Sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà, đất

Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, TP HCM đề xuất điều chỉnh nhiều chỉ tiêu sử dụng đất cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực này

UBND TP HCM vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

Điều chỉnh nhiều chỉ tiêu

Theo UBND TP HCM, từ tháng 5-2023, thành phố đề xuất điều chỉnh 18 chỉ tiêu đã phân bổ, trong đó 5 chỉ tiêu điều chỉnh giảm và 13 chỉ tiêu điều chỉnh tăng. Lần này, UBND TP HCM báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ 3 loại đất gồm đất khu công nghiệp, đất an ninh và đất giao thông.

Cụ thể, UBND TP HCM đề nghị tăng thêm 414 ha đất khu công nghiệp so với phân bổ là 5.021 ha (thành 5.435 ha) để thành lập 2 khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II; tăng đất an ninh thành 577 ha nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch đất an ninh đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với đất giao thông (thuộc nhóm đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia), thành phố đề nghị điều chỉnh tăng lên thành 18.042 ha để bổ sung diện tích thu hồi đường Vành đai 3, tuyến đường song hành Vành đai 3; điều chỉnh nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cũng như chuẩn bị thủ tục đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Bình Tiên.

Trong năm 2023, UBND TP HCM đã ban hành 46 văn bản giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 692.485 m2. Cùng thời gian này, UBND TP HCM ban hành 10 văn bản để thu hồi 76.600 m2. Trong đó, thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM quyết định thu hồi đất tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5.

Kết luận thanh tra chỉ rõ Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã có sai phạm trong việc góp vốn dự án tại số 152 Trần Phú về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng gần 31.000 m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 1-2024, Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM có công văn về việc giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 152 Trần Phú. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc giao nộp giấy chứng nhận nên Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã ra công văn thông báo việc thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên.

TP HCM đã thông báo thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa chỉ 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP HCM

Khai thác tốt tài sản công

Liên quan quản lý tài sản công, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM vừa tổ chức hội nghị chuyên đề "Thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố".

Thông tin tại hội nghị cho hay quỹ nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167/2017 (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM đang quản lý, sử dụng là 9.295 địa chỉ. Trong đó, khối cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp 1.998 địa chỉ.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND TP HCM có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý, gồm 131 cơ sở nhà, đất, diện tích đất là hơn 257.300 m2.

Hiện các cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn đang tiếp tục rà soát, phân loại nhà, đất để thực hiện báo cáo kê khai và lập phương án sắp xếp lại theo tinh thần Nghị định 67/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017.

Trong khi đó, quỹ nhà, đất thuộc vi phạm điều chỉnh của Nghị định 99/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở) và Nghị định 30/2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015), TP HCM có 7.921 căn nhà và 9.683 căn hộ do các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận, huyện, TP Thủ Đức và Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý, giữ hộ.

Thành phố có 721 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 chung cư, 69 căn hộ nhà ở công vụ. Nhà đất chưa xác lập quyền sở hữu nhà nước trên địa bàn là 1.084 địa chỉ, trong đó 1.061 địa chỉ do các quận, huyện và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quản lý và 23 địa chỉ do Sở Xây dựng quản lý.

Trên địa bàn thành phố còn có quỹ nhà, đất thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý (đất trống, đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa của một số dự án) nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước. Cụ thể, 2.380 nhà, đất với tổng diện tích khoảng 530 ha.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá tài sản công ở TP HCM rất lớn. Nếu quản lý khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực giúp thành phố triển khai thuận lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Tiếp nhận hàng ngàn căn hộ, nền đất

Theo quyết định của UBND TP HCM về việc chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện công tác quản lý, vận hành, các đơn vị (trừ Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM) đã bàn giao về Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng - Sở Xây dựng TP HCM, 7.856 căn hộ.

UBND TP HCM cũng giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tiếp nhận quản lý 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất phục vụ tái định cư. Trung tâm đã tiếp nhận 7.584/9.890 căn hộ và 777/2.230 nền đất. 283 căn hộ và 155 nền đất không tiếp nhận do các địa phương đã sử dụng bố trí tái định cư.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/su-dung-hieu-qua-nguon-luc-nha-dat-19624022622010065.htm