Sự cộng hưởng giữa Chủ tịch HĐQT và CEO sẽ giúp doanh nghiệp lớn lên

Nói theo ngôn ngữ quản trị đó là sự tương đồng giữa hai người cùng hệ giá trị, có triết lý kinh doanh và văn hóa tương đồng cùng sự thấu hiểu giữa hai con người.

Ông Nguyễn Hoàng Văn, CEO Cua Ngon

Trên tất cả là sự phù hợp, nói theo ngôn ngữ quản trị đó là sự tương đồng giữa hai người cùng hệ giá trị, có triết lý kinh doanh và văn hóa tương đồng cùng sự thấu hiểu giữa hai con người.

Tôi thường nói vui với anh em doanh nhân, trong doanh nghiệp để làm tốt, nhân viên phải có nhân, quản lý phải có lý và lãnh đạo phải có đạo. “Nhân - lý - đạo” là vấn đề cốt lõi của một con người, của tổ chức, giúp tổ chức vận hành tốt hơn và phát triển bền vững.

Mỗi sáng tôi thường ngồi cafe một mình 30 phút, suy ngẫm lại những gì diễn ra ngày hôm qua, tự hỏi mình làm sao để công việc tốt hơn, Cua Ngon phát triển, vươn xa hơn, trở thành một chuỗi ẩm thực chuyên Cua hàng đầu Việt Nam?

Tôi biết không chỉ riêng tôi, mà hầu hết những người làm kinh doanh đều mong muốn doanh nghiệp của mình lớn lên từng ngày. Cái khác nhau giữa các doanh nhân ngoài khát vọng của bản thân là nguồn lực, triết lý kinh doanh, khả năng quản trị và điều hành doanh nghiệp.

Bởi thế mới có những doanh nghiệp suốt đời cứ lè tè chiến đấu để tồn tại, cũng có những doanh nghiệp phút chốc đã phát triển vượt bậc, thương hiệu vươn ra tầm quốc gia, thế giới.

Rồi tôi tự vấn mình về khả năng lãnh đạo trong việc quản trị và điều hành một doanh nghiệp mình? Tự hỏi mình: Mình có nên thuê một người về điều hành trực tiếp công ty hay không? Còn mình quay vào trong làm vai trò quản trị?

Tôi đã từng tiếp xúc nhiều chủ doanh nghiệp ở vị trí công việc tư vấn. Cũng từng đi làm CEO thuê, nhận thấy rất nhiều chủ doanh nghiệp nhầm lẫn hai vai trò này vì thế rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam công việc Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc thường dẫm chân lên nhau và gây ra những xung đột nhất định, đôi khi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc..

Vậy vai trò của hai vị trí này là gì?

Ai cũng biết Chủ tịch HĐQT và Giám đốc là những người lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp. HĐQT thực hiện việc quản trị, đặc biệt tập trung vào hoạch định chiến lược, còn Ban giám đốc thực hiện việc điều hành, thực hiện chiến lược. Để dễ hiểu hơn tôi gọi “quản trị” là công việc ở cấp HĐQT và “điều hành” là công tác quản lý và thực hiện chiến lược của ban Giám đốc và toàn thể bộ máy doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT là nhà quản trị thường phải là những người có tầm nhìn xa, người có khả năng dự báo trước những xu thế lớn. Họ là những nhà chiến lược trong doanh nghiệp trong khi Giám đốc – người điều hành là nhà chiến thuật. Những nhà quản trị phải xác định được tương lai, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp, còn người điều hành phải biết kết hợp các chi tiết để thực hiện những kế hoạch đã được xác định và đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT thường là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật, còn CEO là người chịu trách nhiệm cao nhất trước HĐQT và cổ đông, khách hàng.

Sự kết hợp giữa việc quản trị và điều hành doanh nghiệp

Thật ra nếu kỹ năng và kinh nghiệm của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc nếu bổ sung và tương hỗ cho nhau thì sẽ tạo nên hiệu quả hoạt động cao nhất. Ngược lại nếu xảy ra sự cạnh tranh về kiến thức và ảnh hưởng quyền lực giữa Chủ tịch HĐQT và Giám đốc, hậu quả sẽ rất khó lường.

