Sự cố y khoa ở BV Đức Thọ, Hà Tĩnh: 'Đừng chửi đồng nghiệp tuyến dưới ngu dốt nữa!'

Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh khiến trẻ sơ tử vong với vết đứt trên cổ, một số bác sĩ tuyến trên đã không ngần ngại chửi tuyến dưới gây bức xúc cho nhiều bác sĩ khác.

Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ nơi xảy ra vụ việc trẻ sơ sinh bị đứt cổ.

Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ nơi xảy ra vụ việc trẻ sơ sinh bị đứt cổ.

Vừa qua, sự cố Y khoa bệnh viện huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Chuyện sai đúng hiện tại các cơ quan chức năng đang điều tra, vấn đề này tôi không bàn, ai sai đâu người đó chịu. Nhưng, tôi đã đọc nhiều comment của các bài viết trên facebook trong đó, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong ngành thuộc tuyến tỉnh và tuyến trung ương chửi đồng nghiệp không còn ngôn từ nào thậm tệ hơn.

Đó là bệnh viện tuyến huyện, bây giờ tôi đưa các bạn đến thăm các trạm y tế tuyến xã. Một trạm y tế tuyến xã quản lý sức khỏe trung bình 9 nghìn dân, nhân lực y tế gồm 1-2 bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... Bác sĩ ở đây làm tất cả các chuyên khoa từ Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y học cổ truyền, phục hồi chức năng, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, siêu âm, xét nghiệm... Ngoài ra, họ đảm nhiệm phòng chống dịch bệnh, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Từ A-Z, họ làm tất.

Đấy, nếu các bạn ở tuyến trung ương hay tuyến tỉnh về làm việc độc lập tại trạm y tế xã khoảng một tháng xem. Tôi đồ rằng, bạn sẽ chẩn đoán và điều trị sai rất rất nhiều bệnh vì bạn làm tuyến tỉnh hoặc trung ương thì chỉ chuyên sâu một lĩnh vực chuyên khoa, bạn không thể bao quát hết được các vấn đề sức khỏe thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Phân cấp tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương là vậy. Mỗi nhân viên y tế ở mỗi cấp đảm nhiệm vai trò khác nhau.

Đó là những xã vùng đồng bằng, còn ở các xã thuộc miền núi xa xôi hẻo lánh, trạm y tế không có bác sĩ, có nơi chỉ một y sĩ hoặc một điều dưỡng. Họ khám chữa và phòng chống dịch bệnh như thế nào. Nếu có điều kiện bạn vi hành một chuyến xem sao, tôi cam đoan rằng bạn sẽ cảm phục họ ngay sau chuyến đi, chứ không phải bạn ngồi ở trên để chửi tuyến dưới ngu và dốt.

Có hôm tình cờ tôi ngồi nói chuyện với một ông bạn, ông này kể chuyện đi dự cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện. Trong phiên họp, cử tri chất vấn ông giám đốc bệnh viện huyện là tại sao để các bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn cao bỏ đi đến các bệnh viện lớn khác. Ông giám đốc trả lời: nếu bây giờ còn trẻ tôi cũng bỏ đi, bởi vì giữa lương, chế độ đãi ngộ và trách nhiệm nghề nghiệp quá mâu thuẫn nhau. Cả hội trường không ai nói thêm một từ nào kể cả bí thư, chủ tịch huyện.

Các bác sĩ trẻ ra trường không ai muốn về tuyến dưới. Đừng trách họ sao không cống hiến, hi sinh cho quê hương... tại sao phải cống hiến trong khi bạn bè cùng trang lứa ở tuyến tỉnh và trung ương hoặc các cơ sở tư nhân có nguồn thu nhập cao hơn, có nhiều cơ hội tiến thân và có nhiều tài sản vô hình khác. Vậy, ai sẽ làm ở tuyến xã, tuyến huyện?

Nhiều bệnh viện tuyến huyện, khoa sản chỉ có một bác sĩ, ông này trực bệnh viện xem như 30 ngày mỗi tháng. Bởi vì: đang ăn cơm, nửa đêm đang ngủ... bất cứ lúc nào chuông điện thoại reo lên là vội vàng lên đường đến bệnh viện xử lý những ca đẻ khó, mổ đẻ... Thử hỏi, thời gian đâu tái tạo sức lao động để làm việc, do đó dễ xảy ra sự cố y khoa.

Trong phân cấp trực tại một bệnh viện, bác sĩ trực lãnh đạo giải quyết mọi vấn đề chuyên môn cao nhất. Trực lãnh đạo thông thường là ban giám đốc và các bác sĩ trưởng khoa. Do vậy, bác sĩ chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt trực kiêm khoa sản như ở bệnh viện huyện Đức Thọ là chuyện phổ biến tất cả các bệnh viện tuyến huyện thiếu nhân lực.

Ông giám đốc bệnh viện huyện, giám đốc sở y tế không giải quyết được vấn đề nhân lực này mà phải cấp chiến lược cao hơn đó là Bộ Y tế và Chính phủ. Do vậy, các bạn tuyến trên bớt chửi tuyến dưới ngu và dốt đi.

BS. Trần Ánh Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/su-co-y-khoa-o-bv-duc-tho-ha-tinh-dung-chui-dong-nghiep-tuyen-duoi-ngu-dot-nua-post305414.info