Sư đoàn 341 - xứng danh đơn vị hai lần anh hùng

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng đã lùi xa (7-1-1979), nhưng những giá trị to lớn của cuộc chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa, biểu tượng cao đẹp của tinh thần láng giềng thủy chung, chí tình, chí nghĩa giữa Nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia sẽ còn mãi.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 thăm phòng truyền thống của Sư đoàn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta vừa kết thúc thắng lợi, đất nước chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui thống nhất đã phải đối mặt với kẻ thù đến từ biên giới Tây Nam. Ngày 3-5-1975, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc, tiếp đó là đảo Thổ Chu. Sau đó, các cuộc khiêu khích diễn ra trên toàn tuyến biên giới từ Hà Tiên (Kiên Giang), Tây Ninh đến Gia Lai, Kon Tum. Với chính sách “phá sạch, đốt sạch, giết sạch”, quân phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đã cướp của và tàn sát đồng bào ta hết sức dã man. Chỉ trong 2 năm 1977 và 1978, chúng đã xâm phạm biên giới của ta đến 200 lần.

Năm 1977, trong lúc đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, Sư đoàn 341 được lệnh tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Chỉ sau 1 ngày gấp rút chuẩn bị, trưa ngày 29-9-1977, đoàn xe 104 chiếc chở cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tiến về biên giới Tây Ninh. Ngay trong đêm 29-9, Sư đoàn 341 tổ chức hội nghị quân chính triển khai nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Sáng sớm ngày 2-10, trong trận đầu ra quân, Sư đoàn 341 đã cùng với các đơn vị bạn đánh bại Trung đoàn 182 và Sư đoàn 3 của địch, buộc chúng phải tháo chạy về bên kia biên giới. Sau khi rút chạy, gần 1 tháng sau, địch bất ngờ mở cuộc tiến công mới. Để hỗ trợ lực lượng địa phương tiêu diệt địch, Sư đoàn 341 được tăng cường quân số và vũ khí trang bị, tổ chức tấn công Ba Vét 1 và Ba Vét 2. Quân ta đã làm chủ trận địa hoàn toàn, thu hồi nhiều vũ khí các loại của địch.

Sau thất bại này, ngày 4-11, địch công khai tuyên bố tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và đánh vào Tây Ninh. Sau khi nắm được kế hoạch tấn công của địch, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ trên hướng tấn công chủ yếu, đồng thời phối hợp cùng với các đơn vị bạn hiệp đồng chặt chẽ, đánh bại các cuộc tiến công lớn của địch. Sáng ngày 6-12-1977, lệnh nổ súng được phát ra từ Sở chỉ huy, lập tức suốt dải biên giới phía Tây - Tây Nam tỉnh Tây Ninh, từ đường 13 đến đường 1 ầm ầm rung chuyển trong tiếng gầm của pháo. Trong ngày đầu chiến dịch, Sư đoàn 341 đã làm chủ hoàn toàn các mục tiêu trên 2 hướng là đường số 1 và đường 214. Cùng thời gian trên, các đơn vị bạn cũng đã làm chủ nhiều địa danh quan trọng trên biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và trên đất nước bạn Campuchia. Ngày 8-12, cuộc tiến công chớp nhoáng của Sư đoàn 341 vào Pra Sốt bắt đầu, đến 17 giờ 10 phút cùng ngày thì quân địch tại Pra Sốt hoàn toàn thất thủ.

