Sử dụng đất công để khám chữa bệnh theo yêu cầu: Các bệnh viện phải làm gì?

Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay khi các bệnh viện tự chủ, việc sử dụng đất công để khám chữa theo yêu cầu sẽ theo quy định thuê đất như luật quy định.

Bộ Y tế giải đáp về việc gói khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Đề án và có thuê, khoán

Việc mở rộng xã hội hóa, tự chủ bệnh viện giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để y tế phát triển. Ông Liên cho biết, phải "cởi trói" thì ở Việt Nam mới có thể xây dựng thành các bệnh viện 5 sao như ở các nước trong khu vực.

Khi tự chủ, xã hội hóa nhiều người lên tiếng rằng việc tính toán sử dụng cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư trang bị như thế nào.

Việc sử dụng này đã được đề cập và bàn tính rất kỹ. Các bệnh viện thực hiện đề án này phải gửi đề án rất cụ thể sử dụng bao nhiêu phòng ốc, bao nhiêu thiết bị, nhân lực như thế nào chứ không phải cứ đưa các cơ sở vật chất nhà nước đầu tư vào sử dụng coi như khoản thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Điều này được thể hiện cụ thể, có thuê, có sử dụng khấu hao tính toán đầy đủ và tái đầu tư trở lại.

Luật quản lý, sử dụng tài sản công (trước đây là Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước), Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ có quy định các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, dịch vụ trong một số trường hợp như: chưa sử dụng hết công suất, sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết có hiệu quả hơn.

Nhiều bệnh viện xây dựng các khu nhà điều trị, nhà khám bệnh theo yêu cầu trên đất công bằng hình thức xã hội hóa hoặc bệnh viện tự đứng ra vay để xây dựng cũng tính toán tiền thuê đất như thế nào để trả lại cho nhà nước chứ không phải là sử dụng miễn phí như nhiều người đang hiểu.

Bộ Y tế thường xuyên có các đoàn thanh kiểm tra đảm bảo nguồn vốn xây dựng phải tự đi vay vốn và chỉ được sử dụng các phần diện tích được giao khi đã thực hiện được các nhiệm vụ nhà nước giao như khám bệnh bảo hiểm y tế, không nằm ghép giường…

Khi thực hiện theo yêu cầu, cần phải thông báo cụ thể cho người dân để lựa chọn. Ông Nam chia sẻ: “Vừa rồi có nhiều ý kiến lo lắng các bệnh viện có tận thu không? Theo tôi là không vì người bệnh được lựa chọn, muốn tổ chức theo yêu cầu được thì phải đầu tư liên doanh liên kết. Các bệnh viện có thể đi thuê bên ngoài để mở dịch vụ và có tính chi phí hoạt động”.

Người bệnh được lợi

Khi thực hiện việc xã hội hóa, hợp tác công tư các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Mặt khác, hiện nay rất nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại.

Bộ Y tế sắp tới sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe điều này giúp tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư các bệnh viện, khu điều trị khang trang, hiện đại, chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ cao để phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có điều kiện thu nhập cao, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh ở nước ta. Góp phần phát triển các loại hình bảo hiểm y tế - sức khỏe thương mại; các gói bảo hiểm y tế bổ sung.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/su-dung-dat-cong-de-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-cac-benh-vien-phai-lam-gi-post309355.info