Sự bất bình đẳng về vắc xin ngăn cản quá trình hồi phục kinh tế thế giới

Sự bất bình đẳng về vắc xin COVID-19, sẽ có tác động lâu dài và sâu sắc đến sự phục hồi kinh tế xã hội ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, nếu không có hành động khẩn cấp để thúc đẩy nguồn cung và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng cho mọi quốc gia, kể cả thông qua việc chia sẻ liều vắc xin.

Theo dữ liệu mới công bố bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Oxford cho thấy.

Công bằng vắc xin không chỉ để cứu sống mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế xã hội

Các nước giàu hơn đã chi hàng nghìn tỷ USD cho các gói kích thích để thúc đẩy nền kinh tế đình trệ. Bây giờ là thời điểm để đảm bảo vắc-xin được chia sẻ nhanh chóng. Tất cả các rào cản đối với việc tăng cường sản xuất vắc-xin được xóa bỏ và hỗ trợ tài chính được đảm bảo để vắc-xin được phân phối công bằng và kinh tế toàn cầu được phục hồi.

Việc giá thành của mỗi liều vắc-xin COVID-19 cao so với các vắc-xin khác, và chi phí vận chuyển - bao gồm cả sự gia tăng lực lượng y tế, có thể gây ra áp lực rất lớn đối với các hệ thống y tế mỏng manh; làm ảnh hưởng đến việc tiêm chủng thường xuyên và các dịch vụ y tế thiết yếu, đồng thời có thể gây ra sự gia tăng đáng báo động đối với bệnh sởi, viêm phổi và tiêu chảy. Cũng có một rủi ro rõ ràng về các cơ hội bị bỏ qua đối với việc mở rộng các dịch vụ tiêm chủng khác, ví dụ như việc triển khai an toàn và hiệu quả các loại vắc xin HPV. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn cần được tiếp cận kịp thời với vắc xin có giá phải chắng và được hỗ trợ tài chính kịp thời.

Những thông tin chi tiết này đến từ Bảng dữ liệu toàn cầu về Công bằng vắc xin COVID-19, một sáng kiến chung của UNDP, WHO và Đại học Oxford, kết hợp thông tin mới nhất về tiêm chủng COVID-19 với dữ liệu kinh tế xã hội gần đây nhất đã minh họa tại sao việc tăng cường công bằng vắc xin không chỉ là yếu tố quan trọng để cứu sống nhiều người mà còn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế xã hội nhanh hơn và công bằng hơn sau đại dịch mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Bảng dữ liệu công bằng vắc xin COVID-19 mới này sẽ cung cấp cho Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế những thông tin chính xác để đẩy nhanh việc cung cấp vắc xin trên toàn cầu và giảm thiểu tác động kinh tế xã hội tàn khốc của đại dịch.

Sự bất bình đẳng về vắc xin là trở ngại lớn nhất trong việc chấm dứt đại dịch và phục hồi sau COVID-19

Theo Bảng dữ liệu mới này, các nước giàu hơn được dự đoán sẽ tiêm phòng nhanh hơn và phục hồi kinh tế nhanh hơn từ COVID-19, trong khi các nước nghèo hơn thậm chí còn không thể tiêm chủng cho nhân viên y tế của họ và những người có nguy cơ cao nhất, và có thể không đạt được mức tăng trưởng trước COVID-19 cho đến năm 2024.

Trong khi đó, Delta và các biến thể khác đang khiến một số quốc gia phải tái sử dụng các biện pháp xã hội y tế công cộng nghiêm ngặt. Điều này càng làm trầm trọng thêm tác động xã hội, kinh tế và sức khỏe, đặc biệt là đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự bất bình đẳng về vắc xin đe dọa tất cả các quốc gia và có nguy cơ làm đảo ngược tiến độ mà chúng ta rất khó khăn mới đạt được trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Sự bất bình đẳng về vắc xin là trở ngại lớn nhất của thế giới trong việc chấm dứt đại dịch này và phục hồi sau COVID-19. Về mặt kinh tế, dịch tễ học và đạo đức, tốt nhất là tất cả các quốc gia nên sử dụng dữ liệu hiện có mới nhất để cung cấp vắc xin cho tất cả mọi người.

Được thiết kế để trao quyền cho các nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển thực hiện các hành động khẩn cấp để giảm sự bất bình đẳng về vắc-xin, Bảng dữ liệu toàn cầu phân tích tác động của khả năng tiếp cận vắc xin đối với mục tiêu là các quốc gia phải tiêm vắc-xin cho các nhóm dân số có nguy cơ của họ trước để giảm tỷ lệ tử vong và bảo vệ hệ thống y tế, sau đó tiêm chủng cho nhóm dân số khác để giảm gánh nặng bệnh tật và mở lại các hoạt động kinh tế xã hội.

Bảng dữ liệu được hỗ trợ bởi Kế hoạch hành động toàn cầu vì cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người (SDG3 GAP), nhằm mục đích cải thiện sự hợp tác đa phương trên toàn hệ thống để hỗ trợ phục hồi một cách công bằng và bền vững sau đại dịch và thúc đẩy tiến bộ đối với các vấn đề liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững liên quan tới sức khỏe.

Nguyễn Phương Thảo

(Theo WHO 7/2021)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-binh-dang-ve-vac-xin-ngan-can-qua-trinh-hoi-phuc-kinh-te-the-gioi-n198399.html