'Sử dụng mật gấu là hành vi lỗi thời trong xã hội văn minh' - Thông điệp thức tỉnh cộng đồng

Chưa đầy 2 phút, phim ngắn 'Quay ngược thời gian' truyền tải thông điệp tới người xem: Sử dụng mật gấu là hành vi lỗi thời trong xã hội văn minh.

Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông “Quay ngược thời gian” đưa khán giả đến với hành trình “tua” ngược thời gian, tìm hiểu về nguồn gốc của mật gấu.

Bắt đầu từ một lọ mật gấu trong tay người dùng, phim tái hiện hành trình ngược dòng thời gian đến những trại gấu, nơi diễn ra quá trình trích hút tàn nhẫn và bất hợp pháp để tạo ra lọ mật gấu tưởng chừng như vô hại đấy.

Mở đầu phim là cảnh người mẹ đưa cho con gái mình một lọ mật gấu để chữa vết bầm trên cánh tay. Ngay sau đó, người xem từng bước đi theo một diễn biến ngược, từ căn nhà cô gái đang đứng đến hiệu thuốc đông y nơi mẹ cô mua lọ mật gấu và tiếp đó là đến cảnh chuồng cũi, nơi mà những cá thể gấu bị trích hút mật.

 Những thước phim tái hiện cảnh trích hút mật gấu nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ sự dã man, tàn ác của những kể đang hành hạ gấu làm lợi. (Ảnh chụp màn hình)

Những thước phim tái hiện cảnh trích hút mật gấu nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ sự dã man, tàn ác của những kể đang hành hạ gấu làm lợi. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh việc vạch trần bí mật nằm sau phương thuốc cổ truyền được nhiều người Việt Nam sử dụng, “Quay ngược thời gian” cũng truyền tải thông điệp mật gấu không còn chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại và việc sử dụng sản phẩm này cần phải chấm dứt.

“Nuôi nhốt gấu đang dần đi đến hồi kết”, bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV nhận định. “Hiện nay vẫn còn khoảng 700 con gấu đang bị nuôi nhốt trong những chuồng cũi chật hẹp. Người nuôi nhốt gấu sẽ không có lí do gì tiếp tục nuôi nhốt gấu nếu cộng đồng không tiêu thụ và sử dụng mật gấu”, bà Dung nhấn mạnh.

Bà Dung cũng cho biết ENV và các đối tác sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam và khuyến khích chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu cho các trung tâm cứu hộ để chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Rất nhiều người Việt Nam từ bỏ thói quen sử dụng mật gấu trong quá khứ, thay vào đó là sử dụng các phương pháp y học khác văn minh và hiệu quả hơn.

Cô gái trong phim ngắn từ chối không sử dụng mật gấu. (Ảnh chụp màn hình)

Năm 2005, tại Việt Nam có hơn 4.300 con gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước. Hiện nay, số lượng gấu bị nuôi nhốt giảm và chỉ còn khoảng 700 con tại chủ yếu các cơ sở tư nhân. Trong hơn 15 năm qua, ENV cùng các đối tác phối hợp với các cơ quan quản lý từng bước chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của ENV công bố năm 2015, nhu cầu sử dụng mật gấu giảm 61% so với năm 2009. Quan trọng hơn cả, ngày càng có nhiều chủ gấu tự nguyện từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu và chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình tới các trung tâm cứu hộ.

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy cộng đồng nói chung và những chủ nuôi gấu nói riêng ngày càng nhận thức tốt hơn về vấn nạn nuôi nhốt gấu. Điều này cũng báo hiệu tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam đang đi đến hồi kết.

Phim ngắn chưa đến 2 phút truyền tải thông điệp bảo vệ gấu - loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh chụp màn hình)

Phim ngắn là một phần trong chiến dịch bảo vệ gấu của ENV và các đối tác là Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, Tổ chức Four Paws nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu và góp phần bảo vệ gấu tự nhiên tại Việt Nam.

Linh Nhi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/su-dung-mat-gau-la-hanh-vi-loi-thoi-trong-xa-hoi-van-minh--thong-diep-thuc-tinh-cong-dong-d479991.html