Sự đổ vỡ của 'con người tinh thần'

Sự đánh mất niềm tin vào tình yêu hay rộng hơn là mất niềm tin vào những tình cảm thiêng liêng khiến con người hiện đại trở thành cái bóng của chính mình

Giữa một đô thị hoa lệ và hối hả như Tokyo, xác suất gặp lại người quen cũ cách đây 20 năm là bao nhiêu? Tsukiko chắc hẳn khi tình cờ bước vào quán ăn nhỏ ven đường không nghĩ rằng định mệnh của đời cô sẽ bước vào ngồi cạnh chỉ ít phút nữa. Tiểu thuyết "Chiếc cặp" (NXB Phụ nữ, 2019) của Hiromi Kawakami đã khởi sự như thế, như một sự ngẫu nhiên, hay một ngày các vì sao thẳng hàng và số phận của bạn rẽ sang một chương khác.

Còn nguyên tính thời sự

Tsukiko khi ấy đã ngấp nghé tuổi 40, không người yêu và bè bạn. Chị là điển hình cho nhiều người trẻ đang sinh sống và lập nghiệp ở những đô thị lớn, sinh trưởng trong một xã hội hãnh tiến, thừa mứa vật chất nhưng thiếu thốn tình thương. Họ vật vờ như những sinh thể cô độc, trôi dạt giữa đời cho hết ngày tháng. Mất hết mục đích sống, họ bấu víu vào những quan hệ thoáng qua tạm bợ.

Bìa sách “Chiếc cặp” do NXB Phụ nữ ấn hành

Bìa sách “Chiếc cặp” do NXB Phụ nữ ấn hành

"Chiếc cặp" xuất bản ở Nhật năm 2001 nhưng những gì đề cập vẫn còn thời sự đến hôm nay, nhất là ở một xã hội đang phát triển như Việt Nam. Sự đánh mất niềm tin vào tình yêu hay rộng hơn là sự đánh mất niềm tin vào những thứ tình cảm thiêng liêng khiến con người hiện đại ngày nay trở thành cái bóng của chính mình. Thời mà Kawakami miêu tả trong "Chiếc cặp" dẫu con người chưa bị tha hóa bởi công nghệ hay sự phát triển của mạng xã hội vẫn thể hiện rõ sự đổ vỡ của "con người tinh thần" không chịu nổi tốc lực lao đi kiếm tìm địa vị trong xã hội, tạo dựng sự nghiệp. Cho đến khi cảm thấy "ổn định", nhìn lại mình đã không còn trẻ trung nữa, quanh mình chẳng còn ai.

Dẫu những điều muốn nói đó có vẻ lớn lao, "Chiếc cặp" dưới ngòi bút của Kawakami nhẹ bổng trôi đi giữa những xúc cảm được khởi lên từ tốn giữa nữ chính Tsukiko với thầy giáo trung học cũ của mình. Dường như các tác giả người Nhật là chuyên gia trong việc sáng tạo những tình huống kỳ quặc. Độc giả Việt Nam đã lần lượt khám phá thứ văn phong nữ tính mà mạnh mẽ của những Banana Yoshimoto, Ekuni Kaori hay Yoko Ogawa, bây giờ là sự xuất hiện Hiromi Kawakami.

Kể bằng bút pháp lãng mạn

Các tác phẩm của Kawakami thường đề cập đến những vấn đề gần gũi với đời sống của những con người hiện đại, pha trộn một thứ văn xuôi thi vị để phản ánh hiện thực bất an của con người. Ở tiểu thuyết "Chiếc cặp", ta có thể thấy một cảm giác thường trực đeo đẳng các nhân vật, cảm giác dường như có mà cũng như không. Đó là thứ văn chương của sự tiết chế, nơi mà những cảm xúc cháy bổng được bao bọc bởi vẻ thản nhiên. Cả thứ tình cảm giữa nữ chính và người thầy cũ của mình cũng vậy, một thứ tình cảm "tình trong như đã mặt ngoài còn e", ta có thể xem nó là tình bạn, tình tri kỷ, hay tình yêu nam nữ đi chăng nữa cũng không làm mất đi cái vẻ tự nhiên vốn có của nó.

Hài hước, buồn bã, giận hờn, yêu thương… có muôn vàn cảm xúc được gói gọn trong cuốn thiểu thuyết ngắn tựa hồ một bài thơ, chuyển dịch giữa các mùa trên xứ Phù Tang, từ rượu sake đến bia lạnh, từ những nụ hoa mới chớm đến khi đóa anh đào nở rộ, cứ thế tăng dần theo những biến đổi trong tâm hồn của hai nhân vật chính. Một chuyện tình chênh lệch tuổi tác nhưng lại không khiến những cái đầu nghiêm túc nhất khó chịu.

Trong bản tiếng Anh, tiểu thuyết "Chiếc cặp" được đặt tên "Strange Weather in Tokyo" (Thời tiết kỳ quặc ở Tokyo) - cái tên nói lên vai trò của thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết này, một câu chuyện hiện đại được kể bằng bút pháp lãng mạn, phảng phất tinh thần của thơ waka, với cảm thức "mono no aware" - cảm thức bi ai trước cái đẹp phù du của cuộc đời vô thường. Những con người thế kỷ XXI vẫn hẹn nhau đi leo núi, cùng nhau ngắm hoa anh đào, bàn luận về các món ăn trong lúc nhấm rượu, đối thoại với nhau về cuộc đời với ngôn ngữ như thể đang hiện hữu trong một giấc mộng.

Tuy nhiên, cái tên "Strange Weather in Tokyo" lại không thể hiện hết cái cô đọng, hàm xúc của tác phẩm. "Chiếc cặp" như một kỷ vật tình yêu, chứa đựng trong ấy những hoài niệm của những ngày cùng nhau ngồi trong quán rượu. "Chiếc cặp" đồng thời cũng ngụ ý về một không gian bó hẹp, kín đáo, một tiểu vũ trụ nơi mà những linh hồn cô đơn lạc hướng tìm đến nhau. Nó không đơn thuần là một vật vô tri mà trở thành một thứ bi cảm trước cái vô định của cuộc sống hữu hạn. Chính vì cái hữu hạn ấy mà trong mỗi phút giây cuộc đời đều đáng quý, đáng trân trọng. Vì thế, bất chấp sự bình thản đầy cố ý của Hiromi Kawakami, "Chiếc cặp" vẫn trở nên ám ánh một cách dai dẳng.

Sinh năm 1958, sớm thành danh ở Nhật và quốc tế. Sức viết mạnh và đều đặn của Hiromi Kawakami cho ra đời các tác phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và cả tiểu luận. Sách của bà được dịch ra 15 ngôn ngữ khác nhau. Trong sự nghiệp của mình, Kawakami chiến thắng nhiều giải thưởng văn học, ngoài giải Akutagawa, bà còn giành giải Tanizaki (2001), được vinh danh bởi Bộ Giáo dục (2007), giành giải MEXT cho Nghệ thuật (2007), giải thưởng Yomiuri cho Văn học (2014) và nhiều giải thưởng khác.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/su-do-vo-cua-con-nguoi-tinh-than-20190524220742175.htm