Sử dụng công nghệ uốn cong tạo không gian đa chiều trong nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Aydin Buyuktas (Thổ Nhĩ Kỳ) nổi tiếng khắp thế giới nhờ ý tưởng sử dụng nghệ thuật nhiếp ảnh để tái tạo hình ảnh từ trí tưởng tượng của bản thân. Aydin Buyuktas chụp cảnh quan thành phố từ trên cao, sau đó sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa để uốn cong các góc có khoảng trời rộng, tạo ra những bức ảnh đa chiều giống như những hình ảnh trong bộ phim bom tấn 'Inception' của đạo diễn Christopher Nolan.

Bộ sưu tập "Flatlands" của anh bao gồm những hình ảnh siêu thực được tạo ra bởi kỹ thuật ảnh số để điều chỉnh cảm giác về thời gian và không gian của người xem. "Những bức ảnh này cho thấy thực tế cuộc sống của chúng ta, nếu nhìn theo góc độ khác, sẽ đầy tính nghệ thuật và có chút gì đó siêu thực. Buyuktas cho biết: "Tôi muốn mang đến người xem trải nghiệm đa chiều".

Ảnh tác giả Buyuktas

Định cư tại Istanbul từ năm 2002, trong bộ sưu tập ảnh của Buyuktas có nhiều địa danh mang tính biểu tượng của thành phố như chợ Grand Bazaar và Cầu Galata. Nhưng không giống các cảnh quay thông thường, những hình ảnh được kết hợp với nhau theo bố cục sáng tạo và kích thích thị giác người xem.

Để tạo ra hình ảnh, Buyuktas chụp từng vị trí từ nhiều góc độ khác nhau với mục tiêu giả. Sau đó, anh sử dụng các hình ảnh in để thể hiện ảo giác về cảnh quan được uốn cong và gấp lại, cuối cùng ghép chúng lại với nhau bằng Photoshop.

Buyuktas nói: "Tôi bắt đầu chụp những cảnh vật xung quanh khi đến sống ở Istanbul. Tôi muốn thể hiện các địa điểm quen thuộc qua không gian ba chiều". Chẳng hạn: trong ảnh "Trạm xe buýt", trung tâm giao thông nhộn nhịp của Istanbul được uốn cong vào bầu trời, thách thức điểm nhìn của người xem. Chiếc xe bus như không có trọng lực khi lướt nhanh trên con đường quanh co, gấp khúc. Trong bức ảnh có tên "Ambarlar" (kho bãi), các thùng hàng và kho được xếp chồng lên nhau, xuất hiện giống như đường ray của tàu lượn sắp lao xuống.

Những bức ảnh từ bộ sưu tập “Flatland”

Được đào tạo chuyên ngành hiệu ứng hình ảnh, Buyuktas cho biết: Triết lý nhiếp ảnh của anh được lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Khi còn là đứa trẻ, anh đã đọc ngấu nghiến sách của các nhà văn như Isaac Asimov và H. G. Wells và bị cuốn hút bởi các khái niệm như wormhole (lỗ sâu), đa vũ trụ, khái niệm về không gian và thời gian bị uốn cong.

Ngoài ra, Buyuktas cũng nói rằng: Hình ảnh mục tiêu giả bị biến dạng của anh chịu ảnh hưởng từ những ý tưởng của nhà thần học Edwin Abbot, tác giả cuốn tiểu thuyết châm biếm "Flatland: A Romance of Many Dimensions". Cuốn sách này viết về sự khác biệt giữa thế giới hai và ba chiều đầy những nhân vật hình học như: hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình cầu...

Thời gian đầu, bộ sưu tập Flatlands được thực hiện ở Istanbul. Gần đây, anh đã áp dụng kỹ thuật tương tự để tái hiện cảnh quan nông thôn Mỹ ở các bang Arizona, New Mexico, California và Texas. Trong suốt một tháng, Buyuktas đã đi khắp nước Mỹ (khoảng 15.000 dặm) để có thể nắm bắt những sắc màu rực rỡ của đường sắt trên sa mạc, nghĩa trang và đất nông nghiệp khô cằn.

Ảnh trong bộ sưu tập Flatland

Tương tự ở Istanbul, Buyuktas đã xin giấy phép hình ảnh từ chính quyền và thông qua ý kiến của chủ đất trước khi chụp. Ngoài việc khó khăn trong việc thuyết phục các chủ đất tham gia vào dự án của mình, việc chụp ảnh thỉnh thoảng cũng sẽ bị gián đoạn bởi những động vật hoang dã đi lại trên đường: như: chim và chó...

Nhiều truyền thuyết cho rằng: Chiều không gian thứ 4 là nơi các linh hồn cư ngụ, nơi chúng không còn chịu tác động bởi bất cứ quy luật vật lý nào. Những bức ảnh của Buyuktas đã gợi mở cho người xem về thế giới khác lạ và gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta. Ngoài Buyuktas, nghệ sĩ nhiếp ảnh Erik Johansson cũng nổi tiếng với các bức ảnh thể hiện không gian đa chiều. Erik Johansson cũng được coi là bậc thầy trong lĩnh vực photoshop của thế giới.

Những bức ảnh do Erik Johansson Photoshop

Thanh Lam

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/su-dung-cong-nghe-uon-cong-tao-khong-gian-da-chieu-trong-nhiep-anh-82053.html