Sử dụng nguồn ngân sách cho bảo vệ môi trường một cách thiết thực hơn

Trong các kỳ họp Quốc hội nói chung, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV nói riêng, các đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội luôn thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri và có những tham luận, đóng góp khoa học, khách quan góp phần vào thành công chung của kỳ họp. PV xin lược trích phát biểu của ĐB Trần Thị Quốc Khánh liên quan đến vấn đề sử dụng ngân sách chi cho bảo vệ môi trường tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ngày 29/10/2018 (ảnh TTXVN)

Theo quy định hiện hành, các khoản chi cho môi trường phải có trong dự toán và trên cơ sở dự toán. Nguồn ngân sách bảo vệ môi trường của các bộ, ngành do các bộ ngành dự toán, tập hợp gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo. Hầu hết nội dung các dự toán này đều phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường hay tổ chức các cuộc thi, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Chi phí này nhiều năm qua còn mang tính dàn trải. Trong khi đó, nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường hết sức hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn còn nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.

Có những địa phương còn sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để chi cho xây dựng cơ bản,nên dẫn đến tình trang rất hạn chế trong nhiệm vụ cần thiết để bảo vệ môi trường. Có những vấn đề cử tri nói mấy năm nay nhưng vẫn chưa có sự thay đổi. Ví dụ, ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Đặc biệt, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy không phải chỉ riêng của Hà Nội, nó còn liên quan đến 5 tỉnh đồng bằng thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Cá nhân tôi cho rằng, các bộ, ngành không nên dùng kinh phí đó để cứ họp là in ấn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp. Nguồn ngân sách khó khăn, đề nghị tập trung trên cơ sở nguồn lực tiết kiệm được từ các bộ, ngành đó. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải xem xét những dự án như lưu vực sông gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân, phải làm tập trung và đầu tư mạnh mẽ chúng ta mới thấy được ô nhiễm môi trường dần dần từng bước khắc phục. Hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác cứ để tình trạng này và không thấy có chuyển biến gì. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo và có sử dụng nguồn ngân sách cho bảo vệ môi trường một cách thiết thực hơn.

H.Phạm (lược ghi)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/su-dung-nguon-ngan-sach-cho-bao-ve-moi-truong-mot-cach-thiet-thuc-hon-82191.html