Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển toàn diện

Trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 14.9.2005 của Bộ Chính trị Khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nêu 11 kết quả cụ thể, trong đó chỉ rõ, sau 17 năm thực hiện, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TƯ và đã đạt được những kết quả quan trọng.

GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,15 lần mức tăng chung cả nước

Theo đó, kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô GRDP năm 2021 theo giá hiện hành đạt 1,067 triệu tỷ đồng, gấp 3,9 lần năm 2008, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng đồng bằng sông Hồng và 17,7% tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 120,3 triệu đồng/người năm 2019 lên 128,2 triệu đồng/người năm 2021 (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước và 1,2 lần so với bình quân vùng). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,0% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2021 đạt 411.261 tỷ đồng (bằng 40,8% so với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội vùng, bằng 13,8% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cả nước). Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút mới khoảng 4.500 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 32,7 tỷ USD. Hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 326.000 đơn vị.

Về phát triển văn hóa - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đến nay, tỷ lệ trường công lập chuẩn quốc gia đạt 76,9%. Về y tế, thành phố đã đạt tỷ lệ 13,7 bác sĩ/vạn dân và 27,5 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2021 là 91,8%.

Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế, nguyên nhân cùng quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố cũng nêu 5 nhóm kiến nghị, đề xuất với Trung ương, trong đó kiến nghị Trung ương ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54-NQ/TƯ.

Cần thiết phải ban hành nghị quyết mới

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã triển khai nhiều chủ trương, đề án, dự án lớn nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng, đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng trong những năm tiếp theo, tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy cho rằng, để tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TƯ, cần sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt quy hoạch vùng sẽ làm cơ sở để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương xây dựng thể chế liên kết vùng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21.4.2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế điều hành tập trung để tăng cường sự phối hợp trong triển khai tổ chức thực hiện các vấn đề của vùng và liên vùng; đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng các cơ chế, đề án, dự án tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54-NQ/TƯ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Nghị quyết mới nếu được ban hành, sẽ cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là cơ sở chính trị quan trọng cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-de-thu-do-phat-trien-toan-dien-i295566/