Sử dụng đồ nhựa tiện dụng: Dùng 1 lần, hại cả đời

Các nhà khoa học đã phát hiện có nhiều loại hạt vi nhựa khác nhau trong đồ nhựa chỉ dùng 1 lần.

Đồ nhựa dùng một lần, chắc hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Đây là một trong những món đồ được nhiều bà nội trợ và hàng quán tin dùng bởi sự nhanh chóng, tiện lợn và hơn hết là rẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học của trường ĐH Y khoa Vienne (Áo) đã phát hiện có nhiều loại hạt vi nhựa khác nhau trong chất thải của con người. Con người chúng ta ăn các loại hạt vi nhựa từ đồ hải sản, khói bụi, bao bì thực phẩm hoặc chai nhựa...

Người dùng vô tư tái sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Sử dụng đồ nhựa 1 lần có nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể

Sử dụng đồ nhựa 1 lần có nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể

Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng và giá cả phải chăng… đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Ngày nay, đây là món đồ không thể thiếu tại cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại.

Tràn lan bày bán đồ nhựa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tại chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau. Những sản phẩm này có giá khá rẻ: hộp đựng cơm, đồ ăn có giá 25.000 - 30.000 đồng/100 chiếc; thìa, chén, đĩa có giá từ 200 - 300 đồng/chiếc, ống hút nhựa giá 2.000 - 3.000 đồng/túi 50 chiếc.

Tuy nhiên, ngoài lời giới thiệu của người bán thì các sản phẩm này phần lớn không có thông tin gì về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn...

Hậu quả của việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần đến môi trường và sức khỏe

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần đây, với khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Hộp xốp đang lưu hành chủ yếu trên thị trường được sản xuất từ polystyrene, trọng lượng siêu nhẹ vì không khí chiếm 95%, polystyrene chỉ chiếm 5%

Cục An toàn thực phẩm cũng từng khuyến cáo không nên sử dụng hộp xốp đựng thức ăn, đồ uống nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, salad và đồ uống vừa nóng vừa chua như trà chanh, do nhiệt độ cao kết hợp với hàm lượng acid cao làm tăng nguy cơ thôi nhiễm styrene (hóa chất sử dụng để sản xuất vật liệu làm nên hộp xốp). Hộp xốp chỉ sử dụng một lần, nếu đựng thức ăn thì nên để nguội mới cho vào hộp.

Người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi và trong 93% mẫu nước uống đóng chai. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.

Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018: mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; đã và đang trở thành thách thức lớn đối với môi trường.

Thanh Thùy

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/su-dung-do-nhua-tien-dung-dung-1-lan-hai-ca-doi-n14248.html