Trên thực tế gần như 90% các doanh nghiệp Việt không có chiến lược rõ ràng, thường là những doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch không tập trung vào công việc chính của mình là quản trị, định hướng chiến lược mà can thiệp nhiều vào chuyện điều hành của CEO, thường tập trung vào việc quy trách nhiệm hoặc đánh giá những đóng góp của Giám đốc và thường được Ban điều hành xem là “rào cản”, là “kẻ thù lớn nhất” của công ty. Đôi khi biến giám đốc trở thành người hỗ trợ điều chứ không phải người chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành các hoạt động tại doanh nghiệp.

Ở mô hình lý tưởng, Chủ tịch HĐQT nên đóng vai trò phụng sự, là một đồng hành tin cậy của Giám đốc qua việc tư vấn, phản biện, định hướng, hỗ trợ Giám đốc hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là dấn dắt các thành viên độc lập cùng thực hiện nhiệm vụ của mình.

Để đạt được mô hình lý tưởng này khả năng lãnh đạo của chủ tịch HĐQT phải ở level cao nhất. Và doanh nghiệp đó sẽ phát triển một cánh nhanh chóng và nhiều doanh nhân như tôi luôn khát khao hướng đến mô hình lý tưởng này.

Làm sao để xây dựng mô hình lý tưởng giữa quản trị và điều hành

Để thành công cho doanh nghiệp, trách nhiệm lèo lái của người CEO là quan trọng nhất. Rất nhiều doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, khi mời được một CEO về có khi tác động tích cực ngay đến hiệu quả thực tế của doanh nghiệp.

Câu chuyện về Yun Jong – Yong một vị CEO của tập đoàn Sam Sung giai đoạn 1996 – 2008 . Quãng thời gian tại nhiệm của ông đã giúp Samsung chuyển mình từ một hãng chuyên sản xuất chip nhớ và các sản phẩm bắt chước thành nhà tiên phong trong lĩnh vực đồ điện tử và điện thoại di động công nghệ cao. Dưới sự điều hành của ông, giá trị cổ đông của Samsung đã tăng thêm 127 tỷ USD, và mức tăng lợi nhuận là 1.458%.

Vậy nếu bạn là Chủ Tịch một công ty… bạn có sẵn lòng nhỏ lại, làm người phụ lái, dẫn đường cho CEO vị thuyền trưởng có vai trò cực kì quan trọng liên quan đến sự sống còn phát triển của tổ chức? Nếu bạn đủ “ đạo” thì việc này sẽ không mấy khó khăn. Còn không .. sẽ luôn tồn tại những mâu thuẫn rình rập. Vì sâu khấu dành cho CEO luôn thử thách và đầy những trắc ẩn.

Nếu CEO là vị tướng thì người tướng tài luôn cần sự cảm thông, sự tin tưởng tuyệt đối của người chủ tướng - Chủ tịch HĐQT. Và ngược lại thì người lãnh đạo cũng cần sự cam kết, niềm đam mê, trách nhiệm và năng lực chuyên môn của người tướng mà họ đặt niềm tin vào đó.

Tuy nhiên, trên tất cả là sự phù hợp. Nói theo ngôn ngữ quản trị đó là sự tương đồng giữa hai người cùng hệ giá trị, có nghĩa có triết lý kinh doanh và văn hóa tương đồng cùng sự thấu hiểu giữa hai con người.

Tôi thường nói vui với cách anh em doanh nhân, trong doanh nghiệp để làm tốt, nhân viên phải có nhân, quản lý phải có lý và lãnh đạo phải có đạo. Tất nhiên “nhân- lý –đạo” là vấn đề cốt lõi của một con người, của tổ chức, giúp tổ chức vận hành tốt hơn và phát triển bền vững.

Và tôi luôn tìm kiếm những nhân tài có đủ nhân, vững lý, thích học dạo để đến một ngày áp dụng mô hình quản trị điều hành để doanh nghiệp mình phát triển bền vững.

- Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: Những vết nứt vô hình của hệ thống

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả:Nguyễn Hoàng Văn, CEO công ty sáng tạo Azprofle, MassS, Vnetcom, Cua Ngon Cà Mau

Nguyễn Hoàng Văn*

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/su-cong-huong-giua-chu-tich-hdqt-va-ceo-se-giup-doanh-nghiep-lon-len-1534473006827.htm