Sử dụng hiệu quả đất trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng (Kỳ 1)

Ðồng bằng sông Hồng vốn là vựa lúa trù phú của cả nước, nhưng nhiều năm trở lại đây, xu hướng nông dân bỏ ruộng ngày càng phổ biến tại các làng quê. Trong khi đó, việc tích tụ ruộng đất để hướng đến sản xuất lớn lại vấp phải quá nhiều rào cản. Tìm giải pháp sử dụng hiệu quả đất lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang là vấn đề cần giải quyết rốt ráo để nông dân có thể làm giàu trên chính quê hương mình.

Khu đất ruộng bỏ hoang tại thôn Mỹ, xã Mỹ Thắng (huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh).

Bài 1: Những cánh đồng hoang

Tại các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng hiện có hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang. Chủ nhân của những cánh đồng ấy hoặc đi làm ăn xa, hoặc chuyển đổi nghề trên chính quê hương mình, nhưng cùng một điểm chung là họ không còn mặn mà với cây lúa…

Nhà nông bỏ ruộng

Thời gian gần đây, tỉnh Nam Ðịnh trở thành điểm nóng về tình trạng nông dân bỏ ruộng với hàng nghìn héc-ta. Mặc dù chính quyền địa phương đã quyết liệt vận động, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân nhằm hạn chế tình trạng này nhưng vẫn không đem lại kết quả như mong muốn. Qua thống kê, cả hai vụ sản xuất lúa năm 2017, toàn tỉnh có 2.063 ha ruộng bỏ hoang, không canh tác, trong đó vụ xuân 922,73 ha và vụ mùa hơn 1,14 nghìn ha. Ðến vụ xuân 2018, Nam Ðịnh có 110 xã, thị trấn ở chín huyện, thành phố có tình trạng nông dân bỏ ruộng với diện tích hơn 1.000 ha, tăng 134,34 ha so với cùng kỳ năm 2017.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Ðịnh Ðỗ Hải Ðiền cho biết: Mặc dù các địa phương đã tích cực vận động nhân dân gieo cấy, giảm giá thuê ruộng, hỗ trợ kinh phí cày bừa, đầu tư nâng cấp giao thông nội đồng… nhưng cứ khắc phục được chỗ này thì lại phát sinh chỗ khác cho nên vẫn chưa giảm được diện tích ruộng không gieo trồng.

Không riêng ở Nam Ðịnh, tại tỉnh Hải Dương, tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh có hơn 156 ha ở 41 xã bị bỏ hoang hoặc trả ruộng thì vụ xuân 2017 đã tăng lên 218 ha tại 58 xã. Ðến vụ xuân 2018, đã có 2.830 hộ bỏ ruộng, trả ruộng với diện tích lên tới 237 ha (chiếm 0,39% diện tích gieo cấy) ở 68 xã thuộc tám huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, các huyện có diện tích đất bỏ hoang hóa nhiều như Tứ Kỳ 65,1 ha, Gia Lộc 59 ha, Kim Thành 33,8 ha, Cẩm Giàng 29,5 ha… Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, từ nay đến hết năm 2020, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ còn gia tăng.

Tại Thái Bình, một trong những vùng lúa trù phú nhất của đồng bằng sông Hồng, vụ xuân 2018, toàn tỉnh có hơn 490 ha đất bỏ hoang, trong đó huyện Quỳnh Phụ có 117 ha, Kiến Xương 106 ha, Ðông Hưng 90 ha, Thái Thụy 85,7 ha.

Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng thì có nhiều, nhưng thứ nhất, là một số diện tích bỏ hoang là đất lúa ở những vùng trũng, xấu, xa khu dân cư, đồng thời khó chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Thứ hai, là hiệu quả kinh tế từ trồng lúa rất thấp so với nhiều loại cây trồng khác hoặc các ngành nghề khác hiện có tại địa phương. Chị Trần Thị Ðiền (thôn Sắc, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh) tính chi tiết: Một sào ruộng Bắc Bộ sản xuất một vụ trong vài tháng nếu được mùa, được giá, thời tiết thuận lợi, không bị ảnh hưởng sâu, bệnh thì sau khi trừ hết chi phí cũng chỉ đạt mức lợi nhuận vài trăm nghìn đồng. Số tiền này đem chia ra thì một lao động nông thôn thuần nông cấy lúa mỗi tháng chỉ có lãi gần 100 nghìn đồng. Còn nếu bị ảnh hưởng do thiên tai, sâu, bệnh khiến năng suất giảm thì chỉ hòa vốn, thậm chí còn thua lỗ. Trong khi đó, cũng là những lao động này nếu đi làm việc trong các công ty, cơ sở sản xuất sẽ có mức thu nhập từ 4,5 đến năm triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, gia đình tôi chỉ duy trì diện tích trồng cấy lấy gạo đủ ăn, còn lại để cho cỏ mọc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Phú phân tích: Hiện nay, bình quân chung mỗi nhân khẩu tại Hải Dương có khoảng 600 m2 đất sản xuất nông nghiệp. Ở nhiều nơi, nếu sản xuất cả ba vụ/năm (trong đó có vụ đông) thì hiệu quả khá cao, có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Nhưng ở những chân ruộng khó khăn, sản xuất bấp bênh chỉ trồng được hai vụ lúa thì chỉ thu lãi hơn 200 nghìn đồng/vụ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên (Nam Ðịnh) Trịnh Văn Mậu cho rằng: "Nếu so sánh hiệu quả trồng một sào lúa với đi làm công nhân hay làm nghề tiểu thủ công nghiệp thì khác biệt rất nhiều. Bởi trồng một sào lúa ở Ý Yên thu được lợi nhuận khoảng hơn 300 nghìn đồng/vụ thì mỗi ngày công lao động ở các làng nghề truyền thống hoặc đi làm công nhân đã có mức thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày".

