Sự chờ đợi mang tên 'kết thúc năm học'

Chưa khi nào cả học sinh và phụ huynh ở Hà Nội lại mong năm học kết thúc như năm nay. Được cho nghỉ hè sớm, nhưng thực tế các em học sinh vẫn phải ôn bài chờ ngày kiểm tra học kỳ 2 để hoàn thành năm học.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Học sinh Hà Nội học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thứ 2, sáng ngày 12/7, con gái tôi năm nay học lớp 4 của một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt đầu học trực tuyến (học online) trở lại theo thông báo của nhà trường để cuối tuần sẽ tham dự kỳ kiểm tra cuối kỳ 2. Con sẽ được kiểm tra trực tuyến (trên zoom) thay vì đến trường kiểm tra trực tiếp.

Thông báo này tôi và các phụ huynh của con được nhận vào chiều chủ nhật, ngay trước ngày con học trở lại. Đó có lẽ là thông báo mà tôi và chắc hẳn nhiều phụ huynh khác cũng mong đợi, vì hơn bao giờ hết, tôi mong con có thể kết thúc năm học một cách suôn sẻ, nhất là trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trước đó, ngày 5/7, Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội có tờ trình đề nghị UBND Thành phố về việc cho học sinh trở lại trường từ ngày 10 - 24/7 để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Trường của con tôi cũng đã thông báo có khả năng các con đi học trở lại từ 12/7 và ngay trong tuần đầu đi học trở lại sẽ kiểm tra học kỳ 2.

Nhưng ngay khi có đề xuất trên thì tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội lại có những diễn biến mới. Ngay như sáng 12/7, trong lúc con tôi đang học trực tuyến, Hà Nội lại ghi nhận thêm 10 ca dương tính. Trước đó, các thông tin từ Tổ COVID cộng đồng cũng thông báo các địa điểm 5 ca F0 từng đến, là các khách sạn, quán phở, quán cơm, quán café,… đều ở quận Hai Bà Trưng, là quận có trường mà con tôi đang theo học. Do vậy, khả năng các con đi học trở lại tại trường, đến thời điểm này, có thể nói là khó có thể thực hiện. Trường tiểu học của con tôi cũng đã thông báo phương án thi trên zoom. Đó là một quyết định hợp lý, phù hợp và chắc hẳn đã có trong dự tính từ trước của ngành giáo dục và được các trường chuẩn bị trong thời gian qua.

Năm nay đã là năm học thứ hai của mùa COVID-19, nhưng rõ ràng diễn biến dịch ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Năm học 2020-2021, cả thầy cô và học trò phải vất vả hơn nhiều so với năm học trước. Tại Hà Nội, như trường học của con tôi, tính riêng trong học kỳ 2, các con đã có hai đợt học trực tuyến, giữa hai đợt học có khoảng một tháng là học sinh học trực tiếp tại trường. Do dịch bệnh, Hà Nội cũng đã cho học sinh tạm dừng đến trường từ 4/5 và sau đó chừng mười ngày đã quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm (từ 15/5), trong khi chưa thi hết học kỳ 2. Cho đến thời điểm này, đã giữa tháng 7, Hà Nội vẫn chưa thể kết thúc năm học.

Nhưng trước những khó khăn trong thời gian vừa qua, cùng với các ngành, lĩnh vực khác, ngành giáo dục của Hà Nội nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để có thể ứng phó linh hoạt. Trong thời gian tạm dừng đến trường, các em học sinh các cấp học được sắp xếp vào các khung giờ nhất định để học trực tuyến (học online), mà năm học trước các thầy giáo cô giáo và các em học sinh đã làm quen, dù cho việc học trực tuyến còn những hạn chế nhất định, nhất là với những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Các em học sinh học trực tuyến cũng đã góp phần giãn cách, tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh; tránh lãng phí các nguồn lực của xã hội trong phòng chống dịch.

Đến thời điểm này, hầu hết các các địa phương đã hoàn thành nội dung chương trình của năm học theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Một số địa phương như Phú Thọ cho phép các trường linh hoạt tổ chức kết thúc năm học bằng hình thức trực tuyến. Các em học sinh lớp 9 và lớp 12 vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1) trong tình hình dịch bệnh với số ca mắc tăng cao theo ngày, nhất là tại TP Hồ Chí Minh.

Việc ngành giáo dục của các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch thời gian của năm học là cách làm linh hoạt, kịp thời, nhằm ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Và trên hết, đã hạn chế tối đa nguy cơ mầm bệnh trong trường học, giữ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh và thầy cô giáo. Điều này được các bậc phụ huynh rất đồng tỉnh, ủng hộ.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian kết thúc năm học ở một vài nơi cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh và cả các bậc phụ huynh. Chờ đợi để hoàn thành nốt kỳ thi khiến các em có tâm lý nghỉ hè không trọn vẹn, luôn canh cánh chưa hoàn thành năm học. Dù các thầy cô giáo rất quan tâm nhờ phụ huynh (nhắn tin qua các nhóm chat trực tuyến) nhắc các con tự ôn bài nhưng các bậc phụ huynh cũng lo lắng các con “nghỉ hè” sẽ khiến kiến thức rơi rụng. Nhiều gia đình có kế hoạch gửi con về quê cho ông bà trông giúp trong những ngày hè cũng không thực hiện được do nơm nớp do con chưa thi học kỳ 2.

Vì vậy, ngành giáo dục, nhất là ngành giáo dục ở các địa phương cần có những giải pháp linh hoạt hơn nữa để có thể ứng kịp thời trong điều kiện dịch COVID-19 còn có thể kéo dài. Thực tế đã có những tỉnh, thành phố khá nhanh nhạy khi chủ động kết thúc năm học sớm, có nơi ngành giáo dục đã trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm tra học kỳ 2 từ cuối tháng 4, trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Trong điều kiện dịch bệnh quá phức tạp, không phải không có căn cứ khi có ý kiến cho rằng có thể sử dụng kết quả học kỳ 1 làm kết quả học kỳ 2 để có thể kết thúc năm học này. Bởi thực tế, chẳng phải đã có những điều rất đặc biệt của năm học này, như: TP Hà Nội cho phép tuyển thí sinh diện F0, F1 vào thẳng lớp 10; các trường Đại học cho phép sinh viên bảo vệ đồ án tốt nghiệp trực tuyến;…

Chúng ta cần một kỳ nghỉ hè thực sự cho các con và trên hết là đảm bảo sức khỏe, sự an toàn trước dịch bệnh cho các em học sinh. Sự nỗ lực của các thầy cô giáo và các em học sinh để có thể hoàn thành hết các nội dung chương trình học trong suốt cả một năm học qua sẽ là kết quả đáng được ghi nhận nhất, hơn bất cứ thang điểm ở tờ giấy kiểm tra nào!

Xuân Phong/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/su-cho-doi-mang-ten-ket-thuc-nam-hoc-20210712112547963.htm