trường kinh tế, người học công nghệ thông tin, người học kinh tế đối ngoại, y dược…

Nhìn các em, tôi lại cứ nghĩ mãi “Giá Hương, Lan và Hòa không đi vào sư phạm thì có lẽ bây giờ cuộc sống của các em ít nhất cũng không khốn khó như bây giờ. Bởi, nếu so lực học ngày xưa thì ba học sinh này luôn ở vị thế số 1.

Thế mà, đến bữa tiệc gặp mặt và tri ân thầy cô ngày hôm nay, các em cũng phải tranh đấu mãi mới có thể tham dự vì số tiền góp quỹ lần này lên đến 2 triệu đồng/người”.

Khác với sự vui nhộn của đám bạn ngoài kia, ba nhà giáo cứ ngồi lặng lẽ một góc.

Tôi chợt nghe được tiếng Hòa cất lên “có lẽ suốt cuộc đời đi dạy lương tụi mình cũng không mua nổi bánh xe…”. Tiếng thở dài buông xuống nghe có phần não nề.

Chẳng cần phải đợi đến lần hội khóa hôm nay, các em mới buông lời tiếc nuối. Dù là học sinh cũ nhưng cũng là đồng nghiệp, những lần gặp nhau cô trò lại tâm sự.

Lời mà chính tôi được nghe nhiều nhất “giá ngày ấy em cãi lời ba mẹ nhất quyết không đi sư phạm thì cuộc sống của em đâu vất vả đến thế này”. Em thì nói “Em ước gì thời gian quay trở lại để chọn lựa cuộc sống cho mình…”.

Học sinh giỏi ngày càng không dám vào sư phạm nguyên nhân chính ngoài chuyện xin việc khó khăn còn vì đồng lương quá eo hẹp.

Đã thế, môi trường sư phạm cũng không có cơ hội để các nhà giáo làm thêm ngoài chuyện dạy thêm ngỡ là chính đáng nhất cũng bị lên án.

Thế nên muốn người giỏi vào sư phạm ngoài việc ra trường được bố trí việc làm ngay còn phải có mức lương cao để họ tự nuôi sống mình và nuôi thêm đứa con học đại học như lời cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng nói.

Đăng Bình

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/su-an-han-muon-mang-cua-nhung-hoc-sinh-gioi-post184079.gd