Sự cố tàu Vietsun Integrity: Khẩn trương trục vớt, giảm thiệt hại cho DN

Tàu Vietsun Integrity chở 293 container chìm trên sông Lòng Tàu đang khiến nhiều doanh nghiệp 'lao đao' thiếu hàng do tắc luồng hàng hải Sài Gòn-Vũng Tàu. Lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông hàng hải trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu thiệt hại phát sinh do sự cố.

Công tác trục vớt đang được tiến hành khẩn trương. Ảnh: VGP/Phan Trang

Công tác trục vớt đang được tiến hành khẩn trương. Ảnh: VGP/Phan Trang

Xem xét phương án nạo vét khẩn cấp

Ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo về việc xử lý sự cố chìm tàu Vietsun Integrity, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và khẩn trương thực hiện Công điện số 1400/CĐ-TTg ngày 22/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành công tác trục vớt tàu và bảo đảm giao thông hàng hải trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu thiệt hại phát sinh do sự cố chìm tàu gây ra.

Ngày 7/11, Công ty cổ phần Việt Nhật đã trình phương án trục vớt tài sản chìm đắm (gồm tàu Vietsun Intergrity, các container hàng hóa trên tàu) và đã được Cảng vụ Hàng hải TPHCM phê duyệt với thời gian trục vớt hết container và kéo xác tàu ra khỏi luồng là 28 ngày, thời gian trục vớt và di dời xác tàu về vị trí an toàn là 45 ngày.

Báo cáo tại hiện trường, ngày 15/11, đơn vị thi công là Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Thái Bình Dương và Công ty TNHH Trục vớt cho biết, các đơn vị đang giải phóng các container từ tàu để có thể sớm di dời tàu ra biên luồng hàng hải, thông luồng Sài Gòn-Vũng Tàu.

“Sớm nhất là ngày 25/11 sẽ thông luồng. Căn cứ vào tình trạng, chúng tôi sẽ xoay chuyển và di dời con tàu sang biên luồng để mở lối cho tàu di chuyển. Trong trường hợp số container còn lại trong hầm (khoảng 180 container) quá nặng, đơn vị trục vớt sẽ tiến hành cẩu bớt rồi sử dụng bơm ballast để di dời tàu sang biên luồng. Chậm nhất là ngày 12/12 sẽ hoàn thành trục vớt tàu”, đại diện đơn vị trục vớt cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo, ngày 25/11 phải thông luồng một chiều hướng TPHCM ra phao số 0 của Vũng Tàu, việc trục vớt phải thực hiện khẩn trương và tiến hành giải phóng toàn bộ luồng sớm nhất là ngày 10/12 và chậm nhất trước ngày 15/12.

“Tuy nhiên, cần chú ý đến công tác an toàn, tránh tình trạng tàu chưa dịch chuyển xong lại gặp sự cố ngáng luồng”, Thứ trưởng yêu cầu. Về vấn đề môi trường, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết “sự cố tràn dầu đã được khắc phục hoàn toàn, sự cố không tác động đến môi trường”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, trong trường hợp đơn vị trục vớt không hoàn thành kịp tiến độ, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam, Hoa tiêu và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện song song thêm 2 giải pháp nhằm mục tiêu thông luồng sớm nhất.

Cụ thể, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính cho phép ứng kinh phí ngân sách để nạo vét khẩn cấp (đột xuất) đoạn luồng hàng hải Soài Rạp phục vụ điều tiết giao thông hàng hải. Chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả kinh phí nạo vét của Nhà nước đã ứng ra theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sử dụng kinh phí của doanh nghiệp tiến hành nạo vét khẩn cấp, mở rộng ngay tại vị trí tàu chìm (luồng Sài Gòn-Vũng Tàu) để kịp thời thông tàu.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tai nạn chìm tàu Vietsun Intergrity làm tắc luồng, tàu thuyền không thể lưu thông qua khu vực sông Lòng Tàu đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành khai thác của các tàu ra, vào khu vực, phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ngành hàng hải nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung của khu vực TPHCM và các vùng lân cận.

Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị của các hãng tàu lớn như: CMA-CGM, MAERSK; WANHAI đề nghị sớm trục vớt tàu Vietsun Intergrity và có phương án nạo vét luồng hàng hải Soài Rạp để phục vụ điều tiết giao thông hàng hải.

Tàu Vietsun Integrity chìm lật úp. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, chủ hàng

Nhận định sự cố chìm tàu ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, các doanh nghiệp vận chuyển vẫn đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc lấy hàng trực tiếp tại cảng Cái Mép-Thị Vải, các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, trình tờ kê khai hàng hóa,… dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng Cái Mép-Thị Vải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình, cũng như năng suất của doanh nghiệp sản xuất do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.

Hiện, Hiệp hội Logistics đang đề nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và các Công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển sà lan cùng tham gia vận chuyển giảm tải hàng hóa đối với các tàu phải giảm tải. Hiệp hội Logistics cũng đã vào cuộc, cùng với Cục Hàng hải Việt Nam gặp gỡ các đại diện hãng tàu để thông báo sự cố và tìm các giải pháp nhằm khắc phục sự cố.

Theo VLA, các hãng tàu, các doanh nghiệp giao nhận có lượng vận tải lớn, các chủ hàng tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai nên chủ động điều tiết lượng container có thể giao nhận trực tiếp tại cảng Cái Mép-Thị Vải hoặc trung chuyển về cảng Đồng Nai.

Được biết, để giải quyết khó khăn trước mắt, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có chính sách hỗ trợ chi phí phát sinh. Trong đó, hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng-Cái Mép và cảng Tân Cảng-Cái Mép-Thị Vải đã ký hợp đồng trước đó, giảm 26% nếu ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container.

Ngoài ra, cảng cũng hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng-Hiệp Phước và Cát Lái tùy theo trường hợp.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải TPHCM cũng như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, ngoài việc tập trung di dời tàu bị nạn ra khỏi luồng, cần có những giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị bị thiệt hại do tắc luồng; giải quyết hậu quả sự cố liên quan đến chủ hàng có container bị chìm trên tàu Vietsun Integrity trong thời gian sớm nhất.

Xử lý triệt để tình trạng mất an toàn container

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp vận tải container bằng đường biển phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp cảng biển, chủ hàng thực hiện kiểm tra chứng nhận và tình trạng an toàn container.

Các cảng vụ hàng hải phối hợp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành yêu cầu doanh nghiệp kê khai trọng lượng container và xếp hàng theo sơ đồ hàng hóa trên tàu để kiểm soát tải trọng, đảm bảo an toàn trong quá trình xếp dỡ container tại cảng biển và khi tàu hành trình trên biển.

Doanh nghiệp cảng biển phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết về kiểm soát tải trọng, tiếp tục chủ động triển khai Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải giao thông để nâng cao hiệu quả trong kiểm soát tải trọng ngay tại các đầu mối xếp hàng, phối hợp xử lý nghiêm hành vi vi phạm kích thước thành thùng, chở quá tải trọng cho phép và xử lý triệt để tình trạng mất an toàn container.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/su-co-tau-vietsun-integrity-khan-truong-truc-vot-giam-thiet-hai-cho-dn/380467.vgp