Sự cố chạy thận nhân tạo ở Nghệ An: Do hệ thống dẫn nước RO

Trưa 5-8, Sở Y tế Nghệ An tổ chức họp báo thông tin sự cố y khoa chạy thận nhân tạo xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (HNĐKNA) vào chiều 30-7, làm 10 người có biểu hiện bất thường, theo đó, nguyên nhân gây ra sự cố y khoa trên là do hệ thống dẫn nước RO.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An chủ trì họp báo.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An chủ trì họp báo.

Tham gia họp báo có các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế, lãnh đạo: Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện HNĐKNA cùng các cơ quan báo chí T.Ư, địa phương...

Sau khi sự cố y khoa chạy thận nhân tạo xảy ra, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Nghệ An thành lập gồm các nhà khoa học trong tỉnh và các chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học và đi đến kết luận: Hệ thống RO có bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường; hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, có điểm “chết” làm ứ đọng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Đây là hệ thống dẫn nước RO được lắp đặt trước năm 2016, trước khi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31-12-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực.

Hội đồng chuyên môn kiến nghị việc khắc phục sự cố trên: Bệnh viện HNĐKNA phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo; thay toàn bộ hệ thống dẫn nước RO theo tiêu chuẩn quy định. Rà soát lại toàn bộ quy trình kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Sau khi khắc phục hệ thống, xét duyệt các tiêu chí, chỉ số theo quy định nằm trong giới hạn cho phép và ổn định, báo cáo Sở Y tế xem xét và ra quyết định cho hoạt động lại hệ thống chạy thận nhân tạo của Bệnh viện HNĐKNA theo đúng quy định.

Toàn cảnh họp báo.

Trước đó, như Báo Nhân Dân Điện tử đã đưa tin, chiều 30-7, trong quá trình chạy thận, 10/21 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, bốn bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc; theo dõi tại bệnh viện trong thời gian 30 phút không thấy biểu hiện bất thường nên đã được ra viện. Sáu bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở khi đang lọc máu được 2-3 giờ. Các bệnh nhân đã được hạ sốt, ngừng lọc máu, trong đó ba bệnh nhân hết triệu chứng sau khi ngừng lọc máu khoảng 20 - 30 phút, theo dõi không thấy các triệu chứng nặng nên đã được cho về. Ba bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, tụt huyết áp, khó thở nên đã được chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Đến sáng 31-7, hai bệnh nhận được Bệnh viện HNĐKNA đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai theo yêu cầu của người nhà và một người ở lại tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Hiện nay, ba bệnh nhân nặng đã ổn định. Bệnh viện đã tăng cường lực lượng trực tại khoa cấp cứu và nội thận cùng phương tiện để sẵn sàng cấp cứu khi các bệnh nhân ở nhà gọi đến có dấu hiệu bất thường… Do sự cố trên, nên 132 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện HNĐKNA đã được chuyển sang các bệnh viện khác ở TP Vinh để điều trị kịp thời.

Ngay sau khi xảy ra sự cố y khoa, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo trực tiếp các vấn đề liên quan theo quy định; Sở Y tế Nghệ An đã thành lập Hội đồng chuyên môn cùng với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quy trình chạy thận liên quan cũng như xét nghiệm các mẫu nước RO liên quan...

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai), ngay sau khi xảy ra sự cố y khoa, quy trình xử lý cấp cứu đối với bệnh nhân ở Bệnh viện HNĐKNA là đúng quy trình.

THÀNH CHÂU. Ảnh TƯ THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/41104702-su-co-chay-than-nhan-tao-o-nghe-an-do-he-thong-dan-nuoc-ro.html