Sự đối lập tài năng giữa các cầu thủ và quan chức trong làng bóng Việt

Thế hệ mới của BĐVN được đào tạo từ những 'lò' tư nhân mà khởi đầu là HAGL, sau đó là những PVF, Viettel, Hà Nội. Những chàng trai trẻ này được trui rèn từ Giải bóng đá trong nước và quốc tế U.19, U.21 do báo Thanh Niên trước đây và Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên sau này tổ chức.

Niềm vui của các cầu thủ Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Khoảng cách hai nền bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam là rất xa. Tại sao?

Vì rằng đánh giá một nền bóng đá là dựa vào giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia, mà K-League vượt trội hơn V-League, nhiều câu lạc bộ Hàn Quốc vô địch các giải câu lạc bộ châu Á, còn các câu lạc bộ Việt Nam luôn bị loại sớm ở những đấu trường này. Với đội tuyển Hàn Quốc đã nhiều lần tham dự vòng chung kết World Cup, nhiều lần vô địch châu Á, nhiều lần đoạt huy chương vàng ASIAD trong khi Việt Nam mới duy nhất một lần vô địch Đông Nam Á vào năm 2008, chưa một lần lọt vào giai đoạn cuối của vòng loại World Cup khu vực châu Á.

Lướt qua như thế để thấy đội Olympic Việt Nam (OVN) có thua Olympic Hàn Quốc (OHQ) 1-3 ở trận bán kết ASIAD 2018 cũng là lẽ thường tình. Thậm chí ngay tại ASIAD có thể làm một phép so sánh để thấy sự chênh lệch về đẳng cấp của hai đội như sau: OHQ thắng giòn giã Olympic Bahrain 6-0 ở vòng bảng so với OVN thắng vất vả Bahrain 1-0 ở vòng 1/8 vào những phút cuối trận.

Thế nhưng, các chàng trai OVN có quyền ngẩng cao đầu khi OHQ đã tung đội hình mạnh nhất với 3 cầu thủ trong đó có cả thủ môn trong trận thắng Đức 2-0 tại World Cup 2018 mới đây tại Nga. Những cầu thủ còn lại của OHQ từng thi đấu ở Olympic 2016, và khoác áo cho các đội bóng ở Anh, ở Ý... cũng như các câu lạc bộ hàng đầu Hàn Quốc.

Điểm qua các chi tiết này để thấy, OHQ rất tôn trọng OVN, và đây là sự khác biệt rất lớn khi không chỉ HQ mà các nền bóng đá hàng đầu còn lại của châu Á giờ đây không một ai đánh giá thấp bóng đá Việt Nam.

Buộc cả châu Á phải thay đổi cách nhìn, công đầu thuộc về thế hệ mới của BĐVN hôm nay. Đó là những chàng trai trên dưới 20 tuổi từng vào vòng chung kết U.20 World Cup 2017 và sau đó là á quân Giải U.23 châu Á 2018 hồi đầu năm và giờ đây là vào bán kết ASIAD 2018.

Thật ra những chiến tích vang dội ở Giải U.23 châu Á cũng như là tại ASIAD 2018 chưa phản ánh đúng vị trí thực của BĐVN trên bản đồ châu Á. Do đó dù thắng hay thua trong trận tranh huy chương đồng với đội Olympic UAE vào chiều 1.9, thì thành tích vào đến bán kết ASIAD của OVN đã quá xuất sắc và vượt ngoài mong đợi của người hâm mộ khi mà ai cũng biết thực trạng của nền BĐVN.

Thực trạng đó như thế nào?

Một hệ thống bóng đá không giống ai trên thế giới: V-League có 14 đội, trong đó bị chi phối bởi một người có tiếng nói quyết định ít nhất đến 4 đội. Trong khi đó ở giải thấp hơn là Hạng Nhất chỉ có 10 đội. Đó là chưa nói đến lãnh đạo VFF đã thừa nhận với Chính phủ là V-League vẫn còn hiện thượng móc ngoặc, nhường điểm; nạn bạo lực vẫn còn... và trọng tài vẫn tiêu cực! Bộ máy thượng tầng VFF thì mất đoàn két, đấu đá tranh giành quyền lực, tạo lợi ích nhóm. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì bệnh hơn 3 năm qua đã giao quyền điều hành cho Phó chủ tịch chuyên môn kiêm thường trực VFF Trần Quốc Tuấn. Nhưng năng lực của ông Tuấn thế nào thì ai cũng biết, đã vậy còn sai phạm nghiêm trọng trong sinh hoạt, quản lý công tác Đảng. Ban lãnh đạo VPF thì lãnh đạo cao nhất là ông Trần Anh Tú ôm đồm quá nhiều chức vụ, đồng thời Phó chủ tịch hội đồng quản trị Trần Mạnh Hùng thì cư xử như giới xã hội đen khi đe dọa Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền ngay trong cuộc họp có lãnh đạo của VFF, VPF và Ban trọng tài quốc gia.

Trong lịch sử BĐVN, chưa bao giờ người hâm mộ biết quá rõ những thâm cung bí sử của VFF như lúc này. Tệ hại nhất là chuyện quan chức Tổng cục TDTT và VFF đã im lặng mà ngồi không “ăn quả”. Vì thế hệ mới của BĐVN được đào tạo từ những “lò” tư nhân mà khởi đầu là HAGL, sau đó là những PVF, Viettel, Hà Nội. Những chàng trai trẻ này được trui rèn từ Giải bóng đá trong nước và quốc tế U.19, U.21 do báo Thanh Niên trước đây và Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên sau này tổ chức.

Sẽ thiếu sót lớn nếu không nhắc HLV Park Hang-seo đến với BĐVN là do công sức và tiền bạc của bầu Đức.

Và cũng rất là thiếu sót nếu không nhấn mạnh: Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam được thành lập 12 năm qua (25.8.2006 - 25.8.2018) không đào tạo được một cầu thủ nào chất lượng dù tiêu tốn rất nhiều tiền của Nhà nước và FIFA cũng như Nhà nước đã cấp đất để xây dựng Trung tâm.

Bê bối hơn cả là những gì diễn ra trong quá trình chuẩn bị tiến hành Đại hội VFF Khóa 8 từ đầu năm 2018 đến nay. Cũng chính vì thế mà người dân Việt biết tất tần tật những gì xấu xa nhất ở thượng tầng VFF.

Đó là lý do vì sao người hâm mộ rất âu lo khi hướng về Đại hội VFF Khóa 8. Họ không chấp nhận sự đối lập tài năng giữa lãnh đạo VFF với cầu thủ. Do đó họ có quyền đòi hỏi “Bộ máy lãnh đạo mới” phải xứng tầm với “Thế hệ mới” của BĐVN, để từ đó có thể biến “Hiện tượng U.23”, “Hiện tượng ASIAD” thành “Hiệu ứng U.23”, “Hiệu ứng ASIAD” giúp BĐVN cất cánh bay cao, bay xa!

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-thao-c-71/nhan-vat-su-kien-c-118/su-doi-lap-tai-nang-giua-cac-cau-thu-va-quan-chuc-trong-lang-bong-viet-95622.html