Sự cao cả của nghề

Thêm một câu chuyện nhỏ nhưng cảm động khi ngày thầy thuốc Việt Nam đang đến rất gần: Cháu gái tôi nói với mẹ mình rằng nếu chọn lần nữa cháu vẫn chọn nghề y. Cháu nói bằng một sự chân thành ngay giữa mùa dịch COVID-19, khi mà rất nhiều người đang nhận ra rõ nhất sự gian nan, nguy hiểm của nghề y.

(Ảnh minh họa)

Cách đây 16 năm cháu nhất quyết theo nghề y trong khi nhiều người khuyên học ngân hàng hay luật, là ngành được nhiều người lựa chọn lúc bấy giờ.

Nghề y phải trực đêm, phải đối diện với nguy cơ bệnh tật, thậm chí phải chịu tai tiếng. Nhìn chung là có nhiều áp lực, nhưng cháu vẫn kiên định theo đuổi ước mơ nghề nghiệp, học một mạch lấy được tấm bằng bác sĩ nội trú.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng chống dịch COVID-19 cháu vinh dự cùng được đứng tuyến đầu ở một đơn vị chống dịch. Mẹ cháu bảo biết con đối diện nguy hiểm bố cháu trách cứ, nghe vậy cháu nói: Bố nên xem đó là một vinh dự.

Một câu chuyện kể ra thì có phần hơi màu mè, nhưng là việc thật, có lẽ cũng là tâm sự của nhiều người đang công tác trong ngành y tế nước nhà.

Dẫu biết rằng nghề y hiện nay được nhiều người chọn bởi những lý do khác ngoài lý tưởng nghề nghiệp, đó là dễ có thu nhập cao. Thế nhưng trên hết cho thấy những người theo nghề y chưa bao giờ nguôi vất vả, hiểm nguy, nhất là ở những thời điểm nước sôi lửa bỏng chống dịch hiện nay.

Nghề y cũng từng có những thời điểm bị lên án vì có những y, bác sĩ đánh mất đạo đức nghề nghiệp, nhưng vượt lên điều đó, phần lớn cán bộ không đánh mất mình. Họ trung thành với lời thề Hippocrates. Qua các phương tiện thông tin chúng ta được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp từ đội ngũ thầy thuốc ở vùng núi cao, nơi đảo xa, ở những đơn vị tiền tiêu chống dịch bệnh mà sự bất trắc có thể đến bất cứ lúc nào...

Họ được sống với nghề, được khoác lên người tấm blouse trắng bước vào những cuộc chiến sinh tử mới là điều quan trọng nhất, mặc kệ những chuyện thị phi ở đời.

Điểm vào trường y chưa bao giờ dễ chịu cả, nghề y cũng được xếp vào nhóm nghề gian nan, có nhiều rủi ro, nhưng vẫn có rất nhiều học sinh đăng ký nguyện vọng. Nên nhìn vào đó bằng cách nhìn tích cực về sự khát khao cống hiến cho nghề, chứ không nên nhìn vào thông qua lăng kính vật chất.

Phải khẳng định rằng, sự phát triển với tốc độ quá nhanh của xã hội từng dẫn tới những bất cập về đạo đức ở nhiều lĩnh vực trong đó có nghề y. Và đôi khi từ những bức xúc của cuộc sống hiện tại, người ta quên mất một thực tế rằng loài người chưa bao giờ diệt hết được dịch, bệnh.

Xin đừng nhớ đến chiếc áo blouse trắng khi chúng ta có người thân hay là bệnh nhân trên giường bệnh từng phút chờ bác sĩ đến thăm khám. Càng không nên để khi dịch bệnh xảy ra mới thấy hết giá trị việc làm của người thầy thuốc và sứ mệnh cao cả của nghề y, mà đó phải là câu chuyện thường trực luôn thao thức trong tâm trí chính mình, mới chính là một sự công bằng và có tâm nhất.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/su-cao-ca-cua-nghe/114755.htm