Sử dụng lựu pháo M777 Mỹ - Kinh nghiệm đau thương của binh sĩ Ukraine

Không chỉ gây sát thương cho đối phương, những khẩu pháo M777 còn đem đến nỗi kinh hoàng cho những người lính sử dụng chúng.

Theo Bulgarian Military, lựu pháo kéo M777 của Mỹ khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng khi làm nhiệm vụ. “Sau một loạt đạn dữ dội, nòng của khẩu pháo M777 nổ tung. Kết quả khiến cho một số binh lính Ukraine thương vong”, hãng thông tấn Nga Tass từng đưa tin, trích dẫn từ những chia sẻ của Ruslan Olefirenko. Olifirenko là một người lính Ukraine, hiện đang là tù binh chiến tranh của Nga.

“Chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều lần khẩu M777 nổ tung sau những loạt bắn. Vì vậy, đã có rất nhiều trường hợp binh sĩ tử vong. Nhiều người lính bắt đầu sợ hãi và từ chối làm việc với khẩu pháo đó”, Olifyrenko cho biết.

Olifyrenko chiến đấu ở Lữ đoàn cơ giới độc lập 53 của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Anh không bị bắt mà tự nguyện đầu hàng quân đội Nga ở khu vực Avdeevka.

Người lính Ukraine này cũng cho biết được đào tạo về cách vận hành pháo M777 ở Đức. Khóa đào tạo của Olifyrenko chỉ kéo dài 5 ngày. Bốn trong số 5 ngày đó là lý thuyết thuần túy và ngày cuối cùng là thực hành sử dụng pháo. Sau đó, anh ta được đưa trực tiếp ra tiền tuyến với tư cách là thành viên của một khẩu đội pháo kéo M777.

Olifirenko cũng nói việc khẩu pháo của M777 bị vỡ không phải là vấn đề duy nhất. Trong quá trình chiến đấu, anh ta ghi nhận có trường hợp pháo ngừng nạp đạn hoặc pháo dễ bị nóng quá mức. Ngoài ra, Olifirenko cho biết thêm, “một số tính năng khác của pháo cũng thường xuyên gặp sự cố và ngừng hoạt động”.

Một khẩu đội pháo M777 của Ukraine.

Một khẩu đội pháo M777 của Ukraine.

Nguyên nhân của sự cố

Trên thực tế, nhiều sự cố của các hệ thống pháo từng được các chuyên gia phân tích của tạp chí Bulgarian Military đưa tin trước đó. Họ cho rằng nguyên nhân chính của việc vỡ nòng pháo là do binh lính Ukraine sử dụng những khẩu pháo này quá tải. M777 nói riêng và các loại pháo khác nói chung đều có những giới hạn về số lượng đạn nhất định được bắn trong một khoảng thời gian. Thực tế chiến đấu có nhiều trường hợp binh sĩ cố bắn hàng trăm viên đạn mỗi ngày từ một khẩu lựu pháo, điều này dẫn đến chúng bị quá tải gặp sự cố thường xuyên.

Các chuyên gia cho biết một số lựu pháo phương Tây chỉ được thiết kế để bắn 100 quả đạn mỗi ngày. Điều này cho chúng ta thấy được những khẩu lựu pháo M777 phải chịu sức ép lớn thế nào khi bắn hàng trăm phát mỗi ngày.

Vào đầu tháng 11/2022, trang Bulgarian Military cũng đưa tin về một trường hợp thú vị trong cuộc xung đột ở Ukraine. Một khẩu đội pháo M777 của Ukraine đã phải thay nòng pháo tới bốn lần do họ bắn liên tục và khiến nòng pháo quá nóng, dẫn đến kết quả bắn kém chính xác. Theo nguồn tin, khẩu M777 này đã bắn được 6.000 viên đạn kể từ khi có mặt tại Ukraine.

Một người lính Ukraine đứng trước khẩu lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp ở vùng Donetsk phía đông Ukraine vào ngày 18/6/2022.

Theo thống kê, hiện tại có ít nhất 6 mẫu lựu pháo của phương Tây viện trợ cho Ukraine gặp vấn đề, bao gồm cả pháo kéo và pháo tự hành. Một số binh sĩ Ukraine còn nhận thấy rằng khi bắn bằng M777, đôi khi nòng súng không giật lại và điều này xảy ra sau khi bắn liên tục 30 viên.

Một loại lựu pháo khác của Mỹ là M109 cũng thường bị cháy các vòng đệm nạp đạn. Ngoài ra còn có vấn đề với lựu pháo FH70 của Italia và pháo PzH 2000 của Đức.

FH70 của Italia thường giảm áp suất nitơ trong cơ chế cân bằng nòng súng. Trong khi PzH 2000 của Đức gặp sự cố với một số thiết bị điện tử, chẳng hạn như màn hình bộ điều khiển quá nhiệt.

Hai hệ thống vũ khí cuối cùng trong danh sách là lựu pháo Krab của Ba Lan và Caesar của Pháp. Chúng cũng thường xuyên có những sự cố với thiết bị hỗ trợ tính toán và nòng pháo khi bắn liên tục.

M777 trên chiến trường Ukraine

Ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã cung cấp 108, Canada 4 và Australia 6 khẩu pháo M777 cùng đạn dược cho lực lượng vũ trang Ukraine, Canada cam kết sẽ cung cấp 10 nòng súng để thay thế bất kỳ nòng súng nào bị hao mòn trong quá trình bắn. Thông thường một hệ thống pháo hiện đại như M777, phải thay nòng sau khi bắn tới 2.500 viên đạn.

Mặc dù M777 phải được kéo đi và có tốc độ bắn thấp hơn PzH 2000 của Đức và Caesar của Pháp, nhưng nó chính xác hơn và dễ sử dụng hơn. Tập đoàn BAE tuyên bố rằng họ đang thảo luận với Mỹ về việc khởi động lại việc sản xuất loại vũ khí này, sau khi nhận thấy M777 hoạt động tốt ở Ukraine và chi phí vận hành thấp hơn đã khiến nhiều quốc gia khác hỏi mua loại vũ khí này.

Lựu pháo M777 của Ukraine bị phá hủy bên ngoài Lysychansk.

Vào tháng 11/2022, theo các quan chức Mỹ và Ukraine, một phần ba trong số khoảng 350 khẩu lựu pháo phương Tây (bao gồm 142 khẩu M777 do Mỹ viện trợ) tặng cho Ukraine không thể hoạt động.

Những vũ khí đó đang bị hao mòn sau nhiều tháng sử dụng quá mức, hoặc bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trong chiến đấu. Tính đến đầu tháng 4/2023, có từ 49 đến 81 khẩu M777 được báo cáo là đã bị phá hủy hoặc hư hỏng.

Mặc dù mang lại hiệu quả chiến đấu hơn so với các loại lựu pháo khác, nhưng việc sử dụng M777 của binh sĩ Ukraine đang khiến chúng phản tác dụng do những sự cố khi sử dụng quá tải gây nên, điều này cần phải được khắc phục nếu không những vũ khí như vậy sẽ chỉ khiến cho tình hình phía Ukraine khó khăn thêm.

Lê Hưng (Nguồn: Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/su-dung-luu-phao-m777-my-kinh-nghiem-dau-thuong-cua-binh-si-ukraine-ar786370.html