'Sự cực khổ của người dân đã thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời'

là chia sẻ của phóng viên Trần Vương của Báo Lao Động, đại diện cho nhóm tác giả đoạt Giải C - Giải Báo chí Tài nguyên - Môi trường lần thứ IV với tác phẩm: 'Bão ruồi tấn công người dân gần bãi rác Nam Sơn' (gồm 1 phóng sự, 1 phóng sự ảnh, 1 bài phản ánh và 1 thông tin kết quả xử lý từ chính quyền Hà Nội sau khi có thông tin báo chí phản ánh).

1. Khi giành được giải thưởng của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tác giả Trần Vương đã không giấu nổi niềm xúc động, tự hào và anh cho rằng đó là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm báo còn khá non trẻ của mình. Trần Vương sinh năm 1994, tại Thanh Hóa. Anh từng tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền rồi công tác tại Ban Bạn đọc Báo Lao Động từ năm 2015.

Nói về tác phẩm đoạt giải, bên cạnh niềm vui sướng, tác giả Trần Vương cũng mong muốn rằng bầu không khí sẽ trong lành hơn, cuộc sống người dân sẽ tốt đẹp hơn thay vì phải chịu những cực khổ như người dân lân cận khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã trải qua. Khi được hỏi về những điều muốn chia sẻ lúc này thì Trần Vương ngay lập tức đã gửi lời cảm ơn tới các anh chị biên tập viên, lãnh đạo Ban và Ban Biên tập Báo Lao Động đã luôn tạo điều kiện giúp đỡ anh cũng như nhiều đồng nghiệp trẻ của báo thực hiện được đam mê viết lách của mình. Với việc có những phóng viên (PV) trẻ đoạt giải lần này sẽ là tín hiệu đáng mừng cho sự tiếp nối truyền thống ở một tờ báo có bề dày thành tích đã trải qua 89 năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc.

Phóng viên trẻ Trần Vương đại diện nhóm tác giả nhận giải C - Giải Báo chí Tài nguyên - Môi trường lần thứ IV

2.Có thể nói Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) là một trong những lĩnh vực được xác định có nhiều vấn đề, va vấp vào nhiều khía cạnh của cuộc sống được dư luận và bạn đọc đặc biệt quan tâm. Nếu nói cả lĩnh vực TN-MT thì rất rộng. Tuy nhiên, trong câu chuyện của nhóm PV ở loạt tác phẩm mang tham dự giải đó là câu chuyện dân sinh mà ở đó người dân phải đối mặt trực tiếp với những khó khăn, vất vả và phải hứng chịu những hậu quả trực tiếp từ ô nhiễm môi trường gây ra.

Thông qua nhiều nguồn tin và các phương tiện thông tin đại chúng, nhóm PV đã được biết cuộc sống của người dân ở bãi rác Nam Sơn đang gặp nhiều khó khăn do chôn lấp rác thải không đúng quy cách, gây ô nhiễm nặng. Đặc biệt, thêm ảnh hưởng của yếu tố thời tiết nên ruồi muỗi tấn công nhà dân rất nhiều. Từ đó, nhóm PV đã cùng bắt tay ngay vào công việc tìm hiểu các câu chuyện liên quan, nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đồng thời, thông qua đó cũng là để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ như thế nào. Điều đó thôi thúc họ xâu chuỗi, phản ánh, ghi chép lại câu chuyện tại “điểm nóng” - bãi rác Nam Sơn.

Thực tế vào đến nơi người dân sinh sống mới thấy được sự khổ cực của người dân nơi đây như thế nào. Hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) ở gần Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn phải sống trong nỗi khiếp đảm là ruồi chi chít từ đầu ngõ đến trong nhà. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, từng bữa cơm, mọi người trong gia đình phải thay nhau đứng đuổi ruồi mới có thể dùng bữa được. Nhiều gia đình có trẻ con còn phải gửi đi nơi khác. Quá bức xúc trước việc này, người dân còn chặn chốt, không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.

Từ câu chuyện đó, Trần Vương và đồng nghiệp muốn lấy ví dụ để thấy được ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường ở những nơi khác đang đặt các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo cần phải có những phương án lâu dài hỗ trợ cho người dân. Có lẽ, khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của họ sẽ càng thấy thấm thía nỗi khổ sở là như thế nào.

3. Thực tế, quá trình khai thác thông tin, làm việc áp lực lớn nhất với nhóm tác giả loạt bài này có lẽ đó là vấn đề thời gian. Bởi làm nhật báo phải có thông tin nóng, nhưng phải có chiều sâu, có phân tích, lý lẽ dẫn chứng sắc nét. Tuy nhiên trong phần tiếp cận thông tin từ cơ quan chức năng nhiều khi còn vướng phải những thủ tục rườm rà. Mặt khác, nhóm phóng viên cũng đã rất nỗ lực để thông tin nhiều chiều nhất để những người có thẩm quyền có thể thấy được trách nhiệm của mình. Đó là áp lực không chỉ với cá nhân họ mà còn là trách nhiệm với bạn đọc. Họ ý thức được rằng phải lao động hết mình, bằng năng lực và sự cố gắng để những vấn đề bức xúc của người dân khi đưa ra cần phải được giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là cuộc sống của người dân tốt hơn, thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Những câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa của nó theo nhóm tác giả là không hề nhỏ.

Phóng viên Trần Vương

Về phần kết cấu bài vở, trong khả năng của mình, người làm báo đã phản ánh về việc này qua các thể loại khác nhau như: phóng sự, phóng sự ảnh, bài phản ánh, nhằm đem lại những thông tin trực quan, sinh động hơn cho bạn đọc. Và gần đây khi nhu cầu của công chúng không chỉ muốn được lĩnh hội thông tin mà còn được “mãn nhãn” với những bức ảnh đẹp cũng đã được nhóm PV hết sức lưu tâm.

Trong loạt tác phẩm đã có một chùm ảnh sắc nét, chân thực phản ánh rõ bản chất sự việc mà có thể nhiều từ ngữ không diễn đạt được hết. Nếu để ý ngay cái tít, Trần Vương và các đồng nghiệp đã sử dụng rất những cụm từ rất biểu cảm: “Khiếp sợ”, “Kinh hoàng” để nhấn mạnh vấn đề đang phản ánh là thực sự cấp bách. Tác phẩm với lời lẽ đanh thép, dẫn chứng cụ thể, rành mạch và được sắp xếp khá khoa học đã góp tiếng nói mạnh mẽ tới các cơ quan chức năng về một tình trạng đáng buồn ở khu vực cửa ngõ Thủ đô.

Rất may trước sự vào cuộc kịp thời của nhiều tờ báo trong đó có Báo Lao Động mà đến nay tình trạng ô nhiễm tại các xã xung quanh “đại bãi rác” Nam Sơn đã được cải thiện. Phía các cơ quan hữu trách đã có những biện pháp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của rác thải đến môi trường và cơ bản bà con đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế phù hợp./.

AV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/su-cuc-kho-cua-nguoi-dan-da-thoi-thuc-chung-toi-di-tim-cau-tra-loi-44549