Sự áp đảo của biến thể Delta khiến Mỹ phải nhìn lại chiến lược chống Covid-19 thế nào?

Biến thể Delta đã khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược chống Covid-19 trong thời gian qua, từ quy định đeo khẩu trang cho tới chiến dịch tiêm vaccine.

Đầu mùa xuân năm 2021, số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm và dường như sẽ tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, Delta đã trở thành biến thể áp đảo ở Mỹ và dẫn đến một làn sóng bùng phát dịch bệnh mới trên khắp nước này. Hàng nghìn người phải nhập viện, trong khi số giường ICU ở mức thấp tại nhiều bang bùng phát số ca nhiễm biến thể Delta như Alabama, Oregon, Hawaii và Texas. Có một số nhân tố dẫn đến việc tại sao biến thể Delta trở nên áp đảo như vậy, một phần xuất phát từ bản thân những đặc tính của biến thể và một phần xuất phát từ việc ứng phó với đại dịch.

Học sinh đeo khẩu trang đến trường trong ngày đi học đầu tiên tại Trường tiểu học Grant ở Los Angeles, California ngày 16/8. Ảnh: Getty

Học sinh đeo khẩu trang đến trường trong ngày đi học đầu tiên tại Trường tiểu học Grant ở Los Angeles, California ngày 16/8. Ảnh: Getty

Những đặc điểm của biến thể Delta đang thay đổi tình hình đại dịch Covid-19. Những dữ liệu ban đầu cho thấy người được tiêm vaccine vẫn có thể lây lan biến thể Delta mạnh hơn so với chủng virus ban đầu. Tải lượng virus trong những người đã tiêm vaccine mắc Covid-19 tương tự như những người chưa được tiêm vaccine. Điều này dường như giống với trường hợp ở Provincetown, Massachusetts, nơi các du khách trong kỳ nghỉ hè có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng vẫn dẫn đến một đợt bùng phát dịch bệnh với hơn 1.000 ca tiền triệu chứng và có các triệu chứng nhẹ.

Các chuyên gia cho rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn các biến thể khác. Điều đó tức là nó có thể dễ lây lan sang những người khác hơn và một người mắc bệnh có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn so với chủng virus ban đầu. CDC ước tính, Delta có mức độ lây nhiễm cao gấp 2 lần so với các biến thể trước đó.

Một nhân tố khác cần tính tới là các hành vi xã hội và các chính sách đã thay đổi trong những tháng qua. CDC đã hơn 1 lần phải thay đổi các chỉ dẫn về việc đeo khẩu trang. Có những thời điểm, nhiều người đã dừng đeo khẩu trang và việc bắt buộc đeo khẩu trang ít phổ biến hơn.

Tâm lý ngần ngại và phản đối tiêm vaccine cũng là một lý do giải thích tại sao số ca nhiễm biến thể Delta tăng vọt. Theo CDC, khoảng 70% những người trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở các bang tại Mỹ rất khác nhau. Một số bang và hạt ở Mỹ có tỷ lệ tiêm vaccine chỉ ở mức 30%. Với số lượng lớn dân số chưa được tiêm vaccine, virus có thể lan rộng và lây nhiễm cho rất nhiều người.

Mặc dù thông điệp từ các chuyên gia là hãy tiêm vaccine nếu đủ điều kiện và việc tiêm vaccine là một ưu tiên nhưng các biện pháp y tế cộng đồng khác vẫn cần duy trì để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Hiện nay, hội đồng các trường học ở Mỹ đang thảo luận về việc đeo khẩu trang bắt buộc khi học sinh quay lại trường vào mùa thu.

Rõ ràng biến thể Delta đã cho chúng ta thấy rằng đại dịch Covid-19 sẽ không tự nhiên biến mất.

"Không ai biết virus này còn những 'vũ khí' gì. Chúng ta có thể quan sát thấy mọi ‘nước đi’ của nó, cũng như những ‘thủ thuật’ mà nó sử dụng nhưng đây vẫn là một hệ gen rất phức tạp và có lẽ cần khám phá thêm", Jeremy Luban, nhà virus học tại Trường Y Đại học Massachusetts nhận định với Washington Post./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Hill

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/su-ap-dao-cua-bien-the-delta-khien-my-phai-nhin-lai-chien-luoc-chong-covid-19-the-nao-883950.vov