Sự biến dạng hiện hữu của di tích Lầu Bảo Đại khiến người dân bức xúc

Từng là một thắng cảnh dấu ấn, lãng mạn của phố biển Nha Trang, di tích Biệt thự Cầu Đá đang thực sự là một đại công trường, thùng hố, nham nhở. Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện giám sát hiện trạng dự án và đưa ra nhiều khuyến nghị.

Resort trong đá chứ không phải khách sạn, nhà hàng trong đá!

Biệt thự Cầu Đá thường được gọi là Lầu Bảo Đại, nơi vị vua cuối cùng Triều Nguyễn và Hoàng Hậu từng sử dụng làm nơi ở, nghỉ dưỡng khi vi hành phương Nam.

Năm 2014, khu di tích Lầu Bảo Đại được giao cho nhà đầu tư là công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp (KND) Bảo Đại.

Khảo sát tại công trường dự án, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, theo đề xuất của nhà đầu tư thì các ngôi nhà (resort, khách sạn,..) nằm dày trên các sườn núi. Doanh nghiệp đã nhìn thấy lợi thế của khu vực Lầu Bảo Đại, nơi có địa thế đẹp nhìn xuống biển, nhìn về thành phố, lại gần cảng du lịch và gần các đảo. Doanh nghiệp không có lỗi khi đề xuất, bởi chỗ nào lợi thế thì doanh nghiệp làm. Nhưng về phía quy hoạch kiến trúc và bảo vệ di tích, cảnh quan thì cần xem xét nghiêm túc và có trách nhiệm. Doanh nghiệp có phải cùng với chính quyền gìn giữ cảnh quan, gìn giữ di tích.

Phối cảnh Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, Nha Trang.

Phối cảnh Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, Nha Trang.

Ông Thân cho biết, Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 08/9/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vịnh Nha Trang xác định: Khu Biệt thự Bảo Đại là một khu vực có giá trị về cảnh quan và lịch sử, do vậy cần giữ nguyên, kết hợp một số resort thân thiện với môi trường nằm chìm trong vách đá, không ảnh hưởng đến cảnh quan, lịch sử của khu biệt thự.

Ông Thân lưu ý, quy hoạch ở đây là resort trong gộp đá chứ không phải khách sạn, nhà hàng quy mô lớn trong gộp đá, làm phá vỡ cảnh quan. Thiết kế các resort cần nhẹ nhàng, thân thiện với môi trường, làm sao khi vào trong mới biết đó là chỗ nghỉ, mà nhìn bên ngoài không thấy được. Mặt khác, Cảnh Long là một đồi nhỏ, toàn bộ ngọn đồi gắn với cảnh quan thiên nhiên của di tích nên mật độ resort cần hợp lý, mật độ như thiết kế (35 biệt thự nghỉ dưỡng diện tích từ 311- 1.365 m2/căn, khách sạn 5 sao 108 phòng, nhà hàng, spa,..- PV) là quá dày!.

Không gian quả đồi làm nên giá trị các biệt thự cổ!

Về vấn đề bảo vệ di tích và cảnh quan của di tích trên cơ sở xác định vùng bảo vệ, theo ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao, Sở Xây dựng phối hợp các ngành, các kiến trúc sư đã xác định phạm vi bảo vệ I, bảo vệ II của di tích Biệt thự Bảo Đại, theo cách xác định vùng bảo vệ I của từng biệt thự. Theo đó, khu vực bảo vệ I của biệt thự Xương Rồng là 3.277 m2 bao gồm cả biệt thự và vùng đất xung quanh; biệt thự Bông Sứ 5.512 m2; biệt thự Phượng Vĩ 248 m2; biệt thự Bông Giấy 242; biệt thự Cây Bàng 218 m2.

Ông Lê Xuân Thân đặt câu hỏi với Giám đốc hai sở Văn hóa và Xây dựng: Khi nói đến di tích Bảo Đại Nha Trang, người ta nói đến 5 biệt thự hay nói đến quả đồi với toàn bộ kết cấu, kiến trúc thành một cảnh quan từ dưới lên trên?

Đưa ra một câu hỏi đã biết rõ câu trả lời, ông Thân như gián tiếp ám chỉ, việc xác định vùng bảo vệ I của các cơ quan quản lý nhà nước là chưa chuẩn xác. “Các công trình đều có cảnh quan xung quanh, bây giờ xác định vùng I, ông chỉ lấy khu vực cái nhà, giữ cái nhà và xung quanh cái nhà xíu thôi, còn lại cả quả đồi cho xây dựng thì liệu có phải phá vỡ di tích không?”- Ông Thân thắc mắc.

Khu vực bảo vệ I của di tích Biệt Thự Bảo Đại được xác định theo từng biệt thự riêng lẻ, gồm phạm vi ngôi nhà và phần diện tích xung quanh ngôi nhà.

Là người tham gia việc xác định phạm vi các khu vực bảo vệ của di tích Bảo Đại theo tiêu chí di tích gồm nhiều công trình xây dựng, địa điểm phân bố trên phạm vị rộng (trong khi đồi Cảnh Long có không gian khá hẹp, các biệt thự phân bố khá gần nhau) dẫn đến “công thức” ngôi nhà + khu đất xung quanh ngôi nhà = vùng bảo vệ I, dù vậy ông Lê Văn Dẽ vẫn thừa nhận, đã nói đến di tích Bảo Đại, không những 5 biệt thự mà phải nói hết quần thể cả quả đồi Cảnh Long(!).

Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Khánh Hòa cũng cho rằng: Nếu 5 biệt thự nằm độc lập thì chúng chỉ là những kiến trúc bình thường của Pháp, không có giá trị gì cả mà phải gắn với đồi Cảnh Long, một ngọn đồi nhìn ra biển. Đồi này mà không có 5 biệt thự cũng không có gì đặc sắc, giống như bất cứ cái đồi nào. Dó đó hai cái này cần phải “đi” với nhau mới tạo thành danh lam thắng cảnh Biệt thự Cầu Đá (!).

Như vậy, nhìn nhận về giá trị di tích Bảo Đại, các lãnh đạo đầu ngành tỉnh Khánh Hòa đã nhận thức và có chung quan điểm rằng, giá trị di sản ở đây là sự kết hợp, cộng sinh, cộng hưởng giữa các biệt thự cổ và cảnh quan, không gian quả đồi. Nói cách khác, nếu cảnh quan quả đồi bị tác động, làm biến dạng, giá trị di tích cũng bị xâm hại, ảnh hưởng.

Không biến Lầu Bảo Đại thành Đại công trường!

Với mục đích “làm nổi di sản”, giấu các resort, khách sạn, nhà hàng,.. vào trong lòng núi theo ý tưởng "nhà trong đá", chủ đầu tư đã đào những hố móng rộng và sâu hàng chục mét, biến những sườn núi thoai thoải vốn đầy cỏ cây hoa lá thành những vực sâu. Màu đỏ nâu của đất đá loang lổ nhức mắt. Từ chỗ các công trình theo thiết kế ban đầu có quy mô khá lớn và mật độ dày, bao quanh các sườn đồi, trong khi công trình được đào móng đồng loạt (chưa có giấy phép xây dựng), trong đó có những điểm chỉ cách chân móng biệt thự cổ có vài mét. Do vậy, mức độ tác động tới địa hình, cảnh quan núi Cảnh Long ở mức nghiêm trọng và hầu như ở tất cả các phía, chỉ còn chừa lại phần không gian hẹp xung quanh các biệt thự.

Sự biến dạng hiện hữu của di tích Lầu Bảo Đại chính là điều khiến người dân bức xúc, bất bình.

Di tích Biệt thự Lầu Bảo Đại đang thực sự là một đại công trường...

với hoạt động đào móng ở các sườn đồi...

dưới chân các biệt thự.

Khu biệt thự chỉ còn lại những chỏm phía trên đỉnh đồi.

Đoàn cán bộ HĐND tỉnh Khánh Hòa thực hiện công tác giám sát hiện trạng dự án Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại.

Đoàn ghi nhận hoạt động đào móng công trình trên quy mô lớn trong khi chưa có giấy phép xây dựng.

Ở sườn khác của ngọn đồi.

Ông Lê Xuân Thân yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500 trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; đồng thời có phương án điều chỉnh biện pháp thi công theo hình thức cuốn chiếu, thi công từng resort một, làm đến đâu, trồng cây tạo cảnh quan, hoàn thiện đến đấy, không biến khu Lầu Bảo Đại thành đại công trường, gây phản cảm. Các khu vực có thể thăm quan, thưởng ngoạn trong phạm vi nhất định, gồm 5 khu biệt thự, cảnh quan, cây cối xung quanh,.. cần phải được dọn vệ sinh, để đưa vào khai thác, sử dụng.

“Đóng cửa bốn, năm năm nay là không được. Chờ công trình làm xong mới mở cửa thì biết đến bao giờ. Yêu cầu trước tiên của đoàn công tác là muốn khôi phục và nhanh chóng trả lại di tích để đưa vào sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Khách trong nước và nước ngoài đến Nha Trang cứ hỏi Lầu Bảo Đại duy nhất của Nha Trang nằm chỗ nào không thấy, mà vô không được” - Ông Thân yêu cầu.

Cùng với quá trình triển khai dự án kéo dài, di tích Lầu Bảo Đại đóng cửa không đón khách từ bốn, năm năm nay.

Ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500, triển khai dự án, sớm mở cửa di tích để đón khách.

Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thông tin về dự án.

Đại diện Chủ đầu tư giải trình các vấn đề đoàn công tác yêu cầu.

Quy trình… ngược!

Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao cho biết, theo kiểm kê danh mục di tích định kỳ đã được UBND tỉnh Khánh Hòa công bố, Lầu Bảo Đại là di tích chưa được xếp hạng. Theo quy định, mọi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đều được Nhà nước bảo vệ, trong đó khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng, không gian,.. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Đối với khu vực bảo vệ II, việc tác động phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh nếu là di tích cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nếu là di tích cấp quốc gia.

Một biệt thự trong khu di tích Lầu Bảo Đại.

Hàng phượng vĩ trên đỉnh đồi Cảnh Long còn được giữ lại trong khu di tích.

Phối cảnh Biệt thự sau khi cải tạo.

Vấn đề ở chỗ, di tích Lầu Bảo Đại chưa được xếp hạng.“Theo đúng quy định đáng lẽ mình phải xếp hạng trước rồi sau đó mới triển khai dự án sau. Nhưng ta lại làm dự án trước. Cái này chưa xếp hạng cho nên bảo là thẩm quyền của ai để mà xây dựng ở vùng 1, vùng 2 là chưa được. Bây giờ để ra quyết định xếp hạng, công trình đang ngổn ngang, xếp hạng rất là khó” - Ông Hà nói.

Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi

c) Đối với di tích là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó;

d) Đối với danh lam thắng cảnh thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải đảm bảo cho việc giữ gìn sự toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.

Nguyễn Huân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/su-bien-dang-hien-huu-cua-di-tich-lau-bao-dai-khien-nguoi-dan-buc-xuc-59133.html