Sử dụng phương ngữ Nam Bộ trong các trường học Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay nhiều Sở GD&ĐT ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã biên soạn được chương trình giảng dạy Ngữ văn địa phương. Một số tỉnh có công trình nghiên cứu, in thành sách phục vụ giảng dạy như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ…

Phần lớn các công trình này đều chỉ ra được cái sai trong cách phát âm của địa phương mình, đồng thời góp phần bổ sung vốn từ ngữ Nam Bộ vào kho từ vựng chung của nước nhà mà các vùng miền khác không có được.

Đặc điểm phương ngữ Nam Bộ

Ở khu vực ĐBSCL phương ngữ thể hiện khá rõ trong lời ăn tiếng nói của nhân dân và trong các tác phẩm văn học. Nó làm nên bản sắc riêng của người dân nơi đây.

Xét trên các bình diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách diễn đạt thì phương ngữ Nam Bộ cũng như phương ngữ ở địa phương khác đều có sự giao thoa, tiếp thu, cải biến giữa các vùng miền mà cư dân mang theo trong quá trình đi “mở cõi”.

Các thầy cô giáo từ trường mẫu giáo tới THPT ở ĐBSCL đã sử dụng phương ngữ Nam Bộ trong giao tiếp và giảng dạy, nhất là trong các giờ Ngữ văn, Tiếng Việt.

Vấn đề là làm sao vừa cung cấp vốn từ ngữ phổ thông cho học sinh, vừa chỉ ra cái hay, cái đẹp và cả những hạn chế của phương ngữ đó.

Về mặt địa lý, Nam Bộ được tính từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh đến Cà Mau. Nét nổi bật của phương ngữ Nam Bộ so với phương ngữ Bắc Bộ hay Trung Bộ là ở tính nhất thể.

Nếu ở Bắc Bộ tiếng Hà Nội khác tiếng Thanh Hóa, khác tiếng Nghệ An, Hà Tĩnh…, thì ở Nam Bộ tiếng Sài Gòn và tiếng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nói chung không khác nhau mấy. Nếu phần lớn các tỉnh miền Bắc gọi cái bát, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là cái đọi, thì ở Nam Bộ gọi là cái chén.

Nếu ở các tỉnh phía Bắc nơi thì gọi cha - mẹ, bố - mẹ, thầy - u, nơi gọi là cậu - mợ, bố - bầm, thầy - bu, ải - êm (người Thái)… thì ở Nam Bộ gọi là ba - má, tía - dú.

Ngược lại, có một số từ ngữ ở miền Bắc, miền Trung gọi bằng một tên, như: thuyền hay đò thì ở Nam Bộ lại có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ rõ đặc trưng, công dụng, kích cỡ của mỗi loại khi tham gia giao thông thủy, như: tàu, ghe.

Riêng loại “ghe” có tới hơn chục tên gọi: ghe chài, ghe be, ghe bầu, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, ghe tam bản, rồi xuồng ba lá, vỏ lãi, tắc ráng, trẹt

Nhìn cách trang trí màu sắc ở mũi ghe, lườn ghe là người ta có thể biết ngay đó là ghe ở địa phương nào. Ghe thương hồ của người Gia Định có đặc điểm:

Ghe ai đỏ mũi xanh lườn

Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em. (Ca dao)

Những phát âm địa phương dẫn đến viết sai chính tả của học sinh khu vực ĐBSCL

Nhiều thầy cô giáo rất băn khoăn, trăn trở vì học sinh nơi đây phát âm sai quá nhiều so với tiếng phổ thông. Phát âm sai ở phụ âm đầu nhiều nhất ở là phụ âm “r”. Người Nam Bộ phát âm: “Con cá (rô) bỏ trong gổ (rổ) nhảy gồ gồ (rồ rồ), hoặc Gau găm, gau ghém, gau gừng (rau răm, rau ghém, rau vừng). Cách phát âm này gần như phổ biến ở ĐBSCL.

Từ Tây Ninh qua Long An, xuống Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… thường phát âm “r” thành “d”. Ví dụ: rau răm thành dao dăm, cá rô thànhcá dô… rõ ràng thành dõ dàng. Đặc biệt tỉnh Bến Tre (trừ 2 huyện Chợ Lách và Bình Đại), phụ âm “tr” phát âm thành “t”.

Ví dụ: cây tre, cây trúc thành cây te, cây túc. Phải chăng người dân nơi đây có cách phát âm gần giống với cách phát âm của dân một số vùng ở Hà Tây, Sơn Tây (cũ). Ví dụ: Vùng Quốc Oai (Sơn Tây) nói: Con tâu tắng buộc gốc te tụi (Con trâu trắng buộc gốc tre trụi).

Vùng Gò Công cũ (bao gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An) có cách phát âm “ng” thành “qu”. Ví dụ: ông ngoại thành ông quại.

Vùng Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh có cách phát âm “th” thành “kh”. Ví dụ: cái thùng thành cái khùng, đi thẳng thànhđi khẳng.