Bị quân ta liên tục truy kích tiêu diệt, địch lùi về củng cố, tập hợp số tàn quân để tổ chức phản kích vào Pra Sốt, bởi chỉ có Pra Sốt chúng mới có bàn đạp để phản công. “Một cuộc lui quân” có kế hoạch của ta được tổ chức vừa bí mật, vừa rầm rộ diễn ra trên đường số 1 và Nam, Bắc đường 96. Trước hiện tượng ta “lui quân”, địch cho rằng “Việt Nam đang gặp khó khăn” nên chúng vội vàng lập sở chỉ huy chiến dịch và điều động lực lượng tổ chức phản công trên đường số 1. Nhận thấy địch đã mắc kế “điệu hổ ly sơn” của ta, ngay trong đêm 16-12-1977, quân ta tổ chức thành các mũi tiến công, sẵn sàng đột phá theo trục đường số 1. Với hành động nghi binh, tạo thế của Sư đoàn, quân địch rơi vào kế hoạch do ta giăng sẵn và Pra Sốt đã bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Trước sức tấn công bất ngờ, mạnh mẽ của quân ta, địch không kịp trở tay, đã nhanh chóng tan rã. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, Sư đoàn 341 tổ chức truy quét tàn quân địch trong vòng vây, tiếp tục loại khỏi vòng chiến đấu 371 tên địch, bắt 74 tên, thu hàng trăm khẩu súng các loại.

Năm 1978, bọn Pôn Pốt ráo riết, tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc chiến của ta và địch tái diễn nhiều lần, nhiều đợt. Trong đó, chiến thắng Năm Căn – Hòa Hội là đỉnh cao chiến thắng của Sư đoàn 341 trong 457 ngày đêm liên tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Để đi đến thắng lợi Năm Căn - Hòa Hội, Sư đoàn 341 đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, đánh 51 trận cấp Sư đoàn và Trung đoàn bằng hiệp đồng binh chủng và hiệp đồng quân chủng, ngoài ra còn hàng trăm trận đánh nhỏ cấp đại đội và tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 11.213 tên địch, bắt 1.768 tên, gọi hàng 676 tên, đánh bại 14 sư đoàn địch, diệt và làm tan rã 12 trung đoàn, 105 tiểu đoàn và đại đội, thu phá hủy một khối lượng phương tiện chiến tranh. Thắng lợi này đã góp phần đập tan cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn của bọn Pôn Pốt - Iêng Xari, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, giành thắng lợi oanh liệt, lập lại hòa bình trên biên giới Tây Nam Tổ quốc, dập tắt lò lửa chiến tranh rất nguy hiểm ở phía Tây Nam nước ta.

Trong 457 ngày đêm liên tục chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trên các chiến hào biên giới Tây Nam, nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 đã anh dũng hy sinh. Biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã sạch bóng quân thù trong khí thế rực lửa chiến thắng, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tiếp tục cùng với các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với lực lượng cách mạng, Nhân dân Campuchia mở các đợt tấn công vào sào huyệt cuối cùng lật đổ chế độ độc tài, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh ngày 7-1-1979. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng vẻ vang, bởi từ đây Nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Năm 1980, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam được lệnh rút về nước, trong đó có Sư đoàn 341. Trước khi lực lượng rời khỏi Campuchia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã gửi bức thư, trong đó có đoạn viết: “...Tổ quốc Campuchia sẽ mãi ghi vào sổ vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của mình những chiến công và hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, của Sư đoàn 341 nói riêng... Tên tuổi sư đoàn đã ăn sâu vào trái tim và lòng người Chùa Tháp. Năm tháng sẽ qua đi nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia và Nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ mãi tên tuổi của Sư đoàn...”.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, Sư đoàn đã có 3.161 liệt sĩ hy sinh, 9.354 thương binh đã để lại một phần xương máu nơi các chiến trường. Ghi nhận những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong 48 năm qua, Sư đoàn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó 2 lần được tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất và 1 Huân chương Áp-Xa-Ra hạng Nhất của Nhà nước CampuChia. Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, được khen thưởng, vinh danh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Những thành tích và kết quả trên đã góp phần làm cho hình ảnh và phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến tranh cũng như trong hòa bình mãi mãi tỏa sáng, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống “Trung thành vô hạn, kỷ luật nghiêm minh, quyết chiến quyết thắng” của Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/su-doan-341-xung-danh-don-vi-hai-lan-anh-hung/129711.htm