Khó thay đổi cách nghĩ, cách làm

Trước thực tế nông dân bỏ ruộng ngày càng có xu hướng gia tăng tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp để hạn chế, đồng thời có tính đến việc chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên Trịnh Thị Kim Tình cho biết: Vụ mùa năm 2017 trên địa bàn có 389 ha đất bỏ hoang hóa một vụ. Ðể hạn chế tình trạng này, huyện đã chủ động chuyển đổi cây trồng ở một số diện tích đất trũng tại các xã Yên Trị và Yên Ðồng sang mô hình lúa - cá đem lại hiệu quả kinh tế khá; một số diện tích cao hạn tại xã Yên Thắng, Yên Lương, Yên Ðồng được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm như khoai tây, đậu. Hay tại xã Yên Hồng trước đây, diện tích bỏ ruộng vào khoảng 10 ha nhưng đến nay, sau khi dồn điền đổi thửa, một số hộ đã thuê lại ruộng và chuyển đổi sang mô hình lúa - cá kết hợp trồng cây ăn quả đạt lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha.

Tuy vậy, theo thống kê, vụ xuân 2018 toàn huyện Ý Yên vẫn còn 275 ha đất bị bỏ hoang vì thực tế dù đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không thể theo kịp thu nhập từ khu vực làm công nghiệp, dịch vụ hay làm công trong các làng nghề truyền thống. Việc huyện có nhiều xã có ngành nghề phụ như may mặc ở Yên Trị, Yên Ðồng; nghề đúc đồng tại xã Yên Xá, thị trấn Lâm; nghề thủ công mỹ nghệ tại xã Yên Tiến, Yên Thắng… thường xuyên giải quyết việc làm cho lao động với mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp thì giải pháp chuyển đổi vẫn không thật sự đem lại hiệu quả.

Tại huyện Mỹ Lộc (Nam Ðịnh), qua thống kê, vụ xuân 2018, toàn huyện có tổng số 1.793 hộ bỏ hoang hơn 82 ha đất, trong đó nhiều nhất là xã Mỹ Thắng, nơi có làng nghề truyền thống, với diện tích hơn 27 ha. Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Thị Tuyết chia sẻ: Huyện đã triển khai một số chương trình khuyến khích người dân trồng lại lúa, chuyển đổi cây trồng, hoặc cho các cá nhân hay tổ chức thuê lại đất để sản xuất tập trung tránh bỏ hoang ruộng, nhưng họ cũng không mặn mà. Nguyên nhân một phần do họ đã chuyển đổi nghề nghiệp cho nên không quan tâm đến trồng lúa, nhưng phần lớn là do tâm lý giữ ruộng, không an tâm khi cho thuê, cho mượn. Trong khi đó, ngoài biện pháp động viên, khuyến khích thì địa phương cũng không có cách thức nào khác để người dân tự nguyện tham gia liên kết hoặc cho thuê lại, dẫn đến việc tích tụ ruộng đất vẫn khó thực hiện.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Mỹ Lộc có hộ gia đình ông Trần Trọng Phong (thôn Sắc, xã Mỹ Thắng) đứng ra thuê lại diện tích ruộng bỏ hoang để tạo vùng trồng lúa tập trung nhưng việc thuê mướn rất khó. Thậm chí có những vùng đã thuê được gần hết, chỉ còn một vài mảnh người dân kiên quyết không cho thuê khiến việc tập trung trồng cấy liền thửa liền ruộng trở nên khó khăn và không thực hiện được. Ông Trần Trọng Phong cho rằng: Nếu không thực hiện chuyển đổi thì chỉ cần gieo cấy thành khu tập trung với diện tích lớn thì việc trồng lúa sẽ đem lại lợi nhuận tương đối lớn. Như với diện tích đã thu gom được gần bảy mẫu, vụ xuân 2017, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhấn mạnh rằng, việc thuê ruộng này là không ổn định vì các hộ có thể đòi lại bất cứ lúc nào họ muốn.

Có thể thấy, hiện trạng nông dân đồng bằng sông Hồng bỏ ruộng là khá phổ biến. Và hiện nay, những giải pháp để kéo nông dân về lại với ruộng đồng hầu như chưa có kết quả đáng kể, dù đã có sự chuyển đổi sản xuất dưới sự chỉ đạo của chính quyền hay những nỗ lực thu gom đất hoang để đầu tư sản xuất của cá thể nông dân. Vậy, cần phải làm gì để mỗi "tấc đất" trở lại thành "tấc vàng" trong suy nghĩ và hành động của mỗi nông dân vùng châu thổ sông Hồng?

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TUYẾT HÙNG NGỌC và KHÁNH VINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37600502-su-dung-hieu-qua-dat-trong-lua-o-dong-bang-song-hong-ky-1.html