Sử dụng đúng thuốc chống viêm trong điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính, do rối loạn tự miễn trong cơ thể. Việc sử dụng các thuốc chống viêm là một phần không thể thiếu trong điều trị, nhưng cần sử dụng đúng để phát huy tác dụng chính và giảm tác dụng phụ của thuốc...

1. Cách phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp

Nội dung

1. Cách phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp
2. Các thuốc chống viêm
2.1. Thuốc chống viêm corticoid
2.2. Thuốc chống viêm không steroid

Viêm khớp dạng thấp cần phải được xác định sớm bởi bác sĩ chuyên khoa qua khám bệnh và kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng.

Các triệu chứng nhận biết:

Cứng khớp

Khớp sưng

Nóng đỏ da vùng khớ
Đau khớp...

Một số triệu chứng toàn thân:

Mệt mỏi
Suy nhược
Chán ăn
Sụt cân
Đau nhức mỏi cơ toàn thân...

Khi có các dấu hiệu này người bệnh cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp.

Các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp.

Thông thường, viêm khớp dạng thấp khởi phát sưng đau đối xứng cả 2 bên khớp cùng một thời điểm. Các khớp bàn tay, ngón tay thường xuất hiện sớm. Sau khi được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, người bệnh không nên chủ quan (dù các triệu chứng ban đầu chưa nặng nề) chần chừ điều trị hoặc tìm đến các biện pháp điều trị chưa được y khoa công nhận mà cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Nếu không điều trị sớm, bệnh không chỉ làm viêm đau ngón tay, ngón chân mà còn có thể ảnh hưởng tới tất cả các khớp trên cơ thể. Khi bệnh trở nên nặng hơn thì có thể gây phá hủy khớp vĩnh viễn và còn có thể gây tổn thương cho các cơ quan khác ngoài khớp như tim, phổi và mắt…

2. Các thuốc chống viêm

Với bệnh viêm khớp dạng thấp, một phần trong kế hoạch điều trị bệnh là sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau, làm chậm tổn thương khớp...Tuy nhiên cần phải lưu ý và sử dụng thuốc phù hợp để phát huy tối đa tác dụng và giảm thiểu tác dụng phụ những ảnh hưởng xấu không mong muốn từ những loại thuốc này. Các thuốc thường được sử dụng để chống viêm giảm đau trong viêm khớp dạng thấp là corticoid và kháng viêm không steroid.

2.1. Thuốc chống viêm corticoid

Một số corticoid thường được sử dụng trong viêm khớp dạng thấp như: Dexamethasone, methylprednisolone, prednisolone...

Những loại thuốc này có các dạng bào chế viên uống hoặc dạng tiêm với nhiều tên biệt dược khác nhau. Tùy vào từng trường hợp của bệnh nhân, mức độ bệnh và thời gian điều trị mà bác sĩ sẽ kê thuốc, liều dùng và dạng thuốc phù hợp.

Các khớp ngón tay bị tổn thương do viêm khớp dạng thấp.

Là thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng corticoid cũng mang lại nhiều tác dụng không mong muốn: Kích ứng gây viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa; người bệnh dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng tim mạch, gây tăng huyết áp, tổn thương thận; kéo dài thời gian chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết; tăng cân; khó ngủ...

Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường phải sử dụng corticoid trong thời gian dài, tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy trong quá trình điều trị, bác sĩ thường kê đơn cho bệnh nhân liều thấp nhất có hiệu quả để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra cần dùng thêm thuốc ức chế bơm proton như omeprazole để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của thuốc; bổ sung canxi và vitamin D để dự phòng loãng xương.

Khi dùng corticoid trong thời gian dài, nếu dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính. Đây là một biến chứng hết sức nguy hiểm với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… Vì vậy, bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc đột ngột, cần giảm liều từng bước theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Thuốc chống viêm không steroid

Đây là nhóm thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Thành phần của nhóm này bao gồm các thuốc có hoạt tính chống viêm và không chứa nhân steroid (khác với nhóm kháng viêm corticoid). Các thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng viêm, đau ở khớp, nhưng không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm nên không làm thay đổi được tiến triển của quá trình bệnh lý chính.

Thuốc được chia thành 2 nhóm chính là:

- Nhóm ức chế COX không chọn lọc như: Ibuprofen, diclofenac... Nhược điểm của nhóm này là có tác dụng phụ đến tiêu hóa như viêm, loét, thủng dạ dày tá tràng, ruột non...

- Nhóm ức chế chọn lọc COX-2 như: Meloxicam, celecoxib, etoricoxib... Các thuốc nhóm này không gây tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa, nhưng lại cần thận trọng với người bệnh tim mạch.

Do mỗi nhóm thuốc đều có những tác dụng không mong muốn nên việc sử dụng nhóm thuốc nào phải do bác sĩ sau khi khám bệnh mới có chỉ định cụ thể cho từng người bệnh.

Tuy nhiên, dù được chỉ định loại thuốc nào, bệnh nhân cũng chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất có thể, dùng đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc; không dùng thuốc của lần trước kê đơn cho lần sau bệnh tái phát.

Thuốc cũng gây ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa, gây viêm loét và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa; ảnh hưởng trên gan, thận… Những bệnh nhân có tiền sử bệnh ở gan, thận, dạ dày, tim mạch… rất thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.

Trong quá trình dùng thuốc, nếu xuất hiện các triệu chứng: Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu); xuất huyết tiêu hóa, nhức đầu, phát ban, phù, chóng mặt… cần ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

ThS.Trần Đăng Khoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//su-dung-dung-thuoc-chong-viem-trong-dieu-tri-viem-khop-dang-thap-169220418112930373.htm