Ở ĐBSCL còn có hiện tượng phát âm mất âm đệm hoặc mất nguyên âm chính, chỉ giữ lại nguyên âm đệm. Chẳng hạn đoàn viên, đoàn kết thành đòn viên, đòn kết hoặc đàn viên, đàn kết.

Đặc biệt vùng Tây Ninh và khu vực Long An giáp biên giới Campuchia có cách phát âm “ê” thành “i”. Chẳng hạn cơm nếp, cái đệm thành cơm níp, cái địm. “ươ” thành “ơ”; trái mướp thành trái mớp, ăn cướp thành ăn cớp, đám cưới thành đám cứ, tức cười thànhtức cừ…

Ở ĐBSCL phát âm phụ âm cuối không phân biệt “n” và “ng”, “c” và “t”. Ví dụ: cục than thành cục thang, cái thang thành cái than; lụtlục, lang lanPhát âm bán âm cuối iy không phân biệt. Ví dụ: máimáy.

Tất cả những cách phát âm ấy, nhiều học sinh viết y chang vào bài. Một trang A4 bài văn của học sinh THCS có tới mấy chục lỗi chính tả kiểu trên.

Chúng ta phải từ từ uốn nắn và phân tích rõ sự khác nhau giữa văn nóivăn viết để các em thấy được nội dung, ngữ nghĩa của từ ngữ chứa đựng trong cái “vỏ âm thanh” của từ ngữ ấy, thì các em mới có cách viết đúng chính tả.

Phương ngữ Nam Bộ là một biến thể của ngôn ngữ chung và mang sắc thái riêng. Từ đặc điểm nước lên xuống ngày 2 lần ở ĐBSCL mà người ta có nhiều tên gọi về nước.

Gọi nước lên hay xuống, ở Nam Bộ có tới mấy chục từ ngữ để diễn tả, như: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước nổi, nước quay, nước lụt, nước giựt, nước rút, nước chảy, nước trôi, nước nhảy, nước bò

Riêng nước ròng còn được phân biệt: nước ròng cạn, nước ròng sát, nước ròng rặc, nước ròng kiệt, hay còn gọi tắt là nước cạn, nước sát, nước rặc, nước kiệt… Thời điểm nước đứng, phương ngữ Nam Bộ gọi là “nước nhửng”.

Thời gian từ đỉnh triều cường đến đỉnh triều nhược, gọi là nước ròng; từ đỉnh triều nhược đến đỉnh triều cường gọi là nước lớn. “Nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra” là câu thành ngữ mô tả hiện tượng thiên nhiên ở ĐBSCL, có nghĩa phái sinh là người ta chỉ biết dựa vào thiên nhiên chớ không biết chinh phục thiên nhiên, tới đâu hay tới đó.

Tại đỉnh triều nhược nước chuẩn bị lớn, gọi là nước nhửng lớn, tại đỉnh triều cường, có nước nhửng ròng. Ở ĐBSCL có 2 mùa gió Tây Nam và Đông Nam, phương ngữ gọi là gió Nồm và gió Chướng (Nồm xuôi dòng Cửu Long, Chướng ngược dòng Cửu Long). Cửa sông, Nam Bộ gọi là vàm.

Có những cách nói đi sâu vào tiềm thức người dân. Nếu bạn hỏi người Long An: “Quê bạn có nhiều lúa không?” Câu trả lời là: “Hằng hà!” Còn người Vĩnh Long sẽ trả lời: “Nhóc luôn!” (với nghĩa rất nhiều). Từ “cà” có thể thêm vào nhiều từ kết hợp để tạo ra sắc thái biến động không ngừng: cà nhúng, cà nhắc, cà chớn cà cháo, cà khịa, cà rịch cà tang…

ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản, trái cây… vì thế những danh từ liên quan đến nông sản, nông cụ, thủy sản cực kì phong phú. Đơn cử những từ liên quan tới cây lúa thôi, chưa chắc một học sinh thành phố hay thị xã trong vùng biết hết: gốc lúa gọi là rạ, thân lúa thu hoạch xong gọi là rơm, nơi hạt lúa dính vào gọi là gié.

Lúa tròn mình gọi là trổ đòng đòng. Vỏ lúa: trấu. Hạt gạo bị mẻ ra: tấm. Chất bột vàng bao quanh hạt gạo: cám. Trấu nhỏ gọi là trấu càng, tấm nhỏ gọi là tấm mẳn. Thành ngữ: “lo chuyện tấm mẳn”.

Nhiều em ở TPHCM còn chưa biết con trâu con bò thế nào mà chỉ mới thấy trên phim. Có em khi về vùng quê, thấy người ta chặt cả cây chuối để lấy buồng đã hỏi: Sao không để nó sống sang năm sanh ra buồng khác?

Ngay chuyện con cá quả trong ngôn ngữ cả nước, Nam Bộ gọi là cá lóc. Nhưng khu vực Long An, Tiền Giang, cá lóc nhỏ cỡ cổ tay trở xuống gọi là cá tràu, giống như miền Trung gọi tên cá quả vậy. Cá lóc nhỏ quá thì Nam Bộ gọi là cá tràu cửng.

