Sử dụng hóa đơn điện tử: Sẽ không gây xáo trộn trong các hộ kinh doanh

Theo đại diện ngành thuế, việc áp dụng hóa đơn điện tử với các hộ kinh doanh sẽ có sự phân loại và cơ quan chức năng sẽ không nhắm vào những hộ kinh doanh nhỏ để gây xáo trộn.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức chiều ngày 19/10.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được ban hành đã đánh dấu thêm một bước tiến trong lộ trình chuyển dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) của Chính phủ, qua đó giúp doanh nghiệp rút ngắn các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ về Nghị định số 119 tại buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Tại buổi họp báo, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Đây là thời điểm thích hợp và thuận lợi để triển khai thực hiện chuyển đổi HĐĐT. Hiện nay đã có tới trên 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử với cơ quan thuế và 95% đang thực hiện.

Nghị định 119 quy định thời hạn chuyển đổi hoàn thành trước ngày 1/11/2020 là để người nộp thuế có hơn 24 tháng chuẩn bị về điều kiện vật chất và con người được tập huấn làm quen với HĐĐT. Các doanh nghiệp hộ gia đình có thể yên tâm vì Nghị định 119 có hiệu lực sau 45 ngày ký và có lộ trình 2 năm để thực hiện.

Theo quy định, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên, có doanh thu năm trước liền kề từ ba tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Quy định này không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm HĐĐT.

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp HĐĐT.

Phó Vụ trưởng Vụ thuế Thu nhập cá nhân Tạ Phương Lan cho rằng, phương thức quản lý mới theo Nghị định 119 sẽ phân loại tốt hơn sự khác biệt hộ kinh doanh lớn và nhỏ, thay vì áp dụng khoán so với trước. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ như bán rau, bán phở,... ngành thuế không nhắm vào các hộ đó để yêu cầu họ thực hiện HĐĐT.

"Trong Nghị định 119 vẫn quy định một nhóm những hộ nhỏ không thực hiện sổ sách kế toán, không có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì vẫn nộp thuế khoán như bình thường, sẽ không gây xáo trộn quá nhiều trong toàn bộ gần 2 triệu hộ", bà Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, không ít người đặt ra sự lo ngại về trường hợp hàng hóa lưu thông trên đường ở vùng sâu vùng xa, không truy cập HĐĐT không thể truy cập dữ liệu điện tử khi không có mạng internet 3G, 4G.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Nghị định 119 cũng quy định trường hợp bất khả kháng do sự cố thiên tai và mạng không truy cứu được hóa đơn, sẽ áp dụng hai trường hợp là sử dụng chứng từ giấy là bản sao của chứng từ HĐĐT, sẽ tra cứ trên cổng. Trường hợp không có chứng từ giấy thì cơ quan Nhà nước sẽ truy cập cổng thông tin của Tổng cục thuế để kiểm tra thông qua hình thức như tin nhắn, truy cập mạng,...

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/su-dung-hoa-don-dien-tu-se-khong-gay-xao-tron-trong-cac-ho-kinh-doanh-81683.html