Trong quá trình giao lưu giữa các vùng, miền, các dân tộc, một số phương ngữ Nam Bộ đã có sự vay mượn làm phong phú thêm vốn từ ngữ của cộng đồng cư dân ở xen lẫn với nhau, như: nói “sáng say, chiều xỉn, tối xà quần” thì đều chỉ người say rượu ở những mức độ khác nhau (người Kinh gọi là say, người Hoa gọi là xỉn, người Khmer gọi là xà quần).

Nhưng nói “say” chỉ là ở mức độ thấp, còn “xỉn” nặng hơn “say”, nói “xà quần” thì say tới mức không biết gì nữa…

Cái hay cái đẹp của phương ngữ nam bộ đã được đưa vào nhiều tác phẩm văn học

Có học sinh thắc mắc: “Tại sao trong một số tác phẩm văn học, nhiều tác giả Nam Bộ lại viết đúng với cách phát âm của phương ngữ như vậy? Liệu có phải tác giả cố ý viết sai chính tả?”. Đây là một câu hỏi lí thú.

Có thể tạm thời lí giải đơn giản thế này: Để tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc, khắc họa được đúng tính cách, tâm lí nhân vật ở mỗi vùng miền, nhà văn, nhà thơ đã lựa chọn những phương ngữ của vùng miền nhất định để đưa vào tác phẩm.

Khi đọc lên ta có thể thấy ngay đó là người miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Đó là người Hà Nội, Huế hay Cần Thơ… Chính điều này làm nên bản sắc riêng, độc đáo của tác phẩm, là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của tác giả.

Khi dạy một số tác phẩm của các tác giả Nam Bộ như: Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng... được đưa vào sách giáo khoa thì chúng ta cần chú ý chỉ ra cái hay cái đẹp của phương ngữ Nam Bộ.

Nhưng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kì lịch sử, từ ngữ dùng cũng khác nhau. Một số từ ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh những năm đầu thế kỷ XX nay ít dùng.

Ví dụ, ông miêu tả cảnh ngoài đồng ruộng chỉ bằng vài nét đơn sơ mà gây ấn tượng: Một bữa nọ nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm, lu ỳ. Ngoài đồng nông phu làm lăng xăng, người thì phát cỏ, kẻ thì lo trục đất. Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng vàng, trong hào ấu trái già cuống đỏ đỏ (Phụ nữ Tân văn – số 32, trang 31).

Và đây là cảnh ngoài đồng với bao màu sắc âm thanh ở một vùng quê Nam Bộ cách nay gần thế kỉ: Mặt trời chen lặn, ếch uệch oạc kêu vang mé hào, trâu no nần đi lần về xóm. Lúa cấy đã giáp đông hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng khè, đám nào đã nở thì coi xanh mướt. (Phụ nữ Tân văn số 35, trang 30).

Trong các câu hò, điệu lí Nam Bộ thì phương ngữ khi chân chất, mộc mạc, khi gồ ghề, gai góc. Hãy nghe lời một chàng trai Nam Bộ chọc ghẹo cô gái: Con cò nó mổ con lươn/ Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi hôn?

Hay: Anh thương em từ đầu tới đít/ Đêm anh muốn nằm khít bên em. Hoặc: Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ/ Mùng em có rộng cho qua ngủ nhờ một đêm? Hay: Xắn quần em lội qua lung/ Quần em lỡ tụt anh hun chỗ nào?/ Anh hun thì hun má đào/ Quần em lỡ tụt cắm sào ngủ luôn.

Vào những nămcuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ mang sắc thái hiện đại hơn. Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư là người thành công hơn cả.

Cũng tả cảnh, tả người và sự việc nhưng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư trong các truyện ngắn đã khác xa thời Hồ Biểu Chánh và các cha chú, anh chị trước mình. Phương ngữ Nam Bộ được chị đưa vào đúng lúc đúng chỗ, khắc họa chiều sâu tâm lí nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước.

Đến với văn của Nguyễn Ngọc Tư, độc giả có thể hình dung rất rõ về vùng đất Nam Bộ. Từ những mé đìa lục bình, đám trâm bầu, chòm quao, trái giác nấu canh chua bông súng đến cách gọi tên nhân vật: anh Hai Nhớ, dì út Thu Lý, dì Tư, út Thà, Sáu Tâm… hay lời ăn tiếng nói thường ngày:trời đất, chèn ơi, đúng chóc hà, nói gì lãng xẹt vậy ta, nói chơi hoài, như vầy, chút đỉnh, mình ên… đều gợi lên dáng hình thiên nhiên, con người xứ sở miền Nam.

Có lần chị đã tự bộc bạch một cách rất thật thà trước các đối tượng độc giả, văn của mình như quả sầu riêng, người thích thì nói nó thơm, người không thích thì chê rằng thúi.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/su-dung-phuong-ngu-nam-bo-trong-cac-truong-hoc-dong-bang-song-cuu-long-3903801